"Cưới một lần là đủ cho cả đời rồi"
Quyên mới ly hôn được mấy tháng, bố mẹ cô đã khuyến cáo là có cơ hội thì phải nắm lấy ngay, bây giờ còn duyên kẻ đón người đưa, chứ để vài năm nữa, 40 tuổi thì có ma nó rước. Chờ thêm thời gian nữa, họ hỏi thằng: "Cái thằng H. (người đang đi lại với Quyên) có định cưới mày không?". "Dạ không", Quyên đáp ráo hoảnh. "Anh ta mà đòi cưới là con chạy lập tức".
Bố mẹ nghĩ cô tinh tướng, chém gió, con gái một đời chồng, 2 đứa con, có người chịu cưới thì phải mừng như bắt được vàng. Ông bố bảo: "Thằng đấy không có ý định nghiêm túc thì bỏ ngay, tao thấy thằng V., Thằng S. đều muốn lấy mày, mà đứa nào cũng khá cả, mày quyết sớm đi".
Quyên chẳng muốn "quyết" theo kiểu ấy và đó là nguồn cơn của những lần cãi vã giữa cô với bố mẹ, khiến họ lo buồn. Mặc dù vậy, Quyên khẳng định cuộc hôn nhân đã tan vỡ cũng là cuộc hôn nhân duy nhất trong đời cô. "Lấy chồng một lần là đủ rồi. Đủ để biết thế nào là cầu hôn, là trao nhẫn, là mặc váy cưới lên xe hoa, biết thế nào là tuần trăng mật", Quyên bày tỏ. "Những cái đó, cưới lần thứ hai chắc trông được xúc động như vậy nữa".
"Nhưng lấy chồng một lần cũng đủ để biết thế nào là chấm dứt tự do, chấm dứt những tháng ngày yêu đương lãng mạn, thế nào là sự tủi phận khi làm vợ và nhọc nhằn, cay cực khi làm dâu. Những điều này chắc chắn sẽ càng nặng nề hơn khi lấy chồng lần hai, bởi gái nạ dòng thì luôn là một nàng dâu mất giá".
Bởi thế, Quyên cho biết, dù vẫn còn duyên nên lắm kẻ đón người đưa, vẫn có vài người muốn lấy cô làm vợ, nhưng cô chả dại gật đầu ai hết: "Giờ mình chưa đồng ý cưới thì mình còn có giá, chứ lấy rồi thì họ cho mình trở về đúng vị trí là công dân hạng bét trong nhà ngay. Vả lại cưới làm gì để khi hết tình cảm lại mất công ly hôn như lần trước?".
Quan điểm của Quyên không phải là thiểu số trong những phụ nữ ly hôn khi đã có con cái và tuổi đã "băm nhiều nhát". Nếu như ngày xưa, tìm được nhân duyên mới là mục tiêu lớn nhất với đa số chị em sau ly hôn thì bây giờ, họ không nóng lòng như vậy nữa. Rất nhiều phụ nữ lỡ một lần đò cho biết, họ sẽ ở vậy đến cuối đời.
Tỷ lệ ly hôn ngày càng cao cho thấy, phụ nữ thời nay không coi chuyện tan vỡ hôn nhân là điều nhục nhã làm hoen ố thanh danh, ảnh hưởng đến danh dự gia đình như thành kiến trước đây. Vì vậy, họ không phải chịu sức ép nhanh nhanh chóng chóng thoát khỏi tình trạng đó bằng cuộc hôn nhân mới. Động lực lớn nhất để người ta tái hôn chính là khao khát hạnh phúc yêu đương, đôi lứa; nhưng nhiều chị cho rằng, họ vẫn có thể hưởng niềm hạnh phúc đó mà không cần lên xe hoa thêm lần nào.
"Không lấy chồng lần nào sẽ mang tiếng gái ế, muốn có con thì mang tiếng con không cha. Khi đã có một đời chồng, có con rồi thì chẳng còn sức ép đó nữa", Lan Anh, 33 tuổi, giải thích về quyết định sống độc thân suốt đời sau ly hôn của mình.
Cô nói, là một người mẹ hai con, cô sẽ không bị người đời săm soi xét nét chuyện yêu đương như gái chưa chồng, có thể tự do đi lại với người đàn ông mình muốn mà không cần phấp phỏng liệu anh ta có chịu cưới mình không. Cô có thu nhập tốt, cuộc sống của cô sôi động, nhiều thú vui, nên không phụ thuộc ai cả về vật chất lẫn tinh thần.
"Tôi đang yêu và tôi thấy hạnh phúc, thấy cuộc sống của mình rất trọn vẹn", Lan Anh nói. "Nếu tái hôn, chắc chắn cảm giác hoàn toàn sung sướng mãn nguyện ấy không còn nữa".
Theo Lan Anh, hiện nay cô và bạn trai không sống chung, những cuộc hẹn hò luôn tuyệt vời, nóng bỏng, hai người luôn dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Nhưng nếu lấy nhau, cô sẽ thành vợ và anh ta sẽ thành chồng, nghĩa là cô sẽ hết bay nhảy, vui chơi với bạn bè thỏa thích như hiện nay, và phải ở nhà làm lụng rồi mỏi mắt chờ ông chồng đang mải vui với bạn. Cô sẽ sinh ra thói quản lý anh rồi trách móc cằn nhằn, và anh sẽ coi cô là xiềng xích.
"Đó là chưa kể tôi sẽ phải mệt mỏi với việc cố gắng làm vừa lòng bố mẹ chồng, sau cả ngày hay cả tuần làm việc, thay vì nghỉ ngơi hay giải trí thì tôi phải làm đủ thứ nghĩa vụ của một nàng dâu. Một nàng dâu hai lần đò càng bị đòi hỏi phải cúc cung tận tụy hơn, bị xét nét chê bai nhiều hơn dù mình đã quá tốt rồi. Tại sao tôi phải tự đưa thân vào địa ngục đó, trong khi tôi hoàn toàn sung sướng khi một mình? Làm dâu một lần là quá đủ rồi", Lan Anh kết luận.
Miễn là tình yêu đủ lớn
Chị Mai Thơm, 37 tuổi, người ủng hộ chủ nghĩa độc thân sau ly hôn, cho rằng, sở dĩ rất nhiều phụ nữ vẫn tìm cách nhanh chóng lên xe hoa lần hai là bởi, người ta cảm thấy không ổn khi không có người đàn ông làm chỗ dựa.
"Nhiều phụ nữ không thể không có chồng", Mai Thơm nói. "Hoặc là họ cần chỗ dựa về kinh tế, hoặc là họ cần có người đàn ông trong nhà để làm chỗ dựa về tinh thần, tâm lý. Nhiều chị em nghĩ lúc trẻ không sao, khi về già thì phải có ông có bà, sớm tối thức dậy có nhau. Người phụ nữ đủ bản lĩnh để sống độc lập thì không cần như thế vẫn có cuộc sống vui vẻ".
Thế nhưng, thực tế cho thấy, rất nhiều phụ nữ tái hôn là người mạnh mẽ và độc lập, biết cách tạo ra nhiều niềm vui sống cho bản thân và mọi người, như chị Bích Liên, người tái hôn ở tuổi 38 sau khi ly hôn 7 năm.
"Cô bạn thân bảo tôi ngu, cứ thế mà yêu thôi, nếu yêu được mãi thì về già dọn về ở cùng để chăm sóc nhau sau, giờ cứ làm tình nhân cho lãng mạn, sao phải cưới để chừng này tuổi còn bắt đầu công cuộc làm dâu một bà già khó tính ốm đau luôn", chị Liên chia sẻ với một nụ cười. "Quả thật chính tôi cũng từng nghĩ thế, và đã làm thế với 2 mối tình trước, nhưng với anh ấy, được cầu hôn là tôi nhận lời ngay".
Chị Bích Liên cho rằng, người phụ nữ nào cũng sợ cảnh làm dâu, hay cảnh tình yêu bớt nồng nhiệt khi đã thành chồng vợ, nhất là với phụ nữ ly hôn từng trải qua điều này, thế nhưng khi gặp một tình yêu đủ lớn, đó không còn là nỗi sợ lớn nhất nữa.
"Lúc đó điều quan trọng số một là được sống bên nhau. Mà lạ lắm, với anh ấy, tôi không chỉ muốn được chung sống với nhau, mà còn muốn gắn bó suốt đời theo đúng danh nghĩa vợ chồng, được là thành viên trong gia đình anh ấy", chị Bích Liên tâm sự. "Tôi nghĩ, khi đã gặp tình yêu lớn đích thực của đời mình, người ta sẽ không so đo về chuyện thiệt thòi, sướng khổ nữa".
Nhiều phụ nữ khác cũng thừa nhận, tuy rằng được tự do, không phải lao lực với đủ thứ nghĩa vụ làm vợ, làm dâu nhưng việc chỉ yêu mà không cưới cũng khiến họ không được hưởng những niềm hạnh phúc mà chỉ người vợ mới có.
Chị Ngân Hạnh, 35 tuổi, nói: "Mình không lấy người ta thì sẽ không có chuyện sớm tối bên nhau, không thể bắt người ta lúc nào cũng ở cạnh mình, có trách nhiệm với mình. Mình không có quyền với người ta như một người vợ. Nhìn cảnh vợ chồng hạnh phúc ở nhiều gia đình, thực lòng mình cũng thèm".
Vậy điều gì cản chị có thứ mà chị "thèm", khi hoàn toàn có điều kiện? Hạnh nói chân thành: "Vì mình vẫn sợ khổ, sợ gánh vác cả gia đình người ta, sợ bị mẹ chồng hành hạ... Phải yêu một ai đó ghê gớm, mãnh liệt lắm, tôi mới chấp nhận chịu đựng điều đó. Nhưng ở tuổi này, thật khó để có một tình yêu như thế".
Theo chị Ngân Hạnh, ngoài việc càng có tuổi càng khó tính và tỉnh táo, không "nhẹ dạ" để dễ rung động như thuở thanh xuân, những người như chị khó có tình yêu lớn bởi quá ít lựa chọn: những người ở lứa tuổi phù hợp với họ đang độc thân không nhiều. Nếu như hồi trẻ, có cả "nửa thế giới" để lựa chọn, họ còn không tìm được tình yêu lớn, thì nay với đối tượng hẹp như vậy, với sự chán chường và cảnh giác như vậy, phép lạ càng khó xảy ra.
Những phụ nữ này vẫn yêu, bởi ai cũng phải có tình yêu mới sống được, nhưng chỉ yêu một cách 'vừa phải', đủ để cuộc sống không bị thiếu hụt, không tẻ nhạt và cô đơn, nhưng không đủ đắm say để san bằng mọi trở ngại vì nhau, để dám làm vợ, làm dâu lần nữa.
Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Tương tác bạn đọc. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư: banbientap@xahoi.com.vn.