Không nhận được đầy đủ sự dạy dỗ, bảo ban của cha mẹ nên chuyện em vấp ngã cũng khó tránh khỏi, nhưng điều đáng buồn trong câu chuyện này là những người lớn trong gia đình hai bên nội ngoại của em đã không bao dung, dang rộng vòng tay để che chở bảo bọc khi em vấp ngã, ngược lại còn xua đuổi hai mẹ con em. Với em, mọi chuyện xét cho cùng, đáng thương hơn là đáng giận…
"Bán con với giá 50 triệu đồng?"
Tôi nghe được câu chuyện của V.T.A. từ một đồng nghiệp, sau đó đã kiểm chứng thông tin từ Cơ quan Công an và được biết hôm ấy em bị tạm giữ ở Công an quận Thủ Đức, TP HCM vì phạm tội trộm cắp tài sản (là một hộp card điện thoại di động). Người đồng nghiệp bảo tôi rằng, nhìn dáng em ngồi co ro, lo sợ khi khai báo sự việc thấy vừa giận vừa thương, nhưng sau đó lại chỉ thấy thương em khi biết được hoàn cảnh tội nghiệp và vô cùng trớ trêu của em, dù biết rằng không thể biện minh cho một hành vi xấu bằng hoàn cảnh khó khăn của mình.
Để hiểu rõ hơn câu chuyện của em, mấy ngày sau tôi đã hẹn gặp A. tại một quán cà phê gần cơ quan tôi khi em được tại ngoại. A. mặc quần soóc và chiếc áo khoác gần kín cổ đến điểm hẹn. A. có dáng người cao dong dỏng, gương mặt ưa nhìn, nhưng mặc cảm là người có tội vẫn không giấu nổi.
A. buồn tủi cho biết, ba mẹ A. (ba A. làm nghề lái xe ủi, quê Tiền Giang; mẹ A. ngụ khu phố 3, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) sống với nhau được mấy năm thì sinh ra A. và đứa em trai. Cuộc sống tưởng chừng trôi qua êm đẹp như bất cứ gia đình nào khác thì đùng một cái mẹ A. bỏ đi biệt khi A. chỉ mới 5-6 tuổi. Bắt đầu từ đây chị em A. gần như bị bỏ rơi, A. phải bỏ học từ năm lớp 7 và chuyển từ nơi này đến chỗ kia, làm công nhân ở Tiền Giang một thời gian lại chuyển lên Thủ Đức ở cùng ba và mẹ kế, sau đó A. về ở hẳn bên nhà ngoại.
Chính trong thời gian làm công nhân ở Thủ Đức, qua những lần đi chơi với bạn bè, A. đã quen biết và có tình cảm với một thanh niên (22 tuổi) làm nghề giới thiệu sản phẩm trả góp. Mối quan hệ tình cảm kéo dài được hơn một năm, nhưng A. không thể ngờ rằng, sau khi chia tay một thời gian ngắn em mới biết mình đã mang thai.
Chuyện "động trời" này đã khiến A. rơi vào một mớ bòng bong không thể thoát ra được. Sau khi nghe cháu tâm sự, bà ngoại A. đã gần như khóc ngất, trong khi bác gái (người đã luôn lo lắng và có trách nhiệm với A. từ khi em qua nhà ngoại ở và đi làm cho đến nay) sau khi trấn tĩnh đã khuyên A. bỏ thai.
"Khi phát hiện mình có thai, em rất lo sợ không dám cho ai biết ngay sự việc. Mãi sau đó em mới nói cho bác gái và bà ngoại biết. Cũng như phản ứng của em, họ đều bất ngờ và sợ hãi, chỉ biết khóc lóc chứ cũng không biết xử lý thế nào. Lúc đó bác gái định đưa em đến một bệnh viện để giải quyết hậu quả nhưng khi chuẩn bị đi thì tự nhiên như có điều gì đó khiến bác đi không nổi nữa… Ngay như ba em khi biết chuyện, ông cũng khóc và gọi điện thoại cho em nhưng em không dám nghe điện thoại vì em rất sợ phản ứng của ba, và thực tế là sau đó ba gọi điện lại bảo rằng giờ ông không cần gì nữa, em muốn làm gì thì làm và ông coi như em đã chết rồi", A. cố kìm nén sự xúc động.
Đứa con nhỏ tội nghiệp của A.
Sau khi không đi bỏ đứa con, A. đã được người bác gái bảo lãnh qua một mái ấm bảo bọc những bà mẹ có thai cơ nhỡ ở Gò Vấp từ đầu tháng 9/2012 để chờ ngày sinh nở. Ở mái ấm này hơn 6 tháng thì A. chuyển dạ và được người bác đưa đi bệnh viện để sinh con. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới như A., việc phải làm mẹ bất đắc dĩ đã là nỗi lo sợ tột độ, nhưng một điều còn khiến em buồn và day dứt hơn là sau khi sinh xong, cả bên nhà ngoại và bên nội hầu như ai cũng khuyên A. nên đưa con của mình cho người khác nuôi. Họ còn cho biết có người đã ra giá, nếu đưa con cho họ, A. sẽ được nhận 50 triệu đồng để làm lại cuộc đời. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, A. đã quyết định giữ con lại.
"Khi em vừa sinh con xong, mọi người cứ bảo cho nó đi, mấy ngày đầu nằm trong bệnh viện em cứ nhìn con mà khóc. Đúng là trước khi sinh cũng có lúc em nghĩ sẽ cho nó đi, vì biết đâu nó sẽ được người tốt nhận nuôi và có cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn, chứ ở với em nó sẽ khổ sở, thiếu thốn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, em là mẹ sinh nó ra mà còn định bỏ nó thì người dưng làm sao thương nó được, vì thế em đã bỏ ngay ý định cho con đi", những giọt nước mắt liên tục lăn dài trên gương mặt non trẻ của A.
"Em sẽ ráng kiếm việc để có tiền lo cho con"!
Sau khi ra viện và ôm con trở về mái ấm ở Gò Vấp được một tháng thì mẹ con A. lại phải chuyển về một mái ấm ở Nhà Bè… Thấy điều kiện ăn ở bất tiện và cũng cần có nơi ổn định để nuôi con, lúc đầu mẹ con A. tính xin về nhà ngoại ở nhưng điều A. không ngờ là bà ngoại nhất quyết không cho vì theo ý bà thì A. phải cho đứa con của mình đi mới được trở về. Quá cùng quẫn, A. đã đánh bạo gọi điện cho ba để xin về nhà ở với ba và mẹ kế, may mắn là sau đó mẹ con A. đã được sự đồng ý của ba và mẹ kế. Tuy vậy, thời gian ở nhà ba cũng chỉ được hơn một tháng là xảy ra chuyện và mẹ con A. đã bị ba gần như đuổi ra khỏi nhà chỉ vì ông thấy tin nhắn của chàng "con rể" trong điện thoại của A.
Trong khi bên nội và bên ngoại đều không muốn cưu mang mẹ con của A. thì chính ông nội của đứa con gái A., tức là người cha chồng hụt cũng đã có lần gọi và nói thẳng với A. là vợ chồng ông cần đứa cháu chứ không hề muốn nhận dâu. Quá uất ức và đau đớn, A. đã tắt ngang điện thoại. Đồng thời, chính cha đứa bé cũng lên tiếng "phán" rằng nếu A. không nuôi thì cứ đưa con cho anh ta nuôi, nhưng lại không hề đoái hoài đến việc có trách nhiệm với A.
Tưởng rằng chẳng biết bấu víu vào đâu, nhưng thật may là mẹ con A. (hiện con gái của A. được hơn 4 tháng tuổi) đã được một người bạn thân ở Tiền Giang cho tá túc, và còn may mắn hơn nữa khi gia đình người bạn này rất tốt bụng, đã cưu mang và đối xử với mẹ con A. như người thân của mình trong thời gian qua. Hôm tôi hẹn A. là khi em từ Tiền Giang lên Tp HCM để trình diện Cơ quan Công an và ghé qua nhà bác gái ở Thủ Đức để xin tiền về đưa con gái đi chữa bệnh.
Ngồi nói chuyện và quan sát A., tôi thực sự cảm thấy rất tiếc cho A., bởi hành vi trộm cắp một hộp card điện thoại (trị giá khoảng 7 triệu đồng - PV) bị bắt quả tang tại một tiệm tạp hóa trên địa bàn quận Thủ Đức của A.
Theo A. thì khi sự việc xảy ra em bị giữ lại Cơ quan Công an gần hai ngày trời, em vừa lo sợ cho hành vi phạm tội của mình, lại vừa lo lắng cho đứa con bé bỏng. "Sau khi được tại ngoại, em chạy về với con, vừa thấy em, con bé đã khóc tức tưởi giống như tủi thân vì tưởng rằng em đã bỏ rơi nó. Bây giờ có đi đâu thì chiều em cũng về chứ không dám bỏ con một mình nữa. Nhưng em vẫn đang lo lắng từng ngày vì chuyện phạm tội của em vừa qua, nếu em có chuyện gì không biết ai sẽ lo cho con em đây.
Nếu may mắn không phải ở tù (theo một cán bộ Công an quận Thủ Đức cho biết, do hành vi của A. bị bắt quả tang nên Cơ quan Công an buộc phải khởi tố nhưng cho tại ngoại, do A. phạm tội lần đầu và hành vi phạm tội cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh khó khăn), em sẽ ráng lo cho con được hết 6 tháng rồi gửi con ở một mái ấm để có thời gian đi làm kiếm tiền nuôi con chứ không thể bỏ con được", A. bật khóc nức nở.
Nhìn những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên gương mặt còn nguyên nét thơ ngây của em, tôi chợt nghĩ, đúng ra ở cái tuổi của em, nếu cha mẹ hạnh phúc, biết đâu em đang được ăn học đàng hoàng, có một nghề nghiệp hứa hẹn ở tương lai, chắc chắn em sẽ không rơi vào tình huống trớ trêu và hơn nữa sẽ không phải sớm vướng vào một gánh nặng quá sức với em như vừa qua.
Không biết rồi đây, với "hành trang" không nghề nghiệp, không có chút tiền bạc và nhất là chẳng có chút kinh nghiệm nào để lo cho đứa con nhỏ đáng thương của mình, hơn nữa lại gần như không có được sự hậu thuẫn của gia đình, mẹ con A. sẽ sống ra sao?