Chuyện về những người mẹ đơn thân: Tình yêu và nước mắt

Vì nhiều hoàn cảnh mà họ trở thành những người mẹ đơn thân. Nhưng trên hết họ luôn có một tinh thần lạc quan, vững tin vào cuộc sống và yêu thương con cái hết mực.

“Tác giả viết bài này không khuyến khích tạo ra một xu hướng làm mẹ đơn thân. Vì lý do gì, dù là bất đắc dĩ hay là lựa chọn, tác giả chỉ muốn dành cho những người phụ nữ ấy sự cảm thông và tôn trọng. Vì làm mẹ với mục đích nào thì cũng không hề đơn giản”.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh"

Ai sinh ra cũng đều mong muốn mình được sống trong một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc đủ đầy, có cha, có mẹ. Thế nhưng, cuộc sống chẳng khi nào được hoàn hảo như ta mong muốn...

Ở tuổi 22, không phải quá trẻ nhưng cũng là cái tuổi mà ít ai dám từ bỏ những khát vọng, ước mơ, những thói quen và cuộc vui bên đời để chịu một thứ ràng buộc khó khăn hơn cả việc lập gia đình, Nguyễn Thị NgọcTuyền (SN 1989, quê ở Vũng Tàu, đang sống và làm việc tại TP.HCM) đã chấp nhận làm mẹ đơn thân.

Vì nhiều hoàn cảnh mà họ trở thành những người mẹ đơn thân.

Tuyền yêu say đắm một chàng trai Sài thành, hiến dâng cả thứ quý giá nhất của người con gái. Nhưng khi mang trong mình bào thai đôi tháng thứ năm, lúc hai bên gia đình đang tất bật chuẩn bị đám cưới, cô sốc khi biết chồng “hờ” của mình đã có vợ, hiện đang sống ở Thủ đô.

Sốc, giận giữ, đau khổ… là cảm giác của một cô gái 22 tuổi bị người yêu lừa dối. Chưa đầy nửa tháng sau ngày bị phát hiện, anh chồng “hờ” đã bỏ ba mẹ con Tuyền mà đi không một lời từ biệt. Cũng chính từ đây, Tuyền buộc phải đứng trước rất nhiều khó khăn khi lựa chọn trở thành một bà mẹ đơn thân.

Cùng chung quyết định giống Tuyền, T.Thảo (23 tuổi, sống tại Gia Lâm - Hà Nội) cũng trở thành bà mẹ đơn thân sau 4 năm hôn nhân, trải qua đủ mọi hạnh phúc lẫn chua xót. Kết hôn ở tuổi 19, còn quá trẻ để bắt đầu xây đắp cho gia đình nhỏ với đủ gánh lo toan lẫn sóng gió. Những bất hòa không thể giải quyết trong cuộc sống chung đã khiến Thảo và chồng ly hôn.

Cậu con trai đầu 4 tuổi về sống với bố, Thảo nhận nuôi cậu con trai út vừa tròn 15 tháng tuổi. 

Vực dậy sự yếu đuối thường tình 

Khi quyết định làm mẹ đơn thân, Tuyền và Thảo không những phải vượt qua nỗi đau quá lớn về tinh thần, mà còn phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Đó là áp lực tinh thần từ dư luận xã hội với những quan niệm, định kiến khắt khe. Đó là sự cảm thông, thương cảm, dè bỉu, đàm tiếu của người đời. Đó là những gánh nặng kinh tế và còn rất nhiều lý do khác nữa...

Mang hai bào thai trong bụng, không chồng, không sự nghiệp…. Thương cha mẹ, lo gia đình phải chịu điều tiếng, Tuyền quyết định sắp xếp một đám cưới giả. Tuyền nhờ một người bạn thân đóng giả làm chú rể, nhờ các đối tác làm ăn trước đây đóng giả họ hàng nhà trai, rồi mời bạn bè, họ hàng, làng xóm đến dự đám cưới linh đình.

Mọi thứ diễn ra tốt đẹp, xong rồi ai về nhà nấy, chỉ còn cô dâu trẻ với hai đứa con trong bụng ngồi khóc trong đêm tân hôn. Tuyền chia sẻ, đó cũng là lần cuối cùng cô khóc cho số phận mình.

Ngày Tuyền sinh con chỉ có mẹ ở bên. Trong cơn đau đẻ, Tuyền còn tím tái cả “cơn đau lòng” khi chứng kiến những sản phụ khác có chồng dìu đỡ, những ông bố đi đi, lại lại ngóng chờ từng phút con ra đời… Còn Tuyền chỉ có một mình, đau đớn bao nhiêu cũng chỉ cắn răng, cắn lợi chịu đựng chứ chẳng thể gọi tên ai…

Mạnh mẽ là vậy, kiên quyết là vậy nhưng đôi khi Tuyền cũng không giấu nổi những phút yếu lòng mà tâm sự rất chân thật: “Một đứa trẻ sinh ra dù được cả cha và hai bên nội ngoại chào đón thì người làm mẹ cũng đã phải rất khó khăn trong việc chăm bẵm, nuôi nấng. Bởi làm một người mẹ tốt chẳng phải chuyện dễ dàng. Mình may mắn được gia đình, bạn bè giúp đỡ nhiều, nhưng vẫn có những lúc xoắn xuýt bởi hai tay hai đứa. Có khi bé này ốm chưa khỏi, bé khác lại lên cơn sốt. Không nhờ ai trông nom được, vậy là cả ba mẹ con theo nhau vào viện…”

Ngày con học nói bi bô hết từ "mẹ" sang từ "ba", cũng là lúc Tuyền thấy lòng mình càng nặng   trĩu. Không ít lần Tuyền tự trách bản thân vì chẳng thể xây cho con một mái ấm đủ đầy. Giờ đây Tuyền chỉ còn cách đem hết tình yêu thương, tâm sức của mình ra để bù đắp cho con phần hẫng hụt ấy. Chỉ mong sao sau này lớn lên con sẽ hiểu và sống tốt.

Còn với Thảo, sau khi ly hôn, Thảo để lại tiệm nail cho chồng và ôm con ra đi. Với Thảo, lúc đó mọi thứ như đã trở về con số 0 đúng nghĩa, không nhà, không chồng, không chỗ làm và có lẽ là không có tiền nữa... 

Thời gian trôi đi, đến giờ Thảo đã phần nào vượt qua được những khó khăn bước đầu, Thảo đã có ít vốn để gây dựng lại tiệm nail, vì Thảo làm nghề lâu và khá thạo việc nên khách đến cũng thường xuyên. Do đó, Thảo có thể tự lo kinh tế cho bản thân và con.

Phải sống xa con trai đầu, Thảo đã rất đau khổ, cứ nghĩ đến là nước mắt tuôn trào nhưng dần rồi cũng quen, mỗi tuần cậu bé sang thăm, ngủ lại cùng mẹ và em 2 đến 3 lần. Gia đình chồng cũng gần nên Thảo thường xuyên sang thăm con mỗi lúc thấy nhớ. 

Khi được hỏi về những dự tính cho tương lai Thảo chia sẻ, điều khiến Thảo bận tâm nhất lúc này là làm sao để nuôi dưỡng con một cách tốt nhất, để con được yêu thương mà không cảm thấy tự ti với xã hội rằng mình chỉ là một đứa trẻ thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người cha. 

Hiện tại, động lực lớn nhất để Thảo phấn đấu trong công việc và cuộc sống chính là tương lai của hai thiên thần nhỏ này.

Nếu như Tuyền đến với quyết định làm mẹ đơn thân vì người yêu lừa dối thì với Thảo là do không tìm được hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng, ở hai người mẹ này lại có điểm chung là họ không bao giờ hối hận về quyết định của mình dù biết làm mẹ đơn thân sẽ rất khổ, sẽ rất khó khăn. Bởi trên hết họ cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý vô cùng. 

Có nên không cuộc sống đơn thân?

Ngày nay, câu chuyện về các bà mẹ đơn thân nhiều đến mức, người ta từng gọi đó là “trào lưu”. Từ ca sĩ, diễn viên cho đến những người phụ nữ bình thường nhất đều trở thành bà mẹ đơn thân. Họ chấp nhận cảnh “một nách nuôi con” không phải để được tôn vinh sự hy sinh, dũng cảm, cũng chẳng phải để hứng chịu sự sỉ nhục, dị nghị của người đời … mà chỉ đơn giản là để họ được tự hào trong tình yêu thương với chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Tuy nhiên, trong mỗi câu chuyện của họ đều ẩn chứa một nỗi niềm, sự lo lắng về sự phát triển triển tâm sinh lý cho đứa con sinh ra trong một gia đình khuyết thiếu người cha.

Quan niệm truyền thống luôn lấy một gia đình đủ đầy làm chuẩn mực, thế nên sự khuyết thiếu của mỗi gia đình luôn bị đánh giá thấp. Vì vậy đằng sau mỗi câu chuyện đau lòng này không có lý do gì mà không trách những người đàn ông, mà cụ thể là anh chồng "hờ" của Tuyền và người chồng của Thảo. Họ thật bạc bẽo và sống thiếu trách nhiệm. Họ chỉ biết vui chơi và hưởng thụ để rồi khi phải gắn trách nhiệm vào người thì họ lại cao chạy xa bay. Cuối cùng người tổn thương nhất vẫn là những cô gái trong độ tuổi đôi mươi, cái tuổi được cho là đẹp nhất của đời người con gái thì họ lại phải đưa ra một quyết định khó khăn nhất là làm mẹ đơn thân. Vậy nên cuộc sống của những bà mẹ đơn thân như Tuyền, như Thảo chỉ có thể đủ mà không bao giờ đầy.

Cuộc sống là những trải nghiệm, là những con đường không bằng phẳng, có chăng chỉ là sự hoàn thiện bản thân sau mỗi lần vấp ngã. Hãy thử một lần đặt mình vào trường hợp của những đứa trẻ kia, sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có cha, lúc đó chắc bạn sẽ cảm nhận được sự vất vả, khó khăn cùng nỗi chịu đựng mà những người phụ nữ đó đã trải qua. Đừng vội đánh giá và phán xét một con người qua cái cách cuộc đời vứt họ vào những đau thương. Phụ nữ có con mà không có chồng cũng là một cá nhân sống, và cũng giống như tất cả những cá nhân sống khác, họ xứng đáng nhận được sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng.

Qua câu chuyện này tác giả muốn gửi tới những ai đang và sẽ có ý định làm mẹ đơn thân thì hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình.

Phụ nữ hãy chọn cho mình một người chồng, để con cái sinh ra có đủ bố và mẹ. (Ảnh minh họa)

Không phải tự nhiên mà tạo hóa sinh ra đàn ông và đàn bà. Vậy nên lấy chồng, sinh con đẻ cái không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Biết là vất vả, nhưng bên cạnh những vất vả thì trong cuộc sống gia đình cũng có nhiều niềm vui mà những người phụ nữ đơn thân không thể có được. Bất đắc dĩ lắm người phụ nữ mới phải đưa ra quyết định là làm mẹ đơn thân, còn nếu không hãy chọn cho mình một người chồng, để con cái sinh ra sau này có đủ cha, đủ mẹ được sống trong tình yêu thương trọn vẹn. Và quan trọng hơn là con được cất tiếng gọi "Cha ơi".