Hôm 27/1, các nhà khảo cổ học phát hiện xác ướp nam giới trong tư thế thiền hoa sen tại huyện Songino Khairkhan của thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ. Một tấm da bò bao bọc thi thể ông. Theo kết quả giám định ban đầu của chuyên gia, xác ướp có thể là một nhà sư qua đời từ những năm đầu thế kỷ 19. Sau 200 năm dưới lòng đất, xác ướp thiền sư vẫn nguyên vẹn. Hiện tại các chuyên gia vẫn đang xem xét xác ướp, song một số người khẳng định nhà sư chưa chết mà đang "thiền tukdam" - một trạng thái huyền bí giữa sự sống và cái chết, Mirror đưa tin. Thiền tukdam là giai đoạn cuối cùng trước khi trở thành Phật.
Một số chuyên gia khẳng định người đàn ông ngồi thiền chưa chết, mà chỉ chìm vào trạng thái thiền rất sâu. Ảnh: Mirror
Giáo sư Ganhugiyn Purevbata, người sáng lập Viện Nghệ thuật Phật giáo Mông cổ trong Đại học Phật giáo Ulan Bator tại Mông Cổ, phát biểu: "Vị Lạt Ma ấy ngồi trong tư thế kiết già, với tay trái mở ra và tay phải tượng trưng cho hành động giảng kinh. Những động tác ấy cho thấy Ngài chưa chết, mà đang ở trong trạng thái thiền rất sâu, theo truyền thống cổ xưa của các vị Lạt Ma". Trong 50 năm qua, giới nghiên cứu ghi nhận 40 trường hợp tương tự ở Ấn Độ. Tiến sĩ Barry Kerzin, một nhà sư nổi tiếng kiêm thầy thuốc, nói rằng ông từng chăm sóc một số nhà sư trong trạng thái thiền tukdam.
"Nếu một người có thể duy trì trạng thái thiền tukdam trong hơn 21 ngày - hiện tượng hiếm khi xảy ra - cơ thể sẽ co dần và cuối cùng chỉ tóc, lông, móng tay, móng chân và trang phục còn tồn tại. Những người đứng gần nhà sư sẽ thấy một cầu vồng trên trời trong nhiều ngày. Sự hiện diện của cầu vồng báo hiệu rằng nhà sư đã tìm thấy một cơ thể cầu vồng. Đó là trạng thái gần Phật nhất", Karzin nói. Kerzin nhấn mạnh rằng, nếu một cá nhân có thể duy trì trạng thái thiền tukdam, người ấy sẽ có cơ hội trở thành Phật. "Việc Lạt Ma đạt tới trạng thái tinh thần cũng sẽ mang tới lợi ích cho người khác. Mọi người xung quanh ông sẽ cảm thấy rất hân hoan", ông nói.