Vào khoảng 7 giờ tối, nếu tạt qua các quán trà chanh, trà đá ở quanh Đại học Y Hà Nội, có thể bạn sẽ được một chàng trai khá bảnh bao, nhanh nhẹn tên Duy phục vụ.
Mặc dù vẻ ngoài của chàng trai này không có gì là quá nổi bật, nhưng có thể câu chuyện về anh sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn không tin chàng trai đang làm công việc “bồi bàn” tại quán trà chanh, trà đá vỉa hè đó lại từng là ông chủ lớn, “tay” buôn điện thoại “khét tiếng” ở đất thủ đô.
Từ ông chủ một cửa hàng điện thoại lớn...
Trải lòng về những phút thăng trầm trong cuộc đời mình với PV, anh Duy cho biết: “Năm 2009, tôi từng là ông chủ của một cửa hàng điện thoại ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) với vốn đầu tư là 1,2 tỷ đồng.
Đến năm 2010, do làm ăn không thấy tốt, tôi nhượng lại cửa hàng và đi làm thuê cho người ta với mức lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, nhưng trên thực tế tổng thu nhập lúc nào cũng trên 15 triệu đồng/tháng.
Và giờ, như bạn thấy đấy, tôi chỉ là người phụ bán trà đá vỉa hè, nhận mức lương 50.000 đồng/tối, tự lo ăn ở trên đất Hà Nội này”.
Anh Duy từng mở cửa hàng mua bán điện thoại ở Cầu Giấy - Hà Nội (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Nhớ lại những ngày dám bỏ ra 1,2 tỷ đồng để mở cửa hàng điện thoại, anh Duy kể: “Hồi đó, tiền chưa mất giá như bây giờ. Mặc dù chỉ có khoảng 30% vốn trong tay, nhưng tôi đã động viên gia đình mang sổ đỏ đi cắm, vay vốn ngân hàng để có đủ số tiền 1,2 tỷ đồng cho tôi kinh doanh, buôn bán”.
Theo anh Duy, lúc đó cửa hàng của anh chủ yếu bày bán các loại điện thoại, từ bình dân tới cao cấp, cùng với đó là các phụ kiện điện thoại như sạc pin, thẻ nhớ, đồ trang trí cho “dế”. Sau khi tìm hiểu địa bàn quận Cầu Giấy, anh Duy quyết định thuê một cửa hàng trên đường Trần Cung với giá 7 triệu đồng/tháng để khởi nghiệp.
“Tôi khá may mắn vì đó là cửa hàng của người quen nên chỉ phải trả tiền thuê cửa hàng 3 tháng/lần. Cũng nhờ vậy mà nguồn vốn kinh doanh linh động, dư giả hơn chút”, anh Duy nói.
Đã bén duyên với nghề buôn bán điện thoại từ lâu trước khi mở cửa hàng nên trong những ngày đầu khởi nghiệp, anh Duy gặp khá nhiều thuận lợi do lượng khách “ruột” đến với cửa hàng anh khá đông.
Thêm vào đó, vốn là người sành sỏi trong lĩnh vực này, anh Duy dễ dàng kết nối được với các đại lý bán luôn linh kiện điện thoại tại Hà Nội để nhập hàng với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.
“Chỉ cần có tiền mặt, các đại lý đó sẽ chiết khấu cho tôi % giá trị đơn hàng cao hơn so với các công ty chính hãng khác”, anh Duy tiết lộ.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, chuỗi ngày may mắn của anh Duy vội qua nhanh. “Khi ấy thị trường trầm lắng lắm, trong khi tôi mới mở cửa hàng, lượng khách ngày một giảm dần. Tôi lại chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, cũng chẳng dư giả gì để mà tạo dựng thương hiệu nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn”, anh Duy cho biết.
Chàng trai này nói thêm: “Tôi định đóng cửa cửa hàng trong vòng 2 tháng vì nhận thấy càng làm càng thua lỗ nặng, nhưng phải gần 1 năm sau tôi mới thanh lý được hết đồ nghề.
Chấp nhận lỗ hơn 200 triệu đồng, coi như một năm mình làm thuê cho bản thân không lương, chưa kể còn mất vô khối tiền ngoại giao, tạo dựng các mối quan hệ…, tôi bỏ lại sau lưng tất cả, quyết định đi làm thuê cho người ta”.
…đến anh quản lý
Thừa nhận rất có duyên với nghề buôn bán điện thoại, anh Duy cho hay: “Không lâu sau khi khai tử cửa hàng, tôi được nhận vào làm quản lý gian hàng điện thoại cho một công ty lớn ở Thái Hà (Đống Đa, HN) với mức lương cứng 6,5 triệu đồng/tháng, mỗi quý được thưởng thêm 4,5 triệu đồng.
Mặc dù vào cuối năm 2010, thị trường điện thoại đã bão hòa, sức mua giảm rõ rệt so với trước đó, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tôi vẫn kiếm được những mối làm ăn sinh lời giúp tôi kiếm được tối thiểu 15 triệu đồng/tháng”.
Anh Duy tiết lộ, ngoài việc “săn” điện thoại mới dòng cao cấp cho khách quen để nhận thưởng và chiết khấu % hoa hồng từ họ, anh còn mua bán điện thoại đã “qua tay” để kiếm lời.
Ngoài ra, anh còn đứng ra làm trung gian nhập những lô hàng mới chủ yếu là các linh kiện (thẻ nhớ, sạc pin…), hoặc đồ trang trí (vỏ ốp, hình dán ngộ nghĩnh…) từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore về cho các “đồng nghiệp” của mình ở Hà Nội để hưởng % hoa hồng. Có những khi trúng đậm, anh kiếm được tới 20 triệu đồng/lô và một tháng có khi có 2 – 3 lô hàng như vậy.
Sau khi đã trừ tất cả các chi phí sinh hoạt, mỗi tháng anh Duy tích lũy được ít nhất 10 triệu đồng. Số tiền này, anh lại dùng để mua bán điện thoại “qua tay” sinh lời chứ không gửi ngân hàng như cách nhiều người vẫn làm.
Tháng 3/2011, “do công ty áp dụng mức lãi suất quá cao khiến giá thành sản phẩm leo thang dẫn đến việc ế ẩm hàng hóa trong vòng 4 tháng liền nên việc làm ăn của tôi gặp nhiều bất lợi. Đỉnh điểm là khi lãnh đạo công ty quyết định không nhập thêm hàng nữa do lo ngại thị trường tiếp tục lao dốc. Thế là coi như mọi đường sống của tôi đều bị bịt lại. Tôi quyết định xin nghỉ việc”, anh Duy chia sẻ.
…rồi thành người phụ bán trà đá vỉa hè
(Ảnh chỉ có tính minh họa)
Thời gian đầu sau khi xin nghỉ việc, do vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tâm lý căng thẳng nặng nề nên anh Duy quyết định tự thưởng cho mình một vài tháng nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, vốn là người không thích bản thân quá nhàn rỗi, anh Duy cũng đã thử sức với những công việc ở các lĩnh vực khác nhau trong đó bao gồm cả việc làm thêm ở một tiệm cầm đồ, nhưng bất thành.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp thi nhau cắt giảm nhân sự. Xin việc là một bài toán khó, nhất là khi tôi còn phân vân xem sẽ tiếp tục kinh doanh hay lại đi làm thuê.
Bất chợt một ngày, chị bạn rủ rê, tôi quyết định đi làm người phụ bán trà chanh, trà đá vỉa hè cho chị ấy trong lúc nhàn rỗi, chờ việc. Mỗi tối chị trả tôi 50.000 đồng. Tính ra một tháng tôi có khoảng 1,5 triệu đồng, tự lo ăn ở.
Không còn ở cái tuổi phụ thuộc vào gia đình nữa, nên tôi phải tự trang trải cuộc sống của mình chỉ với 1,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy, ăn tiêu tằn tiện có khi còn không đủ nói gì tính chuyện làm ăn…”, anh Duy trần tình.
Nói về các dự định trong tương lai của mình, chàng trai trẻ này cho biết, anh đang nghe ngóng thị trường, chờ những động thái mới nhất từ lĩnh vực anh đam mê để tìm thấy cơ hội kinh doanh khi thị trường thực sự khởi sắc.
Anh Duy nhấn mạnh: “Giờ mở ra kinh doanh là thua lỗ. Nhiều công ty lâu năm còn đang đứng bên bờ vực phá sản nói gì mới thành lập. Còn nếu chấp nhận đi làm thuê cho người khác thì cứ xác định là chẳng bao giờ đủ sống, nhất là khi giá cả các mặt hàng cứ leo thang đến chóng mặt như hiện nay. Do vậy, án binh bất động là thượng sách ở vào thời điểm này”.
Câu chuyện "giờ mới kể" của anh Duy bỗng nhiên bị ngắt quãng bởi tiếng gọi í ới của các cô cậu sinh viên mới tan học. Và anh Duy lại trở về với công việc hàng ngày của mình: Rót trà đá, pha trà chanh, phục vụ học sinh, sinh viên...