Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đề xuất giao cho Bộ Công an xây dựng, quản lý

Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình bày tại phiên thảo luận hôm qua (28/10) về dự thảo luật Hộ tịch và luật Căn cước công dân.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa khẳng định quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh sẽ góp phần giảm các thủ tục hành chính, tránh việc công dân phải mang giấy khai sinh hoặc nộp bản sao giấy khai sinh... Dẫn báo cáo từ Bộ Tư pháp về việc hiện có tới 70 thủ tục hành chính liên quan đến giấy khai sinh, Ủy ban TVQH cho rằng việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung hoàn thiện dự luật các vấn đề liên quan trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Việc bổ sung nhằm góp phần khắc phục tình trạng chậm, nợ văn bản; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; tình trạng gửi các dự án luật đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban TVQH, QH chưa đúng thời hạn...

Theo đại biểu (ĐB) Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), thực tế người dưới 14 tuổi không thể tự giao dịch mà phải nhờ đến vai trò của người giám hộ và giấy tờ sử dụng chủ yếu là giấy khai sinh. Do vậy, ĐB Chi cho rằng nên quy định theo hướng trẻ khi sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin nhân dạng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, đến 14 tuổi sẽ cấp bổ sung các thông tin như ảnh, dấu vân tay và cấp thẻ Căn cước công dân với số định danh đã có.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị cân nhắc điều khoản về việc cho phép thu phí khai thác sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi theo ĐB Phong, nếu cho phép khai thác sử dụng thông tin trong lĩnh vực dân sự là quá rộng có thể xâm phạm, tác động đến đời sống cá nhân bị cung cấp thông tin. ĐB Phong đưa ra ví dụ thời gian qua các ngân hàng thương mại, nhà mạng để lộ thông tin của khách hàng làm khách hàng bị quấy rối bởi các tin nhắn rác quảng cáo.

Trong khi đó, ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị không nên giao cho cơ quan quản lý cấp bộ, cấp tỉnh việc cấp, cấp đổi lại thẻ Căn cước công dân vì công việc này trước nay do các cơ quan công an cấp quận, huyện đã làm khá tốt và cũng thuận tiện cho người dân. ĐB Đăng cũng đề nghị nhà nước nên đảm bảo khoản chi phí cho việc đổi từ CMND sang Căn cước công dân và người dân chỉ phải nộp phí trong các trường hợp cấp lại Căn cước công dân do bị mất hoặc hư hỏng.

Bước đột phá trong cải cách hành chính

Theo Ủy ban TVQH, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được nghiên cứu, xây dựng từ năm 2008, đã được thẩm định về mặt kỹ thuật, công nghệ và nguồn vốn. Hiện nay, Chính phủ xác định "cần tập trung chỉ đạo sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, trước hết là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ, gây tốn kém". Đây là dự án trọng điểm đang được Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để thực hiện, trong đó có việc quy định số định danh cá nhân là bước đột phá trong cải cách hành chính theo Đề án 896 với mục tiêu giảm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính gây phiền hà cho công dân.

Theo Ủy ban TVQH, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.

Không ai chịu trách nhiệm gần 1.200 trẻ nuôi “không phép”

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng đề nghị quy định cụ thể trong luật Hộ tịch về thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi. Theo ĐB Hải, thời gian qua, báo chí đã phản ánh vấn đề tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà cơ sở tôn giáo mà câu chuyện chùa Bồ Đề là một ví dụ.

Theo ĐB Hải, qua rà soát, kiểm tra cho thấy chùa Bồ Đề chăm sóc 112 trẻ em, nhưng có tới 80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh, chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật. Việc chưa được đăng ký khai sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các thủ tục pháp lý cho việc được nhận làm con nuôi cũng như quyền được nhận làm con nuôi của các em. “Khi phát hiện ra sự việc, UBND TP.Hà Nội, Q.Long Biên đã tích cực giải quyết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của mình?”, ĐB Hải nêu câu hỏi.

Theo ĐB Hải, luật pháp hiện hành còn rất chung chung, dù có những sai phạm cụ thể nhưng rất khó chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm, thậm chí phải bồi thường hay xử phạt hành chính là bao nhiêu thì cũng chưa được rõ. ĐB Hải cũng cho biết thống kê chưa đầy đủ tại 32 tỉnh, thành có 1.133 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo, trong đó chỉ có duy nhất một cơ sở tôn giáo ở Giáo xứ Hoàng Nguyên (Phú Xuyên, Hà Nội) có quyết định chính thức.

Đề xuất quy định phải đặt tên thuần Việt khi khai sinh

Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) tại phiên thảo luận về dự thảo luật Hộ tịch.

Theo ĐB Nhung, trong dự thảo không quy định nguyên tắc đặt tên sẽ gây khó khăn cho cán bộ cơ sở khi thuyết phục cha mẹ đặt tên thuần Việt cho con. ĐB Nhung dẫn các trường hợp đã có trên thực tế về việc có những trường hợp cha mẹ ở một số địa phương đặt tên con do ảnh hưởng của phim Hàn Quốc là “Đinh San U”,  hay  theo thương hiệu điện thoại như “Cao Nokia”. Cũng có trường hợp đặt tên xấu, tên mất thẩm mỹ, gây mặc cảm như “Lê Văn Hận”, “Nguyễn Văn Lỳ” hoặc tên quá dài gây phức tạp khi sử dụng như trường hợp tên “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”. ĐB Nhung đề nghị cần đưa vào luật quy định về nguyên tắc đặt tên, nguyên tắc xác định họ, xác định dân tộc cho phù hợp với tập quán, truyền thống. Theo ĐB Nhung, nếu không quy định các nguyên tắc đặt tên, xác định họ, dân tộc... thì nên xây dựng luật mới là “luật đặt tên” hay quy định cụ thể trong bộ luật Dân sự (sửa đổi) sắp tới.