Ông và vợ, cùng tuổi 60, sau 40 năm chăn gối đã cho ra đời đúng 19 đứa con, đứa lớn nhất vừa chạm tứ tuần, đứa nhỏ nhất mới tròn 10 tuổi. Chả biết cái kỷ lục ấy có làm ông Tủa tự hào về chuyện “gối chăn, giường chiếu” của mình hay không, chỉ biết rằng, khi đến thăm cái đại gia đình nằm tít tịt lòng thung Huổi Chạ ấy, khách thấy lòng nặng trĩu khi phải chứng kiến những đứa trẻ èo uột sống trong đói nghèo thăm thẳm.
Đói nghèo vì... ham đẻ
Phải mất gần một tiếng đồng hồ, tôi với anh Vừ A Sáng, cán bộ văn hóa xã Nậm Vì (Mường Nhé, Điện Biên), mới đến được bản Huổi Chạ. Con đường đất bé như bụng ngựa chạy lắt lẻo giữa tiêu điều xóm núi. Chiếc xe máy cà tàng cứ chồm lên như ngựa vì liên tục phải cài số một. “Đại bản doanh” của gia đình “Vua đẻ” Giàng Chờ Tủa nằm cuối một con dốc hút hơi người. Ngay ở lối vào, tôi và anh Sáng gần như vấp phải một bà già ngồi lặng lẽ bên bậu cửa, miệng se sẽ hát. Phải nói thật là tôi đã rùng mình, khi nghe tiếng hát khè khè giọng Mông của người đàn bà già cả, rách rưới, ở một mình, trong căn nhà bốn bề gió thốc, khi cái rét biên thùy đã tím tái khắp nơi nơi. Bà là Sùng Thị Sá, 78 tuổi, mẹ của “vua đẻ” Giàng Chờ Tủa. Bà ngồi tẽ hạt rau dền đỏ, chầm chậm và trễ nải. Không gian quanh bà như ngưng đọng. Thấy khách lạ, bà Sá chỉ khẽ khàng ngẩng lên rồi lại cắm cúi vào cái thúng chứa đầy cánh hoa dền đỏ như tàn lửa.
Trong khi chờ đứa con thứ 11 của Tủa là Giàng Thị Dơ lên nương gọi bố, tôi ngồi tiếp chuyện bà Sá, thông qua “phiên dịch viên” Vừ A Sáng. Những tưởng người đàn bà đã đi đến bên kia sườn dốc của cuộc đời, đã nếm trải hết thảy mọi sướng khổ, buồn vui của kiếp người ấy thì có còn gì để mà đau buồn nữa, thế nhưng, khi nhắc nhớ đến kỷ lục đẻ nhiều của cậu con trai, bà buông tiếng thở dài, nghe buồn lặng, buồn sâu. Nhất là khi nói về cái đói, cái nghèo, từ hai khóe mắt nhăn nheo của người mẹ Mông già nua, khắc khổ ấy lại lăn ra những giọt nước đục như con suối Huổi Chạ mùa mưa.
Bà Sá có 7 người con, 3 gái, 4 trai, Tủa là con trai cả. Trong mấy đứa con, bà thương Tủa nhất. Sau khi dựng vợ gả chồng cho hết lượt cả 7 đứa con, bà mang quần áo sang ở với vợ chồng Tủa để dễ bề trông nom đàn cháu nội. Mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, sợ làm phiền con cháu, bà chuyển ra sống riêng ở căn nhà lúp xúp phía đầu hồi, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào mấy đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thỉnh thoảng nhúc nhắc đi lại được, bà tranh thủ ra nhổ cỏ ở ruộng rau ở góc vườn giúp con cháu. Tuổi già mắt mũi kèm nhèm, đôi khi bà nhổ rau thay cỏ. Cuộc sống của bà lặng lẽ chảy trôi, không buồn mà cũng chẳng vui...
Chờ đợi mãi cuối cùng ông Tủa cũng thấp thểnh cùng con gái trở về, ơ hờ mời khách. Vừa bước qua cái ngưỡng cửa cũ mèm, bong tróc đã thấy toang hoang mùi ẩm mốc, toang hoang những đôi mắt, những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác. Lâu lắm rồi nhà ông mới có khách phương xa. Ngồi trong nhà ông Tủa, dù tôi có cố thu mình vẫn không tránh được cái lạnh đang vây bủa. Bên ngoài, gió hoang vu vần vũ, quấn lấy ngôi nhà như muốn nhấc bổng nó lên và ném đi đâu đó. Ông Tủa ngượng ngùng, lúng búng mãi vì cái sự nghèo khó của mình. Ông than vãn mãi về cái chuyện không biết làm sao có tiền để lợp lại mái cho khỏi dột, để mỗi đêm mưa, mấy đứa trẻ cả con lẫn cháu thôi phải chui vào áo tơi, hoặc rúc gầm giường để ngủ.
Không phải đến khi bước qua cái ngưỡng cửa rêu mốc kia tôi mới biết ông Tủa nghèo, tôi biết từ khi nghe mấy cán bộ xã kể rằng ông lấy vợ rồi sinh liền tù tì 19 đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 1974, nhỏ nhất mới vừa tròn 10 tuổi. Nếu tính tất tần tật già trẻ lớn bé trong cái đại gia đình này cũng khéo có đến ngót nghét 30 cái miệng ăn. Rừng xanh núi đỏ thế này, biết kiếm gì để sống? Thế nên chuyện ông Tủa nghèo cũng không có gì là lạ. Cái nghèo hắt lên từ căn nhà trống hoác, gió đuổi nhau chạy sầm sập trên nền đất. Gian bếp nguội tanh, 3,4 cái nồi được xếp ngổn ngang trên ván gỗ, bụi phủ lớp lang. Nhìn qua cũng đủ biết lâu lắm rồi chúng không được đem ra sử dụng. Chỉ duy nhất có cái chảo gang đặt giữa nhà là còn dính vài hạt ngô vàng sậm. “Một hạt gạo gánh 7 hạt ngô”, chắc cũng lâu rồi mấy đứa con của ông Tủa không được ngửi mùi cơm trắng.
Cha không nhớ hết tên con
Ông Tủa kể, ông sinh năm 1953, lấy vợ năm 20 tuổi. Vợ ông, người cùng xã, tên Sùng Thị Pàng, bằng tuổi với chồng. Cưới nhau năm trước thì năm sau bà Pàng sinh con trai đầu lòng, tên Giàng Dụ Páo (1974). Sau đó, gần như cứ hơn một năm, bà Pàng lại sinh thêm cho ông một đứa con, bất chấp sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và bà con làng xóm. Tính đến giờ, sau gần 40 năm chung sống, vợ chồng ông đã sinh đúng 19 đứa con, đứa nhỏ nhất là Giàng Thị Chừ, sinh năm 2003. Nhờ cái kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” ấy, ông Tủa được người ta tấn phong là “Ông vua đẻ của núi rừng Tây Bắc”.
Trong 19 đứa con của mình, ông Tủa chỉ nhớ tên được vài ba đứa, còn hỏi ông đứa thứ 7, thứ 8, hoặc thứ 9 tên là gì, bao nhiêu tuổi thì ông lắc đầu quầy quậy. Có lẽ nỗi lo cơm áo, gạo tiền ghì sát đất đã khiến tâm trí ông Tủa không còn minh mẫn. Ông bảo, giờ lo đủ miếng cơm cho đám con đang tuổi ăn tuổi lớn cũng đã quá khó khăn rồi, thời gian đâu mà ngồi nhẩm lại xem mình có bao nhiêu con và tên tuổi chúng là gì!? Nhưng, dù có chịu thương chịu khó cỡ nào thì gia đình vợ chồng ông Tủa chưa bao giờ thoát ra khỏi cảnh đói nghèo. Do phải sống trong tận cùng khốn khó nên trong 19 đứa con, đã có 5 đứa ốm đau, sài đẹn rồi bỏ vợ chồng ông Tủa để “về với ông bà”. Giờ vợ chồng ông chỉ còn lại đúng 14 đứa con, trong số đó đã có vài đứa lập gia đình ra ở riêng, còn lại vẫn ở cùng bố mẹ.
Đến giờ, ông Tủa nhớ nhất cái đận đói cuối năm 2009. Cũng bởi giữa năm đó, trời già nổi giận làm cả bản mất mùa. Ở cái nơi quanh năm ấp ủ trong mây mù hoang liêu, diệu vợi như vùng đất Nậm Vì này tưởng đã là cao nhất rồi, vậy mà vẫn còn có thứ khác cao hơn, từ trên trời đổ xuống. Cơn mưa lớn đột ngột trút xuống vào trung tuần tháng 9/2009 đã nhấn chìm toàn bộ những chân ruộng thấp chưa kịp gặt của đồng bào vào trong bụng nước. Đến khi mấy bố con ông Tủa hì hụi chèo thuyền vớt được lúa lên thì hạt nào hạt nấy nẩy mầm ngoe nguẩy. Cái thứ thóc đó, có đem phơi khô, quạt sạch rồi xay giã, nấu lên đổ cho mấy con lợn chúng cũng còn ngúc ngoắc đầu chẳng chịu ăn, huống chi người. Sau đận đó, cả nhà ông Tủa với hơn hai chục con người suốt nhiều ngày liền không có nổi một hạt cơm, toàn rau rừng, măng tre, nước suối cầm cự qua ngày.
Hôm tôi đến, cả nhà ông Tủa đều đi nương với vào rừng kiếm củi. Ngay cả vợ ông và hai đứa con gái cũng đã gùi rau với gạo mang liềm đi cắt lúa ở mấy chân ruộng xa, chắc phải vài ngày nữa mới về. Tối, mấy mẹ con bà nấu nướng, ăn ngủ ngay trong cái lán dựng vội lợp cỏ gianh, mặc mưa rừng có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Khi được hỏi, tại sao đẻ nhiều con vậy, ông Tủa chỉ cười trừ. Ông bảo, tại ngày xưa chả có biện pháp gì, hơn nữa, người Mông lại có phong tục đẻ nhiều, họ nghĩ sinh đẻ là chuyện tự nhiên, khoa học hay con người không nên can thiệp. Cũng chính vì cái quan niệm cổ hủ ngâm tẩm từ ngàn đời ấy, nên vợ ông cứ sinh được ít lâu là cái bụng lại lùm lên vượt mặt. Điều đáng nói ở đây là trong 19 lần bà Pàng vượt cạn, ông Tủa cũng chỉ đưa vợ đến trạm y tế có vài lần.
Và nỗi buồn bóng xế
Và, chuyện tự đẻ rồi tự tay cắt rốn cho con, không cần đến bà đỡ hay y, bác sỹ như trường hợp của vợ chồng ông Tủa không phải là cá biệt. Ở giữa cái thời đại văn minh kỹ trị này mà một bộ phận không nhỏ các bà mẹ Mông nơi núi rừng Tây Bắc vẫn giữ thói quen sinh nở từ thủa hồng hoang. Thay vì đến trạm xá hay các trung tâm y tế, mỗi khi trở dạ, không ít sản phụ chỉ cần ngồi lên trên cái mẹt đã trải sẵn rơm khô hoặc dăm tàu lá chuối rồi… rặn. Nhiều đứa trẻ vừa mới sinh ra đã phải chịu những va đập đến trầy xước hết cả mắt mũi mồm miệng. Thậm chí có em bé đầu còn bị dị dạng, méo mó bởi “quá trình tiếp đất không như ý”.
Nói như vậy để thấy được những Páo, Dợ, Cấu, Cắn, Chù, Chừ ... - những đứa con của ông Tủa được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất này đã là một kỳ tích. Bởi, ngay từ khi mới sinh ra, họ đã bị quăng vào chồng chất khổ đau với bao nhiêu đoạn trường của kiếp phận làm người. Từ đói cơm, thiếu mặc đến chuyện không nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ các bậc sinh thành. Đến cái tên của các em, ông bố Giàng Chờ Tủa còn phải vò đầu bứt tai mới nhớ ra để trả lời cho khách. Trong đông đàn dài lũ con cái của “Vua đẻ” Giàng Chờ Tủa thì chỉ có vài đứa biết mặt chữ phổ thông, trong đó có cô bé Giàng Thị Dợ, là người đi gọi Tủa từ trên nương về tiếp khách.
Dợ sinh năm 1994, học hết lớp 6 thì lấy chồng ở huyện Điện Biên Đông. Hỏi chồng đâu, em chỉ lặng lẽ cúi đầu, ánh nhìn buồn thao thiết. Con Dợ được gần hai tuổi, đứa bé nằm ngoan ngoan trên chiếc giường cũ càng ở góc nhà, giữa tơi bời quần áo cũ. Trên Dợ còn có một anh trai tên Giàng A Cấu, học hết lớp 12. Lúc ngồi ở hội trường xã Nậm Vì, Phó chủ tịch Tống Văn Khi cũng có nhắc đến Cấu như là niềm tự hào của cộng đồng người Mông Huổi Chạ. Quả thật, có sống ở nơi hoang vu đến tột cùng này, mới thấy được hết được cái chuyện Cấu kiên trì leo đèo, lội suối suốt đằng đẵng 12 năm trời để có được mảnh bằng tốt nghiệp PTTH nó phi thường đến mức nào.
Chiều đó, Cấu không có nhà. Cấu ở nhà là Cấu đã qua photoshop, mặc comple, đeo cà vạt đứng cạnh vợ trong cái ảnh cưới treo vách tường, phía trên bàn uống nước. Vợ chồng Cấu, nghe nói đang làm tiếp thị cho một nhãn hãng nào đó dưới Hà Nội, năm có tiền thì về Nậm Vì thăm bố mẹ một, hai lần. “Năm nay chắc khó khăn, nên từ tết đến giờ vợ chồng nó mới về thăm tôi có một lần, loáng cái đã đi ngay. Cả nhà tôi chỉ hy vọng vào thằng đó, nó được ăn học đàng hoàng, lại khôi ngô tuấn tú. Mong sau này nó sẽ làm rạng rỡ tổ tông”, ông Tủa lộ rõ vẻ tự hào.
Chả biết rồi sau này, Cấu, Dợ, Chừ, hay bất cứ một người con nào khác của ông Tủa có phương trưởng, thành đạt để đáp lại kỳ vọng làm rạng danh gia đình, dòng họ hay không, chỉ biết rằng, chính vì cái sự u mê, mông muội của bậc làm cha, làm mẹ đã và đang đẩy ràng ruột của mình vào nghèo đói. Thật khó có thể cầm lòng khi phải chứng kiến sự thiếu thốn đến tận cùng trong ngôi nhà của “Vua đẻ” Giàng Chờ Tủa. Cuộc sống của hơn hai mươi con người trong ngôi nhà ấy cứ lay lắt, lần hồi, buồn thảm giữa núi cao và mây mù đặc quánh.