Chuyện đấng mày râu bám chợ ở miền đất 'gia trưởng' nhất Việt Nam

Người đàn ông thoăn thoắt đưa đôi bàn tay chai sần, nhón mớ rau hành bỏ nhẹ nhàng vào trong bịch rồi lia lưỡi dao gọt trái mít dưới con mắt ngỡ ngàng của vị khách nữ.

Xưa nay, xứ Huế được cho là nơi mà những người đàn ông Huế được cho là gia trưởng nhất. Tính gia trưởng ấy thể hiện rõ khi một số người đàn ông Huế không bao giờ chịu làm những công việc như nấu ăn, dọn dẹp... chưa nói đến việc buôn bán, tảo tần ở các khu chợ, đương nhiên mặc định là công việc của các bà, các chị. Ngày nay đã khác, có rất nhiều người đàn ông bám chợ, kiếm kế sinh nhai, cũng chịu khó thức khuya dậy sớm, cần cù lam lũ chẳng thua gì chị em phụ nữ.

“Mày râu” cũng tần tảo

Đồng hồ nhích dần sang 12h khuya. Khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ say thì chợ đầu mối Bãi Dâu (thuộc phường Phú Hậu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bắt đầu tỉnh giấc. Những ngọn đèn điện đỏ quạch, mù mờ như vẫn còn ngái ngủ lần lượt tỏa sáng. Những chiếc xe chở hàng nặng trĩu tựa như con ngựa già cỗi ì ạch tiến dần vào chợ. Bước chân của những người đàn ông người nặng nề, người vội vã lao đi, trên lưng là những bao hàng nặng trĩu. Bên những sạp hàng, vài người đàn ông nhanh nhẹn phân loại rau củ quả mới nhập về. Mùi trái cây tươi ngọt hòa trong mùi hăng hắc xộc ra từ lối nhỏ dẫn vào chợ.

Những người đàn ông bán hàng ở chợ đầu mối Bãi Dâu

Anh Nguyễn Văn Toàn (32 tuổi, ngụ thôn Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) trờ xe đến bên đường, vội giở hàng sau yên xe. Khi những bó hành yên vị trên tấm bạt, anh nhanh chân chạy vào chợ tham khảo giá từ các chủ hàng. Khi trở ra, người đàn ông ngồi xuống bên những bó hành tươi mơn mởn, đủng đỉnh rao bán. Anh kể, hành do gia đình trồng. Để chuẩn bị cho buổi chợ sớm, từ chiều hôm trước, anh đã ra đồng nhổ. Hành được rửa sạch sẽ rồi bó gọn gàng, chất sẵn nơi hiên nhà. Nửa đêm, anh chất hàng hóa lên chiếc xe máy cà tàng, lầm lũi chạy đến chợ đầu mối bán. Mỗi buổi chợ anh bán hết 30kg hành. Những hôm “buôn may bán đắt”, chỉ hơn một tiếng ngồi ở chợ, anh đã bán sạch. Hôm nào ế khách, cũng chỉ đến 5h sáng là xong.

Cũng như anh Toàn, một góc khác, hai thanh niên trẻ măng ngồi bên những bọc nấm rơm đã cân sẵn. Một người tên Nhàn cho biết, nấm do nhà trồng. Nếu bán ở nhà sẽ “mất giá”. Nhằm tăng thu nhập, hai anh em đêm nào cũng dậy sớm, chở nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch mang ra chợ bán.

Nhàn cho biết, cả hai anh em đều đang đi học. Để có tiền theo đuổi việc đèn sách, ngoài phụ gia đình trồng nấm, cả hai còn miệt mài với những phiên chợ. Đang giữa chừng câu chuyện, có khách đến mua hàng, Nhàn nhanh nhảu đưa bọc nấm đã gói sẵn, “đây, của o 2kg”. Nghe tiếng bước chân của một người đang tiến lại, không cần ngẩng lên nhìn, Nhàn với luôn bọc nấm 5kg. Nhàn bảo bám chợ chỉ mới 3 năm nhưng cũng đủ có những mối hàng quen: “Những khách hàng hay lui tới em nhớ rất rõ. Chỉ cần nghe tiếng bước chân họ từ xa, không cần nhìn em cũng biết là ai”.

Không thảnh thơi như những người đàn ông đến chợ bán nông sản do mình trồng, ông Nguyễn Thành Nhân (51 tuổi, chủ một vựa hàng rau sống ở chợ đầu mối) xoay như chong chóng bên gian hàng. Ngồi trước bao xà lách to, ông sắp từng cây một vào chiếc nong lớn. Mỗi động tác được ông thực hiện một cách nhanh nhẹn, khéo léo. Đôi tay to bè, sần sùi làm việc thoăn thắt nhưng nhẹ nhàng, như sợ một cái chạm tay mạnh, có thể cây xà lách mỏng manh sẽ dập nát. Khi người phụ nữ mang bao rau ngò đến bán, ông lật đật quay qua chiếc cân, liếc nhanh lên mặt cân, gọn lỏn “9 kg”. Dứt tiếng, ông tất bật móc tiền trong chiếc túi màu đen đeo trước ngực trao cho khách, vừa nói “hôm nay ngò hạ “một phân” nghe”.

Người phụ nữ chưa kịp quay gót, ông đã quơ cây dao nghe một tiếng “rẹc”. Ngồi bên bao ngò vừa rạch, ông thoăn thoắt sắp ngò vào rổ. Xong, ông lại quay sang những bao hàng mới dỡ xuống, sắp cà chua, bí đao, cà tím... ra những chiếc nong để sẵn. Công việc luôn tay luôn chân, nhưng ông Nhân không quên nở nụ cười trên mặt, luôn miệng mời khi có khách ghé, “mua đi chị, hàng mới về, tươi ngon lắm”. Không khí rạng sáng mát mẻ, vậy mà người đàn ông đã mấy lần đưa tay quệt mồ hôi túa ra trên mặt.

Nơi con đường nhỏ dẫn vào trong chợ, gian hàng măng luộc của ông Phan Phước có vẻ trầm lắng hơn. Người đàn ông 55 tuổi đang ngồi tẩn mẩn cân sẵn những bọc măng cho khách. Ánh đèn tù mù hắt bóng xuống những rổ măng. Lúi húi cân hàng, nhưng thấy bóng người hắt xuống dưới ánh đèn điện, ông đã biết người lạ hay mối quen. Ông Phước bảo, vợ chồng ông đều bám chợ đã nhiều năm. Dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định. Mỗi sáng, ông giành phần đến chợ sớm dọn hàng, đỡ đần giúp vợ những công việc nặng, để vợ có thể ngủ thêm một chút.

Ra đến chợ, ai cũng như ai

Ngại ngùng là cảm giác chung của những người đàn ông trong những ngày đầu mưu sinh nơi kẻ chợ. Dù ít hay nhiều, họ đều phải tự vượt qua. Anh Toàn kể, mình bắt đầu đi chợ từ khi vợ mang thai.

Rồi vợ bận bịu chăm con mọn, anh quyết định gánh luôn công việc chợ búa lâu dài, tránh cho vợ việc thức khuya dậy sớm vất vả. “Những ngày mới đi chợ, tui ngại lắm. Ý nghĩ đàn ông ai lại đi làm việc của đàn bà khiến tui cứ chọn những chỗ kín đáo, ít người qua lại để bày hàng. Ngồi bán thì cứ khép nép, chẳng dám mời khách. Vì thế bán chẳng ai mua, hàng hóa phải chở về nhà, ăn không hết, để lại hư. Sau này, tôi tự nhủ, ra đến chợ, ai cũng như ai, đều là công việc cả. Dần dần quen chợ, tui mạnh dạn mời mọc. Việc buôn bán cũng nhanh hơn”. Bây giờ, anh không còn e ngại, mà bán hàng “chuyên nghiệp” hẳn.

Không như anh Toàn, ông Phước “bén duyên” với chợ bởi tuổi già sức yếu, không thể lê bước theo các công trình làm phụ thợ hồ. Buôn bán ở chợ dù phải thức khuya dậy sớm, nhưng với ông, ít ra cũng nhàn nhã hơn nhiều công việc nặng nhọc ngoài kia. Ông kể: “Ngày đầu theo vợ ra chợ, nơi chỉ dành cho mấy o, mấy thím, tui cứ lóng ngóng tay chân. Nghĩ mình đầu hai thứ tóc, còn ra chợ ngồi chồm hổm để kiếm tiền, thấy “mất mặt đàn ông”. Mấy bà đến mua hàng, cứ đưa mắt nhìn, tui càng thấy bực. Lâu dần cũng thành quen”.

Một trong những người đàn ông có thâm niên lâu nhất ở chợ đầu mối có lẽ là ông Nhân. Ông kể, mình theo mẹ ra chợ từ hồi 12 - 13 tuổi. Đã mấy chục năm “mài mặt” ngoài chợ, thời gian quá dài để ông có thể nhớ lại những cảm xúc ngại ngần “thủa ban đầu”. Ông bảo, nghề nào cũng là nghề, “thời xưa, một số người Huế gia trưởng lắm. Họ nói việc chợ búa là của đàn bà. Đàn ông chỉ nên làm việc to tát. Bây giờ, người ta đã thay đổi nếp suy nghĩ. Đàn ông bươn chải ngoài chợ không còn là chuyện hiếm”. Khoát tay một vòng, ông Nhân bảo, bên trong chợ có rất nhiều đàn ông buôn bán. Việc kinh doanh ở chợ đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ và sự mạnh mẽ của đàn ông, nên hầu hết các gian hàng đều “có đôi có cặp”. Theo ông Nhân, phải “vợ đâu chồng đó” mới làm nổi. Ba người con của ông Nhân, hết hai người theo cha ra chợ, buôn bán mưu sinh.

Đối diện với lô hàng của ông Nhân, anh Nguyễn Văn Vinh (33 tuổi), mình trần trùng trục, đang cặm cúi sắp sắp đếm đếm, giao hàng, nhận hàng. Dù tuổi đời cách xa nhau nhưng giữa ông Nhân và anh Vinh đều có điểm chung theo mẹ đi chợ từ khi còn nhỏ. Anh Vinh cho biết, quen buôn bán ngoài chợ cùng mẹ, khi lớn lên, không muốn thay đổi nghề nghiệp. Dù vậy, hồi chưa vợ, mỗi lúc ai hỏi về công việc, anh lại có chút ngại ngần khi trả lời mình buôn bán ngoài chợ. Bây giờ, cả hai vợ chồng đều bám chợ mưu sinh. Thời gian này, vợ đang bận sinh nở, anh phải một mình xoay sở.

Mỗi người đàn ông đến với chợ từ một cái duyên riêng. Giống như anh Mạnh (45 tuổi), đến với chợ cũng từ những ngày còn trẻ. Anh vốn có nghề nghiệp ổn định của riêng mình. Công việc buôn bán ngoài chợ do một tay người mẹ đảm trách. Rồi người mẹ đau ốm liên miên, thương mẹ, anh bỏ nghề, ra chợ bôn ba. Chớp mắt đã mấy chục năm ròng: “Hồi tui mới “nhập môn”, chợ này ít đàn ông lắm. Chị em tiểu thương ở chợ hay đùa, bảo tui là “gươm lạc giữa rừng hoa”. Khách đến mua hàng nhìn thấy tui, cứ mắt tròn mắt dẹt, lâu dần thành quen”.

Đồng hồ điểm 6h sáng. Chợ dần tan. Những người đàn ông nhanh nhẹn thu dọn đồ đạc, kết thúc một đêm dài vất vả mưu sinh. Những giọt mồ hôi nhễ nhại, chảy dài trên khuôn mặt, lấp lánh dưới cái nắng ban mai. Dù mệt mỏi, nhưng khuôn mặt họ đều ngời lên vẻ hoan hỉ. Nói như ông Phước: “Nghề nào rồi cũng như nhau, miễn kiếm được tiền một cách lương thiện. Làm công việc từng được mặc định là của phụ nữ, nhưng chúng tôi tự hào mình vẫn làm tròn trách nhiệm của một trụ cột gia đình”.