Nửa đầu năm 2014, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, đà tăng điểm trải đều ở nhiều nhóm cổ phiếu cũng giúp chỉ số 2 sàn liên tiếp xác lập đỉnh mới. Nhu cầu nhà đầu tư tăng cao, nhiều công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh cho vay ký quỹ. Thống kê tại 10 đơn vị có thị phần môi giới lớn cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ, tính đến 30/6, đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2013, một số công ty tăng gần gấp đôi.
Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đang là đơn vị dẫn đầu với trị giá khoản phải thu giao dịch ký quỹ 6 tháng qua đạt trên 1.254 tỷ đồng, cao hơn gần 94% so với đầu năm. Chứng khoán MB (MBS) không nêu cụ thể về khoản phải thu margin nhưng ghi nhận giá trị từ các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư trên 612 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 83%.
Trị giá phải thu khách hàng về giao dịch ký quỹ tại một số công ty chứng khoán top 10 thị phần.
Ở nhóm công ty có thị phần và quy mô nhỏ hơn, hoạt động margin cũng được đẩy mạnh. Chẳng hạn Chứng khoán VPBank trong 6 tháng qua cho vay hơn 756 tỷ đồng margin, tăng 31% so với thời điểm đầu năm.
Giám đốc một công ty chứng khoán có vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng tại TP HCM cho biết cung cấp margin được xem như yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao thị phần và duy trì khách hàng. 'Đơn vị nào muốn lọt vào top thị phần và tìm thêm khách hàng mới thì phải có vốn lớn, nguồn tiền cho vay margin dồi dào mới giữ chân được người chơi chứng khoán', giám đốc này lý giải.
Vị trí trong danh sách top 10 thị phần môi giới thay đổi chủ yếu phụ thuộc vào trị giá giao dịch của khách hàng. Theo đó, mức này càng lớn, cơ hội thăng hạng càng nhanh. Chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần khẳng định thêm đây là cách một số đơn vị nhỏ lẻ áp dụng để dễ dàng thăng hạng từ vị trí dưới 10 lên top 5.
Ngoài ra, các giao dịch của nhà đầu tư cũng giúp công ty chứng khoán đẩy mạnh hoạt động thu phí, nâng cao lợi nhuận. Chẳng hạn SSI vừa báo lãi sau thuế công ty mẹ quý II tăng gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước (đạt 237 tỷ đồng). Riêng doanh thu môi giới SSI tăng 90%. Hiện đơn vị này có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền gần 3.185 tỷ đồng.
Còn MBS cũng vừa tăng doanh thu môi giới quý II hơn 60%, lên 23,7 tỷ đồng. Tính chung nửa năm qua, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp này hơn 22 tỷ đồng.
Theo các quy chế đã ban hành, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán tự ấn định nhưng không được thấp hơn 60%. Như vậy, khách hàng được phép vay không quá 40% giá trị khoản đầu tư từ công ty chứng khoán. Việc xác định tỷ lệ ký quỹ của từng khách hàng được thực hiện vào cuối ngày giao dịch, căn cứ vào giá đóng cửa hoặc giá bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán vừa ban hành thêm quy định mới cho phép nâng hạn mức vay lên 50%.
Dù vậy, chuyên viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần ở Hà Nội tiết lộ vẫn có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ margin với tỷ lệ 3/7 (cho vay 70%) và thậm chí là cả 1/9 (cho vay 90%) để chiều lòng khách hàng. Tài sản cầm cố là chứng khoán trong danh mục nhà đầu tư. Những hình thức này hầu hết chỉ dành cho khách hàng có mối quan hệ mật thiết với nhân viên môi giới và cũng đã giao dịch khối lượng, trị giá khá lớn trước đó.
Chính các công ty cũng nhìn nhận sử dụng margin như chơi 'dao hai lưỡi'. Trao đổi với Pv, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư tại Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho biết trong trường hợp cổ phiếu giảm giá, các đơn vị cấp margin phải lập tức cắt lỗ bằng việc bán chứng khoán của khách.
Dù vậy, 'vì mối quen biết thân tình hoặc thanh khoản thị trường khi đó chưa như ý, một số đơn vị vẫn chậm trễ trong chuyện cắt lỗ. Tới lúc cổ phiếu rớt giá quá sâu gây thiệt hại lớn, công ty chứng khoán dù có gọi khách hàng để nộp tiền cũng không được và chỉ còn cách phải gánh chịu hậu quả', ông Khánh chia sẻ.
Nguồn cho vay margin đa phần đến từ ngân hàng, ông Khánh cho biết thêm các công ty cũng vẫn có thể dùng nghiệp vụ kế toán để điều chuyển các khoản tiền nhàn rỗi do nhà đầu tư gửi nhưng chưa kịp thực hiện giao dịch. Tình trạng này khá phổ biến và một thời từng là nguyên nhân khiến hàng loạt công ty rơi vào thua lỗ, kiện tụng dẫn đến sáp nhập hoặc giải thể như Chứng khoán Trường Sơn, Chứng khoán Tràng An.
Giám đốc phân tích tại một công ty chứng khoán top 10 thị phần tại Hà Nội tiết lộ giai đoạn đỉnh cao hồi đầu quý II năm nay, ông tính toán giá trị vay margin tại những đơn vị dẫn đầu thị phần còn có thể lên tới 17.000 tỷ đồng. Theo vị này, chuyện mạnh tay cho vay margin diễn ra phổ biến nhưng không nhiều đơn vị hạch toán đầy đủ vào báo cáo tài chính.
'Điều quan trọng là công ty chứng khoán đạt được thỏa thuận với ngân hàng cấp vốn. Sau đó chuyện vay nợ ra sao là do các bên tự đàm phán. Thông thường lãi suất vay dao động 14-15% một năm', ông chia sẻ.
Một lãnh đạo tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ rất bức xúc trước nguy cơ 'xé rào margin' và cho biết vẫn duy trì các biện pháp cần thiết để quản lý vấn đề này. Với quy định hiện hành, công ty chứng khoán chỉ được phép cho nhà đầu tư vay mua chứng khoán trong danh mục nhất định. Đồng thời doanh nghiệp cũng bị giới hạn ở tỷ lệ tổng mức cho vay margin trên vốn điều lệ.
Lãnh đạo này chia sẻ thêm trong giai đoạn chứng khoán biến động mạnh, Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu các công ty thành viên phải thực hiện báo cáo hàng ngày thay vì hai tuần một lần như trước đây. 'Chúng tôi vẫn đang giám sát hoạt động này một cách nghiêm ngặt', ông chia sẻ.