Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng vì đã chữa chạy khắp nơi bằng nhiều cách mà vẫn không điều trị được dứt điểm, chị M. đã được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, BV Việt Đức “tái sinh” lại khuôn mặt bằng phương pháp mới lấy mỡ tự thân kết hợp với tế bào gốc. Phương pháp mới này không chỉ giúp bệnh nhân làm đầy được các vùng bị teo lõm mà còn tránh được các biến chứng mà các phương pháp cũ gây ra như u cục, ung thư...
Sống khép kín vì khuôn mặt teo lõm, xô lệch
35 tuổi, chị N.T.M. ở Hà Giang vẫn đi về một mình dù có một công việc ổn định, thu nhập cao, dáng hình cân đối, các nét trên khuôn mặt rất đẹp... Mặc cảm vì một nửa khuôn mặt bị teo tóp hõm sâu làm xô lệch, M. chưa một lần dám hẹn hò cùng ai, thậm chí còn chẳng dám nhìn thẳng vào người khác. Chị luôn mặc cảm, đau đớn, sống khép kín vì căn bệnh quái ác của mình.
Theo lời kể của gia đình, thuở nhỏ, M. là một đứa bé xinh đẹp kháu khỉnh, nhưng không hiểu vì sao từ khi 5 tuổi một nửa khuôn mặt của M. cứ ngày càng teo tóp, phần mỡ dưới da cứ tự tiêu đi, khiến phần mặt này nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương. Gia đình cũng đưa M. đi khám chữa nhiều nơi, uống đủ các loại thuốc, xoa bóp châm cứu, tiêm botox... nhưng chỉ được một thời gian ngắn, má lại hóp, mặt lại lệch. Mặc cảm vì vẻ ngoài chẳng giống ai của mình, M. rất ít giao du bạn bè và lúc nào cũng chỉ loanh quanh ở nhà, miệt mài với sách vở. Nhưng được người nhà động viên, M. lại tiếp tục thử vận may của mình tại BV Việt Đức.
Tại đây, sau khi thăm khám, M. được chẩn đoán mắc hội chứng Parry-Romberg, một căn bệnh không rõ nguyên nhân, do hệ miễn dịch tấn công và ăn mòn các mô cơ trên nửa gương mặt. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định áp dụng phương pháp mới cho trường hợp này, đó là lấy mỡ tự thân từ cơ thể bệnh nhân, nuôi cấy tế bào gốc và đưa vào chữa trị. Nhờ đó khuôn mặt bệnh nhân đã đầy đặn và cân đối trở lại. Thành công này không chỉ mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình mà còn là động lực cho các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những cách điều trị mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.
Hội chứng Parry- Romberg là gì?
TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, BV Việt Đức cho biết, có nhiều nguyên nhân gây teo lõm tổ chức phần mềm như sau chấn thương, sau chiếu tia xạ, sau cắt bỏ khối u, sau các bệnh lý nhiễm khuẩn (lao, HIV...). Đặc biệt, đối với bệnh lý bẩm sinh gây teo lõm nửa mặt như trường hợp trên được gọi là hội chứng Parry-Romberg.
Theo y văn thế giới, hội chứng Parry- Romberg là hội chứng sọ mặt được mô tả đầu tiên bởi Parry năm 1825, đến năm 1846 được mô tả bởi Romberg. Những rối loạn này thường không rõ nguyên nhân mặc dù rất nhiều giả thuyết về bệnh sinh được đề xuất. Hầu hết những giả thuyết này đều cho rằng đây là một bệnh lý tự miễn mạn tính do nhiễm virut (Herpes) gây viêm thần kinh sinh ba, xơ cứng bì, khuếch đại hệ thần kinh giao cảm và làm teo lõm nửa mặt. Bệnh này không hiếm nhưng ít người biết tới và thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Hội chứng teo mặt thường bắt đầu khi bệnh nhân còn nhỏ, khoảng 5 tuổi và phát triển tới khoảng 15 tuổi thì dừng lại. Những người mắc hội chứng này thường mặc cảm, sống khép kín do gương mặt không được cân đối. Thậm chí, một số người còn bị teo cả phần xương khiến vẻ ngoài méo mó.
Tế bào gốc từ mô mỡ tự thân nâng hiệu quả điều trị đến 90%
Theo TS. Hà, trước đây, để làm đầy tổ chức cho những bệnh nhân bị teo lõm vùng mặt người ta thường sử dụng dầu paraphine và sau đó là silicon nhưng các chất liệu này thường gây nhiều biến chứng như viêm nhiễm, u cục... Ngày nay, có rất nhiều cách tạo hình khác nhau để tăng thể tích phần mềm vùng teo lõm như bơm mỡ tự thân, ghép trung bì mỡ, ghép sụn, xương tự thân, sử dụng các chất liệu độn như silicon, alloderm, hay sử dụng các vạt vi phẫu (vạt bả, vạt cơ lưng to...). Tuy nhiên, chất liệu mỡ tự thân là một chất liệu tốt và thường được sử dụng trong bệnh lý Romberg.
Tại BV Việt Đức, trước đây, để điều trị cho người bị hội chứng này, các bác sĩ thường lấy mỡ từ cơ thể người bệnh (chủ yếu là vùng đùi, bụng dưới), bơm vào phần mặt bị lép, có thể giúp cho vùng này đầy đặn lên. Ưu điểm của phương pháp này là tránh được nguy cơ thải loại hay lây truyền chéo các bệnh qua máu do lấy mỡ tự thân. Nếu thực hiện đúng quy trình, tỷ lệ mỡ sống khoảng 60-70% sau bơm.
Tuy nhiên hiện nay, các chuyên gia đã tìm ra phương pháp mới là ứng dụng bơm mỡ kết hợp với công nghệ tế bào gốc giúp nâng tỷ lệ sống của mỡ tự thân, khiến khuôn mặt của bệnh nhân luôn cân đối, ổn định. Đặc biệt, tế bào gốc sẽ giúp tỷ lệ mỡ sống được cao lên 70-90%, số lần bơm cũng giảm bớt từ 2-3 lần còn 1-2 lần. Tế bào gốc được qua nhiều khâu xử lý, cô đặc máu tĩnh mạch của chính bệnh nhân, có tác dụng giúp trẻ hóa da, làm liền vết thương nhanh, kích thích các mô mới phát triển tốt. Phương pháp mới này không chỉ giúp làm đầy mặt cho bệnh nhân bị lép mặt do hội chứng Rumberg hay những người có mặt quá gầy, hóp má, miệng... mà còn có thể sử dụng bơm lên ngực cho trường hợp ngực bị lệch tự nhiên hay sau quá trình cho con bú, người sau phẫu thuật cắt bỏ vú do ung thư, sau chấn thương, hội chứng Poland...
Để điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân sẽ được hút mỡ ở các vùng có nhiều như đùi, bụng. Hỗn hợp mỡ lấy ra bao gồm máu, huyết thanh, tổ chức mỡ sẽ được quay ly tâm bằng máy trong 3 phút với tốc độ 30.000 vòng/phút. Hỗn hợp sau ly tâm sẽ tách được thành phần mỡ riêng. Đồng thời, các bác sĩ cũng lấy máu để tách tế bào gốc. Sau đó, mỡ và tế bào gốc được tiêm vào nơi cần làm đầy bằng xi lanh 1cc theo nhiều hướng khác nhau.
Sau điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày nếu gây tê tại chỗ hoặc sau 1 ngày nếu gây mê toàn thân. Đường rạch da vùng lấy mỡ và bơm mỡ có kích thước nhỏ khoảng trên dưới 2mm không để lại sẹo xấu.