Ông Đỗ Văn Dương, ĐBQH đoàn TP. HCM khi trả lời báo chí bên hành lang QH, có nói: 'Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền'.
Câu nói của ông Dương khiến giới luật sư phản ứng dữ dội. Tất nhiên là phản ứng trên báo chí thôi. Mà báo chí thì ai cũng biết rồi, chuyện bé xé ra to, bất kỳ trong tình huống nào.
Các luật sư bảo, câu nói của ông Dương xúc phạm và 'thóa mạ' giới luật sư, rằng ông Dương chẳng hiểu tí gì về nghề luật cả và yêu cầu ông nghị đính chính.
Thành thật là, làm cái gì bây giờ chẳng vì tiền. Không vì tiền thì vì cái gì, thưa các vị? Giả như, gã nhà báo nghèo rớt như tôi đây, viết ngày viết đêm cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Cứ thẳng thắn với nhau đi. Tiền nhân dạy 'có thực mới vực được đạo' đấy thôi.
Tất nhiên, câu nói của ông Dương có thể là 'vơ đũa cả nắm'. Nhưng thử thống kê một cách khách quan xem có bao nhiêu luật sư sẽ đứng ra bào chữa cho những người không có đồng xu nào? Phần chìm là bao nhiêu, phần nổi là bao nhiêu các vị luật sư đều tính toán được mà. Chuyện không chỉ có giới luật sư biết mà bất kỳ người dân nào khi cần đến luật sư đều biết là muốn bào chữa hay tư vấn đều phải có tiền. Cuộc sống có ai cho không ai cái gì đâu!
Lại nhảy sang một câu chuyện khác cũng thú vị lắm lắm. Chuyện mấy đồng chí Công an phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP HCM, đi phát tờ rơi cho khách nước ngoài, cảnh giác với tội phạm. Người khác thì không biết, riêng cá nhân tôi thì hoàn toàn đồng ý với cách làm của công an.
Tờ báo Giáo dục Việt Nam và một số trang báo khác viết, việc làm đó là bôi nhọ hình ảnh đất nước, làm nhục quốc thể. Gớm, gì mà nghiêm trọng thế. Chúng ta vẫn cứ quen cái thói “đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại” đến bao giờ nữa.
Ở nông thôn Việt Nam, khi ông hàng xóm đến chơi nhà, vừa đến cửa ngõ đã đánh tiếng hỏi lớn: 'Nhà có chó không?'. Chủ nhà bảo: 'Bác cứ vào đi. Chó nhà em đã xích rồi, không cắn đâu mà bác lo'. Trường hợp nhà nào có chó dữ, chó đẻ thì ngoài cổng luôn được chủ nhà viết một dòng chữ vào cánh cửa: 'Chú ý! Nhà có chó đẻ'.
Đấy, ở nông thôn còn văn minh như thế cơ mà.
Trường hợp này, khách không đến gõ cửa chính quyền hỏi, nước ông trộm cướp không? Thì ta cũng nên chủ động có cái bảng “chú ý” cho người ta mới thực là văn minh.
Chúng ta cứ lo khách nước ngoài nghĩ xấu về hình ảnh đất nước. Nhưng nếu họ không được cảnh báo mà bị cướp thì có khi họ cạch mấy đời cũng chẳng đến Việt Nam.
Chuyện gì cũng có mặt trái, mặt phải nên cứ chầm chậm mà suy xét cho kỹ, việc gì mà cứ phải giãy nảy lên như thế.