“Bến không chồng”, tác phẩm của nhà văn Dương Hướng, hay được mượn để chỉ những phụ nữ đơn thân- chăn đơn gối chiếc ở chốn thôn cùng xóm vắng nào đó, nhưng ở đây lại ở giữa Thủ đô.
Tuổi xuân gửi lại con đường
Trong ngôi nhà có 9m2, hẹp bề ngang, không có cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào, không có thông gió. Bên ngoài trời hè nóng, nên trong căn nhà nhỏ ấy, như căn hầm nóng cứ hầm hập. Trên chiếc giường đơn, một thanh niên gầy quắt, vì bị bệnh lao phổi nặng nằm quắt queo, người mẹ đã kiệt sức vì đau khổ, vì thương khóc con, ngồi bên dõi mắt ra xa xăm. Chị đang nghĩ về tương lai bất định, khi đứa con duy nhất chị “xin được” từ mối tình vội vàng, khi quá lứa nhỡ thì, nay bệnh tật gần như vô phương cứu chữa. Đứa con là chỗ dựa, là niềm hi vọng, là tất cả, nếu nó không còn nữa, thì cuộc đời chị còn đâu ý nghĩa… Tôi đang nói về một niềm đau khổ trong nhiều niềm đau khổ- trong cái xóm của những phụ nữ không chồng ở nơi đây.
Người phụ nữ đó là chị Đặng Thị Thu (SN 1951, quê ở Hải Hậu, Nam Đinh). Hồi ấy, năm 1968, rời xã Hải Phú, Đặng Thị Thu cùng nhóm bạn ra đi thanh niên xung phong khi mới 18 tuổi. Thanh niên xung phong hồi ấy, chỉ toàn đàn bà con gái, đi làm đường hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuổi xuân của chị Thu rong ruổi dành hết cho các cung đường ở các tỉnh miền núi từ Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú … ăn ở tập trung nơi lán trại. Năm 1971, chị Thu cùng loạt TNXP ấy chuyển sang làm công nhân viên quốc phòng, sang nước bạn Lào mở đường giúp bạn, vừa làm đường vừa phục vụ chiến đấu. Từ năm 1971- 1975, những cung đường ở Sầm Nưa, Pắc-xế, Phongsali… in dấu chân các chị. Bàn tay, bàn chân chai lì đến không còn cảm giác, đã biết thế nào là rụng hết tóc vì sốt rét rừng… Phụ nữ chân yếu tay mềm, là phái đẹp. Nhưng vì chiến tranh, vì đất nước…
Làm đường, đó toàn là những công việc nặng nhọc, phá đá, nổ mìn, xẻ núi... Đến tận năm 1990, sau khi dãi dầu qua các cung đường, các chị được Binh đoàn 11- Tổng cụ Hậu cần- Bộ Quốc phòng cho nghỉ hưu, và được phân mỗi chị một căn nhà cấp 4 nhỏ, mỗi căn chỉ có 9 m2 ở một khu vực tại Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Tuổi xuân dành hết cho những cung đường, đến khi đã sang ngoài tuổi “băm”, thì giật mình khi da đã sần sùi đen nhẻm vì rám nắng, mái tóc mượt mà khi xưa đã khô gãy… và những ốm đau, nhất là những đợt sốt rét. Khi về nghỉ, thì đã không thể kiếm được người bạn đời cho mình nữa, các chị ở vậy. Trong số các chị, người dũng cảm vượt qua điều tiếng, miệng lưỡi thế gian “kiếm” đứa con, người thì ở vậy- cô quạnh đến bây giờ.
Một chiều hè, trời nóng bỏng rát. Trong con ngỏ cụt 25/3 phố Bùi Xương Trạch (thuộc phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) là lúp xúp những căn hộ bé nhỏ- mỗi căn hộ đều 9m2, của những gia đình không có đàn ông. Con ngõ nhỏ ấy, tôi gọi là… ngõ nỗi buồn. Bởi ở đây, thật sự chả có mấy lí do để người ta vui, dù là niềm vui có nho nhỏ đi nữa, mà chủ yếu là nỗi buồn trĩu nặng đeo bám mấy chục năm nay trên vai những người đàn bà này. Thật sự, trong cái khu tập thể bé, cũ nát ấy, cái con ngõ nhỏ ấy, chả có mấy niềm vui, mà toàn những khuôn mặt héo hon, của những người phụ nữ. Có khoảng 30 chị em, thì chiếm hơn 2/3 số gia đình không đàn ông- chị em đơn thân- tự mình làm trụ cột gia đình.
Ai cũng “hoàn cảnh” cả. Nhưng trong lúc này, chị Đặng Thị Thu là buồn nhất, khi đứa con trai yêu thương, niềm hi vọng- chỗ dựa của cuộc đời chị bổng đổ bệnh lao phổi nặng. Con trai chị Thu sinh năm 1988, học xong cấp 2 thì nghỉ học- vì nhà quá nghèo, cháu nghỉ học để đỡ tiền cho mẹ. Thế rồi, cháu xin làm công nhân cho một xưởng pha chế nến ở Kim Mã. Một ngày, cháu ho nhiều hơn, người gầy đi nhanh chóng, đi khám bác sĩ chị mới thất thần khi biết con mình bị lao phổi nặng. Bác sĩ nói, trực khuẩn Cốc đã “ăn” gần hết 2 lá phổi, khi đến với bác sĩ quá muộn. Thực ra những biểu hiện bệnh ra ngoài, nhưng vì thương mẹ, cháu dấu bệnh - sợ tốn tiền đi chữa, đến khi này bị bệnh đã quá nặng.
Chị Thu cho biết, có một bác sĩ tiết lộ muốn chữa bệnh cho con thì cần tới tiền trăm triệu- như vậy thì kiếm đâu ra. Ngôi nhà tập thể nhỏ có tròm trèm 9m2 xưa nay hai mẹ con ở, chị đang muốn bán đi lấy tiền chữa bệnh cho con. Nhưng, cái nhà bé tin hin, ẩm thấp, dột nát ấy thì ai mua. Mà, khi bán đi thì chị và con- nếu như cứu được con thì biết sống ở đâu? Ở quê thì xa, anh em “kiến giả nhất phận”, mà mình thì thoát li lâu nay đến một tấc đất cắm dùi không có. Vậy thì chị Thu chỉ biết ngồi buồn, nhìn đứa con nằm trên giường mê man bất tỉnh mà nước mắt ngân ngấn nhìn ra xa xăm. Chị nhìn lên bức tường nhà treo kín thành tích với bằng khen, giấy khen… khi còn trong quân ngũ.
Đứa con đau ốm của chị Thu
Trong cái ngõ… nỗi buồn
Trong cái ngõ của… những nỗi buồn ấy, có các chị, như chị An, Chính, Vân, Khương, Teo, Thu, Cúc, Ngũ, Chiều, Dịu… Những chị em sống co cụm này ai cũng “hoàn cảnh” cả, cuộc sống có nhiều mối lo toan, thương nhau đấy nhưng cũng chả giúp nhau được gì ngoài sự động viên.
Hôm tôi đến chị Teo không có nhà, chị Teo đi Thường Tín thăm… chồng. Các chị kể, anh này, vợ chết, có 5 người con đã lấy vợ lấy chồng gần hết. Chị Teo lại chỉ có một thân một mình, vậy là 2 thân già “gá” tạm cuộc đời với nhau. Hết tuổi không sinh nở được, chị Teo coi con chồng là con mình vậy. Tình trạng “gá” tạm cuộc đời, để kiếm tìm hơi ấm của tình cảm, như vậy là khá phổ biển. Ấy vậy, như chị Vân, thì thậm chí, một nửa “hờ” như vậy cũng còn không có. Đơn côi, con cũng không có, anh em thì ở xa, tản mát hết, nỗi buồn cứ kéo dài đến là dằng dặc. Vậy là, một ngày chị Vân đã quyết định” xuất gia”, và hiện chị tu ở một ngôi chùa bên Gia Lâm. Thỉnh thoảng, ni sư Vân vẫn về cái con ngõ này để thăm chị em, thăm lại căn phòng nhỏ chứa nhiều nỗi buồn ấy. Như bà Cúc còn “kiếm” được đứa con, như chị nói- lúc nó nhỏ thì “vui cửa vui nhà”, lúc mình về già thì là chỗ dựa…Các chị ở đây, về đây, tất cả đều có lương, nhưng lương… thấp, chị cao nhất lương được 2 triệu. Thời giá như hiện nay, thì sống sao nổi, dù là chỉ có một mình, chưa kể tiền thuốc thang, khi ai cũng ủ trong mình hàng đống bệnh tật- di chứng của một thời sôi nổi. Trong số các chị em ở trong cái ngõ nhỏ ấy, hình như ai cũng có vấn đề về sức khoẻ, không bị thương vì mảnh đạn, thì bị tai nạn lao động, hay bị lao lực, hậu quả của những năm tháng làm việc cực nhọc khi xưa. Họ đã vào sinh ra tử nơi chiến trường. Họ không chỉ nghèo về vật chất, mà còn nghèo về tình cảm, và sự cô đơn. Đau đớn hình như lặn vào trong, khiến họ sống câm lặng như những con rùa lầm lũi.
Vì vậy, chị nào cũng phải đi làm thêm, hầu hết là làm giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm. Chị Nguyễn Thị Chiều quê Hưng Yên, bị thương tật mất 30% sức khoẻ, đau đầu kinh niêm, tuy vẫn phải đi ra trời nắng để thu lượm đồng nát. Căn nhà giột nát, không có tiền sửa, cứ khi mưa to thì lại tát nước ra. Chị Thu có 2 mẹ con, lương thấp và dù con bị bệnh, chị vẫn tranh thủ chạy đi làm giúp việc- chăm sóc cho một cụ già ốm cũng ở không xa nhà là mấy để có tiền, phụ với đồng lương để có tiền chữa bệnh cho con.
Ngồi nói chuyện với chị Thu, và các chị em ở đây, tôi cũng chả giúp gì được các chị, mà đã vô tình khơi lên nỗi đau của các chị, khiến không khí như chùng thêm. Tôi chỉ có thể ghi địa chỉ chị Thu- có lẽ là người buồn và khốn đốn nhất lúc này, để có tấm lòng trắc ẩn nào đó trong thiên hạ.
Chị Đặng Thị Thu- số nhà 15- hẻm 358/25/3 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.