“Cò” giấy chứng nhận sức khoẻ tung hoành đất Cảng

Thời gian gần đây, Hải Phòng xuất hiện rất nhiều “cò” giấy chứng nhận sức khoẻ (GCNSK). Loại “cò” này khiến hoạt động cấp GCNSK trở nên bát nháo và tùy tiện.

Qua tìm hiểu của PV, “cò” GCNSK là những người chuyên làm dịch vụ đăng ký, khám, cấp GCNSK cho công dân có yêu cầu. Thậm chí, các “cò” còn làm thay việc của Bác sỹ ghi sẵn họ tên, địa chỉ người yêu cầu, ghi luôn kết quả khám trên GCNSK và chỉ việc mang đi xin chữ ký của Bác sỹ và dấu của bệnh viện. Loại “cò” này thường “trú ngụ” tại cổng các bệnh viện trên địa bàn nội thành Hải Phòng, nhiều nhất là ở các cổng bệnh viện Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng… Các “cò” thường hoạt động núp bóng là những người bán hàng nước, bán hồ sơ giấy tờ, xe ôm, trông coi xe đạp, xe máy hoặc là những người thường lang thang trước cổng bệnh viện... Ngày nắng cũng như ngày mưa, các “cò” lúc nào cũng nhiệt tình “chào đón”. Ai có nhu cầu lấy GCNSK chỉ cần gặp “cò” là được đáp ứng mọi yêu cầu, do đó, có rất nhiều “thượng đế” ưa thích dịch vụ này.

Trong vai người đang “cần” GCNSK để hoàn thiện hồ sơ xin đi làm, thông qua “chỉ trỏ”, PV đến cổng Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền tìm gặp một “cò” có tên O. Tới nơi, PV thấy bất ngờ khi có tới gần chục “cò” đổ xô ra “chào đón” một cách nhiệt tình... Sau một hồi tìm kiếm, PV đã tìm gặp được “cò” O. “Cò” O là một phụ nữ tuổi trạc lục tuần, ngồi bên cạnh chiếc xe đẩy phía trước cổng bệnh viện. Bên trên xe có bày bán một vài bộ hồ sơ xin việc, một vài hộp thuốc diệt muỗi cùng một số đồ dùng văn phòng phẩm… Sau màn chào hỏi, PV “đặt vấn đề”… “cò” O đon đả “tư vấn”: Cháu muốn làm giấy sức khoẻ của bệnh viện nào, bệnh viện nào cô cũng có thể làm được… nhưng tốt nhất là làm của Bệnh viện Giao thông vận tải chỉ hết 45.000đồng. PV tỏ vẻ đồng ý mua. Ngay lập tức, “cò” O hỏi họ, tên, ngày, tháng, năm, sinh, chiều cao, cân nặng… rồi ghi vào một tờ giấy nhỏ cầm sẵn trên tay… PV hỏi: “Có cần phải đến bệnh viện để khám không” thì “cò” O lắc đầu. Sau đó, “cò” O đưa cho PV một tờ giấy khác đã ghi sẵn số điện thoại di động của mình và hẹn một tiếng sau quay lại lấy... Đúng hẹn, PV đã có một tờ GCNSK như “mong đợi”, có chữ ký xác nhận của bác sỹ Tạ Đình Tuân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp và đóng “dấu tròn” của Bệnh viện Giao thông vận tải…

Quan sát cách làm của O, chúng tôi thấy sau khi thu tiền và ghi đầy đủ thông tin khách hàng “cò” O cầm tờ giấy này đưa cho một người đàn ông, tuổi ngoài 40, ngồi cách đó vài chục mét để “xử lý”... Ở đây, không chỉ có “cò” O, mà còn có các “cò” H; T; Y…, hàng ngày liên tục đưa cho người đàn ông này những mẩu giấy như vậy. Sau đó, ông ta sẽ tập hợp, ghi chép, phân loại… cho tất cả chúng vào cốp chiếc xe SH màu trắng (biển số 15B1 55…), rồi đi “đâu đó”. Một lúc sau. Ông ta quay trở về với tập GCNSK (đầy đủ chữ ký, con dấu của các bệnh viện) trên tay.

Sau nhiều ngày làm quen, chúng tôi được biết người đàn ông này tên H, có vợ tên K (là một “cò” có “số”). “Cò” K cho biết, đã làm “nghề” này nhiều năm và hiện một nửa số “cò” ở đây đang phải nhờ đến “mối quan hệ” của gia đình “cò” này với các bệnh viện… Hiện nay, có rất nhiều loại GCNSK, tuỳ vào độ “khó dễ”, tuỳ vào mỗi bệnh viện nên giá cả cũng khác nhau. Thông thường, giá của GCNSK dao động từ 50.000 đồng đến hơn 200.000 đồng. Đắt nhất, là loại GCNSK dùng cho hồ sơ học lái xe ô tô và hồ sơ cho người đi tàu biển… Để “được việc”, ngoài việc phải trả tiền làm GCNSK cho bệnh viện theo quy định, các “cò” còn phải nộp thêm cho các Y, Bác sỹ một khoản tiền nữa để “bôi trơn”… “Cò” K “thật thà” cho biết: hàng tháng, công việc này cũng cho thu nhập khoảng gần chục triệu đồng.

Hoạt động “cò” GCNSK tại cổng Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền mặc dù hết sức “sôi động” nhưng không “táo bạo” bằng các khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hồng Bàng. Theo quan sát, ở đây có khá nhiều “cò” kiêm nghề xe ôm, thậm chí nhiều “cò” có biểu hiện nghiện ma tuý. Chỉ cần “khách hàng” yêu cầu, các “cò” sẽ mở cốp xe máy, lấy bút “điền” vào những tờ GCNSK đã được ký, đóng dấu trước và “dặn dò” về nhà tự điền thêm cho đủ thông tin… Bởi thế mà, ông Nguyễn Văn Tuynh (thương binh nặng, bị cụt một tay); ông Lê Văn Quang (“Quang tròn”, thương binh nặng bị cụt cả hai chân) vẫn được Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân và Bệnh viện Giao thông vận tải cấp GCNSK đủ điều kiện đi học lái xe…

Còn nữa ...