Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Phạm Văn Trắng nằm khuất sau xóm nhỏ Thuận Yên, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ, Nghệ An), cách khu trại 3 không xa. Non trưa, gã đàn ông ngoài 50 tuổi nói rặt giọng Hải Phòng vừa tất bật đun thuốc bắc cho vợ bị tai biến, vừa chăm bẵm đàn bò đang thả trong vườn.
Sinh năm 1958 ở xã Tiên Tiến (Tiên Lãng, Hải Phòng), Phạm Văn Trắng là em út trong gia đình có 6 anh chị em. Học hết lớp 9, 15 tuổi Trắng vào học ngành hàng hải, một năm sau thì đi bộ đội. Xuất ngũ trở về, Trắng xin vào Cục Vận tải đường biển làm nghề lái tàu. Công việc ổn định, tương lai đang rộng mở thì bi kịch giáng xuống gia đình.
Tháng 7/1980, trong một lần đi biển trở về, mới tới đầu làng đã nghe bà con xì xào chuyện chị dâu đối xử bất nhân với bố mẹ chồng. Tức tối, Trắng dùng hung khí đánh chết chị dâu, cho vào bao tải bỏ thêm đá rồi đưa xác nạn nhân lên tàu do chính mình lái ra biển khơi để thủ tiêu. "Gây án xong, tôi tiếp tục công việc lái tàu biển. Người thân khi đó nghĩ chị dâu bị mất tích", Trắng kể.
Cảnh sát lúc đó đau đầu vì vụ án mạng không hề để lại vết tích của nạn nhân. Tuy nhiên, đúng 3 tháng sau khi gây án, vào một đêm cuối tháng 12/1980, khi chiếc tàu biển của Trắng chuẩn bị cập cảng thì một tàu của cảnh sát áp sát. Lúc cảnh sát lên tàu, Trắng chỉ nghĩ là kiểm tra giấy tờ nhưng bất ngờ cảnh sát tra tay Trắng vào còng. "Bị bắt bất ngờ nhưng tôi vẫn nghĩ sẽ có ngày đó. Tôi đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình", Trắng nhớ lại lúc mới bị bắt.
Một năm sau (12/1981), TAND Hải Phòng xử bị cáo Phạm Văn Trắng tội giết người. Tại tòa, cả hai bên nội ngoại của nạn nhân đều đứng lên xin giảm tội cho Trắng. Cuối cùng gã bị tuyên phạt án chung thân. Luật sư và nhiều người khuyên bị cáo kháng án để xử phúc thẩm, nhưng Trắng không làm. Vì theo Trắng mức án như thế là đúng với tội ác của mình gây ra.
Một năm sau khi thi hành án tại trại giam ở Quảng Ninh, Trắng được chuyển về trạm giam số 3, ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ở trại, Trắng khao khát cải tạo thật tốt để mong có ngày được giảm án. Được dạy làm nghề mộc, vốn thông minh lại chịu khó nên chẳng mấy chốc Trắng trở thành thợ giỏi, được bạn tù và cả cán bộ trại giam quý mến.
Không chỉ được cán bộ giao làm nghề mộc trong trại, Trắng còn được cán bộ tin tưởng giao đi vào khu làng ở gần trại để làm nghề. Từ những lần được ra khỏi trại đi lao động tự giác này, Trắng tình cờ quen cô giáo trường làng hơn mình 6 tuổi. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Nhật quê gốc ở Ninh Bình, vốn là thanh niên xung phong, lúc trở về là giáo viên dạy cấp 1, đã qua một lần đò và có hai người con.
Anh Trắng kể, một lần đi làm nghề, trên đường trở về trại trời nắng chang chang, anh rẽ vào nhà cô Nhật xin cốc nước. Từ buổi gặp gỡ ấy, những cánh thư tay ngày ngày hai người gửi cho nhau để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Và những lần sau này được ra ngoài, Trắng lại tranh thủ tới gặp cô giáo làng. Cuối năm 1985, dù đang thi hành án nhưng Trắng đã có đứa con riêng với chị Nhật, một bé gái kháu khỉnh tên là Phạm Thị Thiên Lý chào đời.
Sau sự việc, Trắng đã báo cáo với cán bộ trại. "Lúc đem chuyện tình cảm báo cáo với cán bộ trại, tôi run lập cập vì sợ tăng thêm án. Nhưng khi trình bày thật thà về tất cả mọi việc thì các cán bộ đã động viên khiến tôi vỡ òa trong sung sướng", anh Trắng kể.
2 năm nay không làm được mộc, anh Trắng chuyển sang chăn nuôi. Ảnh: Hải Bình.
Ngày con gái chào đời, Trắng như được tăng thêm động lực để làm việc, cải tạo. Từ những phấn đấu, khao khát hoàn lương, Trắng được giảm án xuống 20 năm, rồi 19, 17 năm... Sát Tết nguyên đán năm 1996, Phạm Văn Trắng được ra tù sau 16 năm thi hành án. Đón Trắng ở cổng trại ngày ra tù là người vợ và đứa con gái 10 tuổi.
"Còn nhớ ngày đó trên đường từ trại trở về nhà, cả gia đình rẽ vào chợ mua vài ba lô nếp và cuộn lá dong để về gói bánh chưng Tết. Cả Tết sum vầy bên vợ và con gái mà có lúc tôi cứ ngỡ mình đang mơ", Trắng mỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm. Tháng giêng năm sau, một đám cưới nho nhỏ của gia đình Trắng được tổ chức. Quan viên hai bên, bà con làng xóm đều đến chia vui chúc mừng. Trắng cũng quyết định ở rể tại xứ Nghệ mà không trở về Hải Phòng nữa.
Để nuôi bản thân và vợ con, Trắng mở xưởng mộc ngay tại gia đình, tay nghề cao nên khách đặt hàng nườm nượp. Hai năm nay, mắt kém dần nên anh Trắng bỏ nghề mộc chuyển sang chăn nuôi trâu bò và trồng cây ăn quả. Chị Nhật đã đến tuổi nghỉ hưu, hai năm nay bị bệnh tai biến nên chỉ quanh quẩn ở nhà không phụ giúp được gì cho chồng.
"Ngày trước, lúc anh còn ở trong tù thì tôi là niềm an ủi, là chỗ dựa tinh thần để anh phấn đấu. Còn bây giờ thì ngược lại rồi, tôi bị bệnh chẳng làm được gì nữa, phải dựa vào chồng thôi. Sông có khúc, người có lúc mà...", chị Nhật nói.
Năm nay đã bước sang tuổi 55, nhưng với Trắng niềm an ủi lớn nhất là con gái 28 tuổi học trường nghề ra, đang có việc làm ổn định ở TP HCM.
Ông Hoàng Đình Tâm, Trưởng công an xã Nghĩa Dũng cho biết, gia đình anh Phạm Văn Trắng kinh tế khá vững, sống hòa đồng với bà con trong làng xã. Từ ngày định cư tại địa phương, anh Trắng chưa vi phạm điều gì. Chính quyền cũng luôn tạo điều kiện để những người sau khi hết cải tạo như anh Trắng ở lại quê hương làm ăn sinh sống.