Đụng độ giữa trời…
Sau khi tin bắn hạ máy bay được lan truyền, ngay hôm sau, 20/1/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng Nguyên soái Paven Phêđôrôvích Batixki, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô đã đến thăm Trung đoàn 921, Không quân Nhân dân Việt Nam (Trung đoàn Sao Đỏ). Hôm đó, phi công Nguyễn Hồng Mỹ vinh dự được gắn huy hiệu Bác Hồ.
Thời điểm 1972, chuẩn bị cho "đòn quyết định", dùng không quân "đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá" qua chiến dịch 12 ngày đêm bắn phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc. Mỹ đã dốc vào chiến trường Việt Nam 1.600 máy bay chiến thuật; 150 máy bay B52 và 66 tàu sân bay.
Trong khi đó, không quân Việt Nam có 180 máy bay Mig các loại (gồm cả số đã bị hỏng không bay được - ông Mỹ hóm hỉnh) cùng tên lửa mặt đất, và bộ đội ra-đa. Một cuộc đụng đầu "không cân sức" đã nổ ra. Bằng lối đánh quyết đoán và sáng tạo, không quân Việt Nam, chủ yếu là dùng chiến đấu cơ Mig 21 lao vào đội hình của địch, giáng cho chúng những đòn bất ngờ. Khiến chúng hoang mang, không biết tiềm lực sức mạnh không quân Việt Nam như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Mỹ thời trẻ
Từ tháng 4/1972, chiến tranh tiếp tục leo thang và không quân Mỹ bắt đầu đánh lớn ra miền Bắc. Ngày 16/4/1972 cũng là ngày không thể quên đối với phi công Nguyễn Hồng Mỹ. Một tốp máy bay địch xuất hiện trên bầu trời Hà Nội. Ông Mỹ cùng phi công Lê Khương (sau này hi sinh ở mặt trận phía Nam), nhận lệnh xuất kích sẵn sàng chiến đấu. Ông Mỹ bay ở vị trí số 1, ông Khương bay ở vị trí số 2 cùng phối hợp tác chiến. Khi chỉ còn cách mục tiêu chừng 15km, phát hiện tốp máy bay địch quá đông, lúc đầu là 16 chiếc sau thêm 8 chiếc, chia làm nhiều vòng nối nhau.
"Ở giữa bầu trời, cuộc đụng độ là không khoan nhượng. Ranh giới giữa sống và chết mong manh trong tích tắc đồng hồ. Nhận nhiệm vụ xuất kích, giáp mặt quân địch, chúng tôi chỉ suy nghĩ, đối phương sống nghĩa là mình chết, và ngược lại…" - ông Mỹ xúc động kể.
Quân địch nhiều, khoảng cách lại rất gần, thời gian gấp. Ông Mỹ và ông Khương vẫn quyết định đánh. Hô to cho ông Khương cảnh giới, ông Mỹ lập tức lao vào đội hình địch. Nhưng không lâu sau, hai người bị địch tổ chức chia cắt, nên không thể phối hợp tác chiến cùng nhau được nữa.
Ông Mỹ cho biết: "Tôi bị một tốp 4 chiếc F4 (Phantom - Con Ma) đuổi bám phía sau. 5 quả tên lửa lần lượt phóng đến, nhưng tôi đều tránh được. Đến quả thứ 6 phóng ra, tôi nhận thấy một lực đẩy rất mạnh hất máy bay của tôi lao về phía trước, máy bay tròng trành dữ dội. Tôi biết đã "dính đòn", cần lái không thể hoạt động, máy bay bốc cháy ở địa phận tỉnh Hòa Bình. Tôi quyết định nhảy dù. Ấn nút cho chiếc dù bật khỏi máy bay, nhưng lưới bảo vệ tự động ốp giữ an toàn cho tay, không hoạt động, nên vừa bật ra khỏi máy bay là tôi đã gãy hai cánh tay cùng một lúc. Dù rất đau, thần kinh vẫn còn tỉnh táo và có thể chỉ đạo được cơ thể, nhưng không làm gì được với 2 cánh tay gãy, "tiếp đất" như vậy thật là kinh khủng, cứ thế rơi tự do xuống vùng Đà Bắc (Hòa Bình), tôi ngất lịm. Cú rơi đã làm tôi chấn thương 3 đốt sống và gãy hai cánh tay, điều trị trong Viện 108 khoảng 6 tháng mới bình phục. Còn đồng đội của tôi là Lê Khương, sau này tôi được biết, hôm đó đã hạ cánh an toàn, thoát chết trong gang tấc không chỉ trên bầu trời, mà vừa đáp xuống sân bay thì bom đạn của máy bay địch cũng trút xuống quanh mình".
Trong trận không chiến ấy dù bị bắn hạ, nhưng ông Mỹ vẫn làm nên một "kỳ tích" khiến những phi công Mỹ không khỏi ngỡ ngàng, khi lần lượt tránh được 5 quả tên lửa. Mãi sau này, vào 2011 gặp lại những phi công Mỹ từng đụng đầu và bắn hạ ông, họ vẫn không thôi thắc mắc, vì sao ông Mỹ lại có thể làm nên điều "thần kì" đó? Trước câu hỏi này ông Mỹ trả lời: "Biết bao máu xương đã đổ xuống cho những điều "thần kì" như vậy. Chính lòng yêu Tổ quốc và lòng tự tôn dân tộc đã khiến tôi làm được điều đó. Tên lửa của các ông bay theo quỹ đạo vạch sẵn, chúng tôi bay theo lý trí và trái tim của mình".
Trong khoảng thời gian nằm điều trị tại bệnh viện 108, Tư lệnh Phùng Thế Tài đã vào động viên thăm hỏi. Ông Mỹ xin được quay trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Sau đợt điều trị, ông Mỹ bình phục, trở về đơn vị cũ tiếp tục công tác.
Nhiệm vụ đặc biệt
Nói về chuyện xưa, trong ký ức của phi công Nguyễn Hồng Mỹ, không chỉ có những lần xuất kích chiến đấu, hay canh giữ bầu trời Tổ quốc mới làm ông rưng rưng xúc động. Mà chuyến bay đặc biệt, một nhiệm vụ thiêng liêng khiến ông và đồng đội không thể nào quên. Đó là chuyến bay tiễn đưa Hồ Chủ tịch đi xa ngày 9/9/1969, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nửa đêm 2/9/1969, toàn bộ phi công nhận lệnh trở về đơn vị gấp. Sáng 3/9, tất cả phi công của 3 phi đội thuộc Trung đoàn 921 (Trung đoàn Sao Đỏ), tập hợp trực tiếp nghe Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Thiếu tướng Đào Định Luyện và Đại tá Nguyễn Xuân Mậu, Chính ủy Quân chủng, phổ biến nhiệm vụ. "Khi đó tôi mới biết Bác Hồ đã mất, và nhiệm vụ của chúng tôi là bay trong lễ tang để tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi vô cùng xúc động. Ai cũng muốn được bày tỏ tình cảm và lòng thương tiếc của mình đối với lãnh tụ kính yêu…" - ông Mỹ cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Mỹ (năm 2010) thăm lại Chiến đấu cơ Mig 21.
Nhưng chỉ có 12 phi công ưu tú nhất được chọn lựa, đó là những người có nhiều giờ bay, tham gia nhiều trận không chiến với không quân địch. Ông Nguyễn Hồng Mỹ vinh dự đứng trong đội ngũ ấy, họ đều là những "cánh đại bàng thép" giữa trời mây, trong chiến đấu, của Trung đoàn Sao Đỏ. Nhưng chưa ai trong số họ từng bay trong đội hình diễu binh.
Theo kế hoạch, đội hình được chia làm 3 biên đội; ông Mỹ bay ở vị trí số 4 biên đội hai. Sáng 9/9/1969, tất cả các phi công nhận nhiệm vụ này đều dậy sớm hơn thường lệ; trực tiếp Trung tá Trần Hanh, Trung đoàn phó Trung đoàn Sao Đỏ chỉ huy nhiệm vụ. Đúng 9h sáng, các biên đội cất cánh, 12 chiếc Mig 21 chia làm 3 biên đội, bay một vòng rồi tập trung đội hình ở khu vực Phủ Lỗ, sau đó hướng thẳng về Quảng trường Ba Đình. "Một niềm xúc động dâng trào trong giờ phút thiêng liêng đưa tiễn Bác. Hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi được Sở Chỉ huy thông báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mọi người rưng rưng xúc động, với cảm giác khó tả…". Đó là chuyến bay đặc biệt nhất trong cuộc đời phi công Nguyễn Hồng Mỹ, cũng như những đồng đội khác của ông, khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.
Ngày 19/4/2012, trò chuyện với PV, chỉ vào vết sẹo kéo dài dọc cánh tay trái, ông Mỹ cho biết: "Sau khi bị thương, một cánh tay bình phục, còn tay trái phải dùng nẹp sắt cố định; tôi về đơn vị cũ nhưng được một thời gian thì nẹp sắt gãy đôi tạo thành khớp giả. Phải mổ ra, lấy mấy mảnh xương chậu ghép lên mới được thế này. Nhưng bay thì không được nữa". Rời quân ngũ, ông Mỹ đi học ngoại ngữ, tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, rồi nhận công tác ở Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, đến năm 2006 thì về hưu.
Còn nữa...