Bức thư đẫm nước mắt của tử tù Nguyễn Văn Chưởng

8 năm kể từ khi xảy ra vụ án mạng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng (31 tuổi, quê ở Hải Dương) và gia đình vẫn đang có nhiều đơn kêu oan đề nghị các cấp xem xét lại bản án...

Nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ

Ngày 12/6/2008, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm vụ án “Nguyễn Văn Chưởng và đồng bọn giết người, cướp tài sản”. Trong những gì mà thời điểm phiên tòa diễn ra vào năm 2008, đã có nhiều uẩn khúc được đặt ra. Những luật sư tham gia phiên tòa đã đưa ra những ý kiến bổ sung để xác nhận việc còn rất nhiều uẩn khúc trong bản án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Luật sư Chu Thanh Nhân (Đoàn luật sư Hải Dương) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Nguyễn Văn Chưởng) đưa ra ý kiến: Các nhân chứng Nhiễu, Tuất, Mến (những người từng cho rằng đã gặp Nguyễn Văn Chưởng tối ngày 14/7/2007, thời điểm xảy ra vụ án mạng sát hại Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh) đều khai khi họ gặp Chưởng, trong nhà họ còn có nhiều người khác. Nếu coi lời khai của họ là không khách quan, CQĐT cần lấy thêm lời khai của các nhân chứng khác, ví dụ vợ của Tuất hoặc bố mẹ của Mến.

Tuy nhiên, luật sư Nhân nhấn mạnh trong hồ sơ chưa thấy CQĐT thực hiện việc này.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã cách ly các bị cáo để thẩm vấn. Bị cáo đầu tiên được xét hỏi là Vũ Toàn Trung. Trung trả lời phù hợp cáo trạng, ngoại trừ nguyên nhân giết thiếu tá Sinh. Trung cho rằng: “không phải để cướp của, mà anh Chưởng nhờ”, do anh Chưởng bán quán có mâu thuẫn”. Bị cáo Đỗ Văn Hoàng khi được thẩm vấn cũng thay đổi lời khai, phủ nhận việc đã cùng Chưởng, Trung tham gia giết thiếu tá Sinh. “Bị cáo không đi cùng Trung, Chưởng, bị cáo khai như vậy là vì nhiều áp lực tại CQĐT”, Hoàng trả lời thẩm vấn.

Theo biên bản tại  phiên tòa hình sự sơ thẩm, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về nội dung cáo trạng, tử tù Chưởng đã một mực khẳng định, cáo trạng hoàn toàn sai sự thật. Theo lời bị cáo Chưởng thì do bị ép cung nên Chưởng buộc phải nhận tội trên.

Theo các luật sư tham gia bào chữa cho những bị cáo thì vụ án còn có nhiều uẩn khúc. Và ngay sau khi các bị cáo bị kết án, họ đã đồng loạt gửi đơn đến các cơ quan, người có thẩm quyền để yêu cầu làm sáng tỏ những uẩn khúc đó.

Trong đơn kiến nghị gửi Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, Văn phòng Luật sư Tân Long (Đoàn luật sư Quảng Ninh) do luật sư Hà Mạnh Hùng là Trưởng văn phòng có kiến nghị rằng: Tình tiết tối ngày 14/7/2007 (thời điểm xảy ra cái chết của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh), Nguyễn Văn Chưởng ở đâu là chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án, nhưng trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định, việc điều tra có dấu hiệu chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ có dấu hiệu thiếu khách quan, chưa làm rõ những chứng cứ xác định vô tội cho Nguyễn Văn Chưởng.

Các chứng cứ xác định tối ngày 14/7/2007, Chưởng có mặt tại Hải Phòng không có chứng cứ nào là vật chứng mà hầu hết chỉ là các lời khai của các bị can, nhân chứng. Trong vụ án này, nhiều bị cáo phản cung, nhiều nhân chứng thay đổi lời khai. Đặc biệt hơn, nhiều bị cáo kêu oan và cho rằng tại cơ quan điều tra phải khai nhận là do bức cung, nhục hình.

Các nhân chứng là anh Trường, anh Tuất, chị Mến, bà Nhiễu, bà Bích…. Đã cho rằng có gặp Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương tối 14/7/2007. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) bị bắt, các nhân chứng là anh Tuất, bà Nhiễu, chị Mến, bà Bích được triệu tập đến cơ quan điều tra. Anh Tuất, chị Mến, bà Nhiễu đã thay đổi và khai rằng: “có gặp Chưởng ở Bình Dân, Hải Dương vào một tối tháng 7/2007 nhưng không nhớ rõ vào ngày nào, khi Đoàn và bà Bích nhờ thì viết xác nhận tối 14/7/2007. Riêng nhân chứng là anh Tuất, bà Bích vẫn giữ nguyên lời khai khẳng định tối 14/7/2007 gặp Chưởng ở Hải Dương”.

Nhân chứng Trịnh Xuân Trường (SN 1986, Hạ Đoàn 1, Đông Hải, An Hải, Hải Phòng), người được cho là đã cùng tử tù Chưởng về quê Chưởng chơi vào tối xảy ra vụ án ở Hải Phòng, người sau này bị bắt trong một vụ án khác cũng thay đổi lời khai: Sáng 15/7 cùng Chưởng về Hải Dương chứ không phải về tối 14/7. Theo đại diện của Văn phòng Luật sư tân cùng một người tên Trung đen nhà ở Dư Hàng Kênh và Bình con ông Dũng Thẩm ở Hạ Đoạn 1. Thế nhưng , tại bút lục số 570 Trường lại khai là cả ngày và tối 1/6 âm lịch (14/7) Trường ở nhà anh Hậu.

Vậy sự thật chiều 14/7 Trường và Chưởng về Hải Dương và ngủ với Đoàn ở Hải Dương hay sáng 15/7 Trường mới cùng Chưởng về Hải Dương với Trung hay ở nhà anh Hậu? Đây là tình tiết liên quan mật thiết đến vụ án, nhưng lại chưa được cơ quan điều tra làm rõ.

Lời khai của nhân chứng Trần Văn Tuất (SN 1982, thôn 3, Tân Tạo, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương) ở các bút lục số 620, 621, 622, 623 tương đối rõ ràng, có nhiều sự kiện để xác định tối 14/7 (1/6 âm lịch) Chưởng có mặt ở Bình Dân hay không. Theo đó, ngày 14/7 là ngày duy nhất Tuất đi làm bả sơn ở Hải Phòng. Buổi sáng khi đi có đưa tiền cho vợ mua hoa quả thắp hương, tối khi về nhà thu hoạch dưa để bán cùng vợ, thím, vợ chồng anh chị Mạnh, Đương. Chưởng còn nói chuyện với vợ Tuất là mai… những tình tiết này cũng không được cơ quan điều tra xác minh.

(Còn nữa)