Gần 60 phút liên lạc cuối cùng bắt đầu lúc 0h25 ngày 8/3 với những hướng dẫn chung từ tháp không lưu dành cho phi công. 0h36, hội thoại giữa phi công phụ và tháp không lưu bắt đầu. Cuộc nói chuyện kết thúc vào lúc 1h19 khi phi cơ mất tín hiệu trên Biển Đông.
Bản ghi âm Telegraph có được bao gồm cả thời điểm mà các nhà điều tra tin là máy bay đã bị phá hoại cũng như những lời cuối “Được rồi, chúc ngủ ngon” của cơ phó 27 tuổi Fariq Abdul Hamid lúc 1h19 ngày 8/3.
Các nhà phân tích cho rằng những thông điệp trong cuộc hội thoại bình thường, trừ hai tình tiết. Điểm thứ nhất là thông tin từ buồng lái lúc 1h7 với nội dung máy bay đang ở độ cao 10,5 km. Thông tin này không cần thiết vì đã được đưa ra trước đó 6 phút.
Tuy nhiên, thời điểm đó lại rất quan trọng. Đúng 1h7 thiết bị liên lạc Acars của máy bay gửi thông điệp cuối cùng trước khi nó bị vô hiệu hóa trong vòng 30 phút sau đó. Bộ truyền phát của MH370 cũng bị ngắt lúc 1h21 nhưng các nhà điều tra tin rằng Acars đã tắt trước khi phi công phụ Hamid nói lời cuối.
Tình tiết bất thường thứ hai là máy bay mất liên lạc và chuyển sang hướng tây vào đúng thời điểm chuyển giao giữa không lưu Kuala Lumpur – Malaysia và TP HCM – Việt Nam. “Nếu ai đó muốn cướp máy bay, đây là thời điểm rất thuận lợi”, Stephen Buzdygan, cựu phi công lái máy bay Boeing 777 của hãng British Airways, Anh nhận định.
Ông Stephen cho biết thêm, khoảng không chết có thể xuất hiện tại nơi chuyển giao không lưu. Đó là thời điểm duy nhất mặt đất không phát hiện ra phi cơ.
Bản ghi âm mà Telegraph có được.
Telegraph cho hay các phóng viên đã liên tục yêu cầu Malaysia Airlines, Cục Hàng không dân dụng Malaysia và văn phòng Thủ tướng Najib Razak xác nhận bản ghi âm. Tuy nhiên, đến nay chỉ văn phòng thủ tướng trả lời với nội dung họ không tiết lộ bản ghi âm.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Malaysia, ông Ahmad Jauhari, hôm nay thừa nhận máy bay mất tích chở chất dễ cháy. Tuyên bố này được đưa ra 4 ngày sau khi ông phủ nhận thông tin trên và gần hai tuần sau khi phi cơ biến mất. Trước đó, tại một cuộc họp báo, nhiều người đặt câu hỏi liệu máy bay có chở chất nguy hiểm không, ông Ahmad trả lời: “Máy bay chở 3 đến 4 tấn măng cụt đến Trung Quốc”.
Thông tin này khiến nhiều người đặt giả thiết chiếc máy bay Boeing 777-200 đã cháy, thành viên phi hành đoàn và hành khách bất tỉnh vì hít phải khí độc.
Công cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 đã bước sang ngày thứ 15 nhưng tung tích phi cơ vẫn còn bí ẩn. Các quan chức Lầu Năm Góc hôm nay cho biết, sau gần hai tuần tìm kiếm máy bay mất tích trong vô vọng, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia - Hishammuddin Hussein đã đề nghị Mỹ xem xét cung cấp trang thiết bị do thám dưới biển để tìm MH370.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đảm bảo rằng ông sẽ xem xét các công nghệ dưới biển của quân đội sẵn có và hữu dụng dùng vào nhiệm vụ tìm kiếm này, đồng thời sẽ thông báo cho chính phủ Malaysia trong thời gian sớm nhất.
Giới chức Mỹ không tiết lộ những thiết bị cụ thể mà Lầu Năm Góc sẽ cung cấp nhưng quân đội Mỹ lâu nay đầu tư mạnh vào công nghệ robot cho việc do thám dưới lòng biển để chống tàu ngầm, hoặc ngư lôi của đối phương.
Hải quân Mỹ có rất nhiều hệ thống định vị thủy âm chủ động lẫn thụ động. Một vài số thiết bị phát ra tiếng "ping" dưới biển và kiểm tra những âm thanh vọng lại trong khi số khác dò âm như một thiết bị chuyển đổi âm thanh sang tín hiệu điện tử.
Mỹ từng gửi Towed Pinger Locator, một hệ thống định vị được kéo sau tàu, đi tìm hộp đen của chiếc máy bay Air France rơi xuống Đại Tây Dương tháng 6/2009.