Có khuất tất vụ tai nạn kinh hoàng 12 người chết thảm?

Thông tin quan trọng nhất trong vụ tai nạn kinh hoàng giữa đêm làm 12 người chết tức tưởi ở Khánh Hòa hiện vẫn bị “bịt kín”?

Sau vụ tai nạn kinh hoàng vừa xảy ra ở Khánh Hòa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội.

Vừa qua, tại Khánh Hòa đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 12 người chết, gần 50 người bị thương. Theo ông đâu mới là nguyên nhân chính dẫn tới sự việc đau lòng trên?

Theo tôi có 3 nguyên nhân chính dẫn tới sự việc này đó là: tốc độ, vệt bùn trên đường và tài xế của chiếc xe đó.

Do xe chạy với tốc độ cao vào ban đêm, trên đường lại có bùn màu đen, tài xế không nhìn rõ, bị trượt tay lái dẫn tới tai nạn. Hoặc cũng có thể lúc đó đã về khuya, theo nhịp sinh học, con người không tỉnh táo bằng ban ngày nên nếu đi với tốc độ cao thì sẽ không tránh khỏi tai nạn.

Nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc là tại sao sau vụ tai nạn vừa qua, người ta không mở thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để xem xe có chạy quá tốc độ hay không? Xe đó thuộc doanh nghiệp có thương hiệu hẳn phải có thiết bị đó.

Nếu ở Hà Nội, chúng tôi biết ngay xe nào chạy đúng tốc độ, xe nào không. Về mặt nguyên tắc, hiện nay không có xe nào không được lắp thiết bị giám sát hành trình cả. Ở đây có chuyện lọt lưới hay không thì chúng tôi không biết được, nhưng tại sao nhiều ngày trôi qua rồi mà vẫn chưa có thông tin nào về tốc độ của xe gặp nạn? Hay là quá tốc độ nên người ta giấu?!

Sau sự việc đáng tiếc này, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì? Phía Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội có đề xuất nào mới liên quan tới khía cạnh này không?

Đợt này chúng tôi tiếp tục đề nghị Nhà nước hạn chế tốc độ xe khách chạy ban đêm xuống tối đa 60 km/h để đề phòng các tai nạn thảm khốc.

Hiện nay, có nhiều quy định về tốc độ. Ví dụ trên đường cao tốc được chạy tối đa 80 – 100 km/h vào  ban đêm. Nhưng trên đường quốc lộ 1 và đường liên tỉnh, tùy từng nơi, họ cho chạy tối đa 60 – 80 km/h.

Chúng tôi cho rằng, ban đêm mà chạy trên 60 km/h thì nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn kinh hoàng, thảm khốc như ở Khánh Hòa vừa qua là rất cao. Như chúng ta đã thấy, nếu có vết bùn như vậy thì đúng là không thể quan sát được, dễ bị trượt tay lái nếu đi với tốc độ cao.

Có một thực tế đó là ban đêm, nhiều khi lái xe họ phóng tít tới khoảng 100 km/h. Vì vậy, nếu quy định chạy tối đa 60 km/h thì các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông cùng với thanh tra và nhiều bộ phận khác phải phối hợp với nhau mới xử lý được các trường hợp sai phạm.

Chúng ta có thể xác định được xe vượt quá tốc độ cho phép thông qua việc bắn tốc độ. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc, phải nghĩ ra các giải pháp để kiểm soát nó, chứ nếu chỉ đề ra trên văn bản xong rồi thôi thì chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Không chỉ có giải pháp hạn chế tốc độ trên đường mà còn cần nhiều giải pháp khác nữa như một tài xế không được lái xe quá 10 giờ/ngày hay là nếu xe chạy ban đêm thì phải có 2 tài xế thì mới chạy được liên tục…Quy định là vậy, nhưng không ai kiểm tra, xử lý hết được. Muốn giải quyết được những cái đó cần có những biện pháp hết sức cụ thể.

"Đợt này chúng tôi tiếp tục đề nghị Nhà nước hạn chế tốc độ xe khách chạy ban đêm xuống tối đa 60 km/h để đề phòng các tai nạn thảm khốc. Không chỉ có giải pháp hạn chế tốc độ trên đường mà còn cần nhiều giải pháp khác nữa như một tài xế không được lái xe quá 10 giờ/ngày hay là nếu xe chạy ban đêm thì phải có 2 tài xế thì mới chạy được liên tục… " Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội.


Chẳng hạn: Xe chạy ban đêm phải có tối thiểu 2 tài xế. Trước khi xe xuất bến, cơ quan kiểm soát phải trực tiếp kiểm tra xem có đủ 2 bằng lái xe hay không. Trên đường xe chạy, lực lượng chức năng có thể dừng xe để kiểm tra xem có đủ 2 tài xế hay không nhất là trong điều kiên hiện nay, trách nhiệm của người lái xe và doanh nghiệp vận tải chưa cao.

Thứ hai, thường thì cảnh sát giao thông họ chỉ trực vào ban ngày thôi. Chúng tôi đề nghị lực lượng này phải năng tuần tra, kiểm soát hơn chứ không chỉ đóng chốt ở một chỗ. Họ phải tuần tra bằng loại phương tiện có thể bộc lộ cho mọi người biết, ví như xe có còi đặc thù, có đèn hiệu, và phải chạy cơ động trên đường. Nếu cứ ngồi ở trạm để trực là không được.  

Sở dĩ chúng tôi đề xuất như vậy là vì trên đường lái xe chạy ban đêm, nếu họ nhìn thấy cảnh sát đang đi tuần tra thì có thể họ sẽ cắt được giấc ngủ để tỉnh táo hơn chứ nếu cảnh sát giao thông cứ ngồi yên trong bốt thì không giải quyết được vấn đề gì cả.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất là phải đưa vào chương trình cứu nạn buổi tối cho toàn bộ hệ thống giao thông vận tải là ngoài cảnh sát giao thông ra còn phải huy động lực lượng như thanh tra giao thông.

Chỉ có dựa vào công an thôi chưa đủ. Và cũng cần có thêm các giải pháp cứu trợ, cứu nạn. Nếu xảy ra tai nạn kinh hoàng vào ban đêm như vậy thì toàn bộ lực lượng chính trị phải tham gia cứu nạn, cứu trợ chứ không chỉ có bệnh viện hay cảnh sát giao thông. Cần khắc phục tình trạng kéo dài thời gian người bị nạn nằm ở trong xe.

Được biết hai năm trước, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất trên, nhưng bị bác bỏ. Vì sao vậy?

Hai năm trước, chúng tôi từng đưa ra đề xuất này, nhưng Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục đường bộ trả lời rằng tốc độ trên đường đã được Nhà nước ban hành và có tính tới tất cả các lợi ích. Họ cho rằng nếu hạn chế tốc độ hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng tới kinh tế vì ban đêm đường thông thoáng, nếu chạy nhanh sẽ tiết kiệm được nhiên liệu cũng như thỏa mãn nhu cầu của một số “thượng đế” muốn tiết kiệm về thời gian nên di chuyển vào ban đêm.

Chúng tôi cho rằng giữa cái lợi và cái hại phải cân nhắc. Tính mạng của con người mới là quý nhất. Khi một người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, không chỉ gia đình đó chịu tang thương mà rất nhiều cơ quan cũng chịu ảnh hưởng.