Chuyện chưa kể về ngôi đền thờ Tản Viên Sơn thánh bên dòng Đà giang

Từ trước đến nay, các thế hệ sau biết đến nhân vật Sơn Tinh qua sử sách và truyền thuyết, Sơn Tinh biểu trưng cho tinh thần, dũng khí của dân tộc.

Khi tham quan một ngôi đền ở một huyện ven sông của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy có cuốn Ngọc phả, viết về nhân vật Sơn Tinh trong lịch sử Việt Nam.

Đã có nhiều đền thờ nhân vật Sơn Tinh được người dân ở một vùng lập nên, như đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), các ngôi đền trên núi Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, những ngôi đền này chỉ là nơi được lập nên để thờ vọng chứ không phải là đất phát tích của Tản Viên Sơn (Sơn Tinh). Trong cuốn Ngọc phả ghi rõ, ngôi đền có tên là Lăng Sương, ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chính là nơi đầu tiên thờ thánh Tản Viên.

Đền Lăng Sương được xây dựng từ năm 1011, đời nhà Lý. Theo tài liệu còn được lưu giữ tại đây thì, đền được dựng lên trên nền đất cũ nơi thánh Sơn Tinh sinh ra và lớn lên. Ông Tuất, người trông coi lâu năm tại ngôi đền cho biết: “Cuốn Ngọc phả trong đền kể lại gốc tích ra đời, trưởng thành của thánh Sơn Tinh, tên thật là Nguyễn Tuấn. Thân phụ ngài là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen, vốn là những người tu nhân tích đức nhưng hiếm muộn con cái.

Trong một lần mẫu Đen (tên mà người dân trong vùng gọi thân mẫu sinh thành ra thánh Tản Viên) ra giếng gánh nước thì gặp con rồng vàng. Mẫu gánh nước về tắm thì đột nhiên mang thai. Người thường chỉ mang thai 9 tháng nhưng mẫu mang thai đúng 14 tháng mới sinh. Đến thai kỳ thì sinh được một con trai có tướng mạo khôi ngô nên đặt tên cho là Nguyễn Tuấn”.

Phiến đá in dấu chân người Việt cổ, đằng sau là giếng nước thân mẫu Sơn Tinh lấy nước tắm

Chúng tôi quan sát thấy, tại đây vẫn còn vết tích của giếng nước và phiến đá bên miệng giếng có in dấu chân người Việt cổ. Truyền thuyết kể lại rằng thân mẫu Nguyễn Tuấn thường ngồi trên phiến đá đó cúi xuống để lấy nước nên in dấu thành vết. Độ sâu của giếng chỉ khoảng 3m - 4m nhưng chưa bao giờ cạn nước, kể cả vào mùa khô. “Vào mùa hè khô hanh, ruộng đồng khắp nơi đều cạn nước nhưng giếng này vẫn đầy nước, nhìn trong vắt”, ông Tuất nói.

Cuốn Ngọc phả ghi rõ: Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi đã mồ côi cha, sau đó hai mẹ con chuyển sang nơi sinh nhai mới thuộc xóm Cốc ở núi Tản Viên. Cũng tại đây, chàng thanh niên Nguyễn Tuấn được thần núi Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Sau 3 năm sinh sống ở chân núi Tản, hai mẹ con lại trở về sống ở động Lăng Sương (đền Lăng Sương ngày nay).

Năm 12 tuổi, Nguyễn Tuấn ngày ngày vượt sông Đà sang núi Tản Viên để đốn củi về phụ giúp thân mẫu. Cứ mỗi khi quay trở lại núi vào ngày hôm sau, chàng lại thấy những cây mình chặt hôm trước mọc trở lại. Thấy lạ, chàng mới quyết định núp để tìm hiểu. Nhờ đó mà Nguyễn Tuấn gặp được ông Tử Vi thần tướng Bạch Tuyết - chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Thấy chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, Tử Vi thần tướng đã truyền lại cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử. Trên đường qua sông về nhà, Nguyễn Tuấn nhìn thấy con trai vua Thủy Tề bị tử nạn, chàng đã sử dụng cây gậy thần, cứu mạng con vua Thủy Tề.

Cảm kích ơn cứu mạng, vua Thủy Tề dâng vàng bạc châu báu để trả ơn nhưng Nguyễn Tuấn đều từ chối. Khi nhìn thấy cuốn sách ước - một bảo vật của vua Thủy Tề, Nguyễn Tuấn ngỏ ý xin ban tặng nhưng vua Thủy Tề từ chối vì đó là bảo bối quý hiếm.

Mặc dù nhà vua từ chối nhưng người con trai quyết trả ơn cho Nguyễn Tuấn, bèn đánh cắp cuốn sách để tặng cho vị ân nhân. Vua Thủy Tề biết được, liền dâng nước và quân đội lên để đòi lại sách quý. Tuy nhiên, có trong tay cuốn sách bảo bối, Nguyễn Tuấn đã đẩy lùi đạo quân sóng nước.

Bên trong ngôi đền

Cuốn ngọc phả cũng ghi lại, người vợ của Nguyễn Tuấn sau này là con gái Hùng Vương. Khi lấy được công chúa, Nguyễn Tuấn được vua cha truyền lại ngôi báu. Sau đó, Nguyễn Tuấn đã nhường lại ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, từ đó nước Âu Lạc ra đời.

Với công lao đẩy lùi thủy hạn, an dân hộ quốc, sau này, nhân dân địa phương  đã lập đàn thờ và tôn ngài thành Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Tinh cũng là nhân vật đầu tiên trong Tứ Bất Tử của nước ta.

Những tích bút ghi trong cuốn Ngọc phả cho thấy một giả thiết khác về nguồn gốc xuất thân của Đức thánh Tản Viên (Sơn Tinh), nhiều tình tiết có phần khác hẳn với truyền thuyết Sơn Tinh vốn đã lưu truyền trong dân gian từ trước đến nay. Di tích đền Lăng Sương là nơi hiếm hoi còn lưu lại những giải thích cặn kẽ nhất về Đức thánh Tản Viên.

Hàng năm, hội đền Lăng Sương diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng Giêng âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày chính lễ. Trong 3 ngày này, hội đền đã thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham gia và bái lễ. Đền Lăng Sương được coi là một điểm đến tâm linh quý báu của đất tổ Hùng Vương trong hành trình tìm về cội nguồn dân tộc.