Ranieri đang biến Inter thành một Juve cũ. Ảnh Getty
Đó cũng là lần đầu tiên (và có thể là cuối cùng chăng?) Ranieri huấn luyện Lão bà thành Turin. Mùa bóng đó, dù Juve kết thúc ở vị trí thứ nhì thì đúng ngày giải đấu vừa khép lại, mối quan hệ Juve-Ranieri cũng khép lại. Một nguyên do lớn nhất khiến Ranieri phải ra đi là vì ông không được lòng những cựu binh mà điển hình là Del Piero. Họ đẩy bật ông đi một cách đầy coi thường.
Hôm nay, ở Juve không còn thói kiêu binh ấy nữa bởi với những cựu trào như Del Piero; Chiellini; Buffon…, Conte không chỉ là thầy mà còn là một “đại ca”. Conte hơn hẳn Ranieri ở chỗ đó, cái hơn không phải do tài năng. Conte chẳng qua đã gắn bó quá lâu với văn hoá của Juve, qua nhiều thế hệ của Juve và mặc nhiên, ông là một thách đố bất khả xâm phạm. Vì thế, dưới tay Conte, Juve đoàn kết và chỉ biết hướng đến cái chung. Phát biểu “với tôi, dù khoảng cách là 15 điểm nhưng đây vẫn là trận cầu lớn tối quan trọng” của Chiellini đủ để hiểu tại Juve, thái độ của các cầu thủ nghiêm túc thế nào.
Trong khi đó, ở Inter, Forlan từ chối ra sân trong trận gặp Atalanta và câu trả lời của anh chỉ vô cùng xã giao kiểu “giữa tôi và Ranieri không có vấn đề gì”. Câu nói ấy được thốt ra trong cuộc họp báo mà Ranieri ngồi ngay bên cạnh, mặt nặng như chì. Trong khi đó, chính ông chủ Moratti lại thừa nhận “những gì đã xảy ra là kết quả của mối quan hệ giữa họ với nhau”. Rõ ràng, với cầu thủ Inter, Ranieri chỉ là zero.
Không khác gì những ngày ở Juve, đây là lần đầu tiên Ranieri huấn luyện Inter. Ông không được thấm nhuần văn hóa của nó, những thâm cung bí sử của nó. Và vì thế, trong sự hỗn loạn hôm nay ở Inter, hoá ra trận derby d’italia chỉ còn là cuộc chiến giữa một Juve mới (của Conte) với một Juve cũ (Inter kiểu Juve của Ranieri) mà thôi…