Cô gái tật nguyền vẽ tranh bằng chân với nghị lực phi thường vượt khó

Dù hai tay bị dị tật co rút, hai chân cũng vận động rất khó khăn nhưng chị Huỳnh Thị Sậm đã không đầu hàng số phận mà dùng bàn chân phải yếu ớt của để cầm bút.

Vượt số phận

Khi phóng viên tìm đến, chị Sậm đang cầm cọ tỉ mỉ từng nét vẽ để hoàn thành bức tranh sơn dầu. Việc vẽ tranh vốn đã không dễ dàng với người lành lặn thì đối với chị, việc phải dùng bàn chân không lành lặn để vẽ càng khó khăn gấp bội. Tuy vậy, những tác phẩm nghệ thuật mà nữ họa sĩ này vẽ ra lại rất sinh động, không thua kém gì tranh của những họa sĩ khác vẽ bằng tay. 

Nếu không nói ra, thì ít ai biết được rằng những bức họa đó đã được vẽ bằng chân. Đưa mắt nhìn về bức từng treo đầy thành quả lao động của mình, chị Sậm lại nhớ về tuổi thơ lắm gian truân, bất hạnh của mình...

Chị Sâm là con thứ ba trong một gia đình nghèo có 6 người con gái. Quanh năm, cha mẹ của chị phải vất vả làm thuê trên đồng ruộng mới kiếm đủ tiền lo chén cơm, manh áo cho các con. Ở độ tuổi chập chững biết đi, cô bé Sậm không may bị sốt bại liệt khiến các ngón tay, ngón chân co quắp lại, hai chân cũng teo dần khiến việc đi lại rất khó nhọc. Lâu dần, đôi tay cô bé mất khả năng cầm nắm mọi vật, hai chân thì không đi đứng được nữa mà chỉ có thể bò lết để di chuyển. 

Cả tuổi thơ, Sậm luôn sống trong sự đơn độc, thiếu vắng bạn bè, chỉ biết lủi thủi trong nhà. Tuy vậy, cô bé ấy lại rất đảm đang, luôn gắng sức phụ giúp cha mẹ quán xuyến hết mọi việc nhà. Dù đi lại và cử động khó khăn nhưng Sậm biết dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc những đứa em nhỏ để cha mẹ yên tâm đi làm. Những đóng góp của cô bé cũng đã phần nào đỡ đần cho gia đình và giúp em cảm thấy bản thân mình vẫn còn hữu ích.

Khi đến tuổi đi học, gia cảnh khó khăn nhưng cha mẹ Sậm cũng chạy lo cho các con học chữ. Hy vọng được đến trường, lòng Sậm mừng như mở hội nhưng vì sức khỏe quá yếu kém nên mãi đến năm 15 tuổi em mới được vào lớp 1. Ngày đầu Sậm đến lớp, thầy giáo có vẻ ái ngại vì cho rằng cô bé không thể học được bằng chân, còn đám bạn nhỏ tinh nghịch trêu ghẹo chị bạn to xác ngồng ngộc của mình. Dẫu vậy, Sậm không hề hờn giận bạn bè mà luôn thân thiện hòa đồng nên mọi người đã dần thay đổi cách nhìn và yêu mến hơn. 

Tuy nhiên đến với con chữ, Sậm phải đối mặt với rất nhiều gian truân, thử thách hơn. Đôi tay của cô bé quá yếu ớt không thể cầm được bút, dùng miệng viết chữ lại càng khó khăn hơn. Không nản lòng, Sậm tay quyết tâm dùng bàn chân phải cầm bút viết chữ. Các ngón chân không giữ được bút, Sậm phải dùng dây buộc chặt để giữ bít. 

Có điều, việc này không dễ dàng chút nào bởi các ngón chân em luôn sưng mỏi, đau nhức vì phải bám chặt bút hàng giờ mà chữ được viết ra lại rất xấu dù em có tư chất thông minh. Để hoàn thiện mình, về nhà Sậm rất siêng năng, luôn dành nhiều thời gian cho việc học, từ 3h sáng hàng ngày cô bé đã thức dậy để luyện chữ. 

Một tác phẩm của chị Sậm. 

Sau 1 năm miệt mài, bàn chân tàn tật của Sậm đã thuần thục ngọn bút, những nét chữ xấu xí, ngoằn ngoèo dần được nắn nót thành những con chữ tròn trịa. Thành quả ấy khích lệ cô học trò này càng ham học hơn và thành tích luôn đạt loại khá giỏi. Kết quả bất ngờ này khiến người thân và bạn bè của Sậm vui mừng khôn tả và họ lại càng nể phục em hơn với nghị lực vượt khó, học giỏi. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh để cô bé ngày càng tin yêu vào cuộc sống và bản thân. 

“Hồi đó, gặp nhiều trở ngại khi đến lớp, tôi có lúc rất nản lòng nhưng nhờ quyết tâm học chữ để biết đọc sách báo mà tôi đã vượt qua mọi mặc cảm. Càng học tui càng say mê và nhận thấy mình phải cố gắng học cao lên nữa để có tri thức mà tự lo cho tương lai của chính bản thân mình. Chỉ có học hành mới giúp tôi có được cuộc sống tốt hơn”, chị Sậm chia sẻ. 

Vẽ tranh bằng chân

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Sậm lên Sài Gòn đăng kí vào học nghề ở một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Hồi ấy, chị được định hướng cho học thêu thùa và tin học văn phòng. Sau một thời gian, nhận thấy khả năng của mình không phù hợp với những nghề này nên chị quyết định đăng kí học vẽ tranh ở Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.Hồ Chí Minh từ năm 2006. 

Để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ, chị Sậm đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách bởi mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0, nếu nói chính xác hơn là con số âm. Vì người con gái quê này như trang giấy trắng vốn chẳng có năng khiếu hay kiến thức gì về hội họa. 

Việc dùng chân viết chữ đã không dễ, nay phải dùng chân vẽ những đường nét phức tạp hơn cho một bức tranh đối với chị Sậm cũng là cả một vấn đề nan giải. Rồi đến chuyện pha màu vẽ của họa sĩ này cũng cần đến sự hỗ trợ của bạn học. Bên cạnh đó, chị phải ngồi vẽ bằng chân trên nền nhà nên tiêu tốn nhiều công sức hơn những học viên khuyết tật khác. 

Bức tranh hoàn toàn vẽ bằng chân. 

Tuy vây, chị Sậm vẫn kiên trì dùng bàn chân phải cầm cọ để tập vẽ từng đường nét cơ bản, đến những vật dụng thông thường như giỏ xách, bình hoa, cây cỏ. Bên cạnh đó, chị lại tìm tòi tài liệu về hội họa để tự nâng cao kiến thức và lòng yêu nghề.

Sau 2 năm cần mẫn, chị Sậm cũng đã hoàn thiện được những bức tranh đơn giản cho đến những bức tranh phức tạp hơn như các bạn học khuyết tật khác vẽ bằng tay. Sau nhiều năm theo học hội họa, sở trường của chị Sậm là chuyên vẽ tranh sơn dầu, màu nước. Nội dung chủ yếu xoay quanh đề tài phong cảnh thiên nhiên với những đường nét đơn giản nhưng sống động như thật, thể hiện tâm huyết và nghị lực phi thường của người họa sĩ

Nhiều khách hàng khi xem tranh của chị Sậm đã không khỏi bất ngờ khi biết chúng được vẽ bằng chân rồi trầm trồ thán phục. Để hoàn thành một bức tranh, nữ họa sĩ này phải bỏ sức làm việc liên tục suốt thời gian một tuần, tuy nhiên mỗi tác phẩm lại có giá khá “mềm”: Chỉ hơn 200 ngàn đồng.

Ngoài việc vẽ tranh, chị Sậm còn tất bật việc học hành để nâng cao trình độ. Năm 2009, chị thi đậu vào ngành Xã hội học, Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh với số điểm khá cao. Đây là niềm vui rất lớn đối với bản thân chị, gia đình, thầy cô và bạn bè. Dù phải bận rộn khi vừa học, vừa vẽ tranh nhưng thành tích của họa sĩ này qua các năm đều đạt loại khá. Vừa qua, chị Sậm đã tốt nghiệp ra trường với thành tích đáng khích lệ.

Ngoài việc học, chị Sậm luôn tham gia tích cực các chương trình tình nguyện dành cho người khuyết tật. Nhiều năm được giao lưu, gặp gỡ bạn bè cùng cảnh ngộ đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để giúp chị hòa nhập cuộc sống. Chị Sậm quan niệm rằng: “Thân xác tật nguyền nhưng ý chí thì không thể. Nếu biết cố gắng phấn đấu thì mình sẽ trở nên có ích cho chính mình, người thân và xã hội. Hy vọng các anh chị em, bạn bè cùng cảnh ngộ hãy trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có để sống vui và phấn đấu không ngừng để vươn đến một ngày mai tươi đẹp”. 

Hiện nay, ngoài vẽ tranh, chị Sậm đang đảm nhận việc thủ thư ở thư viện của Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.Hồ Chí Minh và chị còn dạy học cho các học viên tại đây. Dù thân thể gầy gò, sức khỏe yếu kém nhưng nữ họa sĩ này vẫn luôn say sưa với con đường nghệ thuật và làm việc cần mẫn để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp ích được cho cha mẹ ở quê phần nào. 

Nghị lực vượt khó phi thường đã tôi luyện một cô gái quê rụt rè, nhút nhát tiếp xúc với người lạ như chị Sậm đã trở thành một họa sĩ tài năng, có trình độ cao để sống thật ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội. Ở Trung tâm, nữ họa sĩ vẽ tranh bằng chân này luôn được mọi người yêu mến và xem như một tấm gương vượt khó bởi chị có phong thái tự tin trong công việc và thường đem những trải nghiệm sống để chia sẻ, động viên bạn bè đồng cảnh ngộ.