Chứng khoán: Động lực mới và những ám ảnh còn lại

Tin Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy TTCK bằng văn bản đã thổi một luồng ô-xy mới vào thị trường, khiến gần như toàn bộ các cổ phiếu trên cả hai sàn tiếp tục "bung trần" cho dù đã tăng khoảng 25% trước đó.

Quá sung nên bùng nổ

Phiên giao dịch 5/3, đã chứng kiến một sự bùng nổ lớn trên sàn chứng khoán. Nó được dân đầu tư hưng phấn miêu tả là "rất sung" và "bùng nổ" - điều mà lâu lắm rồi dân chứng khoán không dám nhắc tới. Điều này thể hiện rõ qua trạng thái của nhà đầu tư hôm nay khi lượng bán ra lại cực kỳ nhỏ giọt trong khi bên mua đang ở trạng thái "mua bằng được".

Khác với tất cả các phiên giao dịch trong hơn 10 năm qua, sáng nay (5/3) TTCK đã khởi động muộn hơn với giờ mở cửa ở cả trên hai sàn là 9h (thay vì 8h30 như trước đó). Đây là phiên đầu tiên giao dịch thêm cả buổi chiều. Theo đó, thời gian giao dịch hàng ngày được thực hiện từ 9h00 đến 14h15 (thời gian nghỉ giữa giờ từ 11h30 đến 13h00) các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày.

Riêng tại HSX, thời gian của các lần khớp lệnh định kỳ và liên tục cũng có thay đổi. Trong phiên sáng, từ 9h-9h15: khớp lệnh định kỳ mở cửa; 9h15 -11h30: khớp lệnh liên tục I. Phiên chiều, từ 13h -13h45: khớp lệnh liên tục II; 13h45 - 14h: khớp lệnh định kỳ đóng cửa.  Giao dịch thỏa thuận thực hiện trong suốt thời gian giao dịch, phiên sáng: từ 9h -11h30 và phiên chiều: từ 13h -14h15.
Sự sốt ruột của nhiều nhà đầu tư đối với việc giờ mở cửa chậm hơn thường lệ đã khiến các lệnh mua được tung vào từ sớm và xác định xu hướng của thị trường khá rõ ràng. Gần như toàn bộ các mã lớn nhỏ trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đồng loạt tăng trần.


Chỉ số VN-Index nhanh chóng tăng trên 4% và dễ dàng vượt qua ngưỡng 450 điểm ngay trong những phút đầu tiên và được duy trì tới cuối buổi sáng. Trong khi đó, HNX-Index tăng hơn 5% để vượt lên trên ngưỡng 75 điểm.

Thị trường tăng vọt cho dù hôm nay hơn 200 triệu cổ phiếu được mua ở mức giá rẻ trước đó 4 phiên đã về tới tài khoản của các nhà đầu tư. Áp lực bán ra rất thấp, nhiều thời điểm rơi vào tình trạng nhỏ giọt, trong khi bên mua ở trạng thái vét cho bằng được, bất kể mã tốt xấu.

Cổ phiếu HBB của Ngân hàng Habubank tiếp tục là tâm điểm trong phiên giao dịch. Sau một loạt phiên tăng điểm mạnh từ mức giá trên 4.000 đồng, sáng nay cổ phiếu này tiếp tục tỏa sáng lên 6.700 đồng/cp với dư mua lên tới 18 triệu cp, trong khi khớp lệnh cho tới 10h30 chỉ đạt 700.000 cổ.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB, CTG, EIB, MBB, NVB, SHB, STB, VCB đều nhanh chóng tăng hết biên độ cho phép với dư mua trần lớn. Các mã thuộc nhóm VN30-Index cũng đồng loạt tăng trần như VIC, SSI, FPT, HAG, BVH.

Trên sàn Hà Nội, tình trạng đua trần mạnh mẽ hơn với đa số các cổ phiếu thuộc dạng thanh khoản cao trước đó như VND, VCG, SHS, KLS, HBB... đều có dư mua trần lên tới hàng triệu đơn vị.

Dòng tiền vào thị trường đang hưng phấn hơn bao giờ hết. Cho tới giờ, không chỉ có các nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư kỳ cựu bám trụ với thị trường suốt vài năm khó khăn vừa qua, mà giờ đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đã từng rời bỏ chứng khoán trong cả năm qua và cả những nhà đầu tư mới cũng đã bắt đầu nhập cuộc.

Niềm tin dường như đã trở lại sau khi vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực, và đặc biệt là những cam kết tái cấu trúc nền kinh tế đang dần được hiện thực hóa. Cuối tuần trước Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 văn bản liên quan đến việc phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 và thông qua Đề án tái cấu trúc ngân hàng.

Chứng khoán đã chứng kiến một sự quyết liệt của Chính phủ để vực dậy thị trường này khi trong hai ngày qua có tới 3 văn bản về phát triển chứng khoán

Phát biểu trong Hội nghị ngành chứng khoán ngày 2/3 tại trụ sở UBCK Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết ngay trong buổi sáng cùng ngày Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK.

Trước đó, ngày 1/3, Thủ tướng ký Quyết định 252 phê duyệt chiến lược phát triển TTCK Việt Nam 2011-2020 và Quyết định 253 phê duyệt đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp. Ba văn bản trên là sự cụ thể hóa cho những cam kết mà Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN về việc phát triển TTCK trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Bùng nổ nhưng chưa dễ ăn

Theo các nhà đầu tư, chưa bao giờ kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế lại được quan tâm đến như vậy với sự phối kết hợp của cả NHNN và Bộ Tài chính dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.  Hơn thế, về quan điểm chung, Chính phủ luôn coi TTCK là một kênh để huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả nhất cho nền kinh tế.

Một điểm khá quan trong khác là trong Chỉ thị 08, Chính phủ đặt TTCK vừa là nơi huy động vốn, nhưng cũng đặt mục tiêu lành mạnh an toàn và bền vững lên hàng đầu và coi trọng bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và các thành viên thị trường. Nó có nghĩa là Chính phủ không chỉ quan tâm phát triển ngắn hạn mà có cái nhìn dài hạn.

Nhận định về Chỉ thị này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nó mạnh và bền vững hơn cả gói kích cầu - giải pháp phải bơm chục hàng ngàn tỷ đồng vào cứu giúp nền kinh tế. Có thể thấy, trước kia, nếu Chỉ thị 03 (về hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán của NHNN) đưa TTCK xuống vực thì hôm nay Chỉ thị 08 có thể sẽ khiến TTCK phục hồi mạnh mẽ.  Đây có lẽ là lần đầu tiên có một chỉ thị trực tiếp và mạnh mẽ như vậy từ Thủ tướng đối với TTCK.

Chỉ thị 08 cũng được đánh giá là toàn diện với sự tham gia của không chỉ Bộ Tài chính mà cả NHNN. Nó bao phủ từ vấn đề tái cấu trúc thị trường, thanh lọc CTCK và doanh nghiệp niêm yết không đủ tiêu chuẩn, cho tới phát triển sản phẩm mới, đến hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.


Mặc dù dòng tiền vào thị trường hiện đang rất mạnh và chứng khoán có thể tăng lên những mốc cao mới, nhưng hiện vẫn có một số nhà đầu tư lo ngại về sức sống của các công ty niêm yết và lo ngại về một đợt xả hàng của các tay chơi lớn trong bối cảnh tin tốt được tung ra ồ ạt và chứng khoán đã tăng mạnh trong một thời gian dài từ trước Tết Nguyên đán.

Xét về bản chất thì muốn thị trường đi lên bền vững cần phải tăng lượng tiền đầu tư trung và dài hạn. Muốn lượng tiền này tăng lên thì TTCK cần phải tạo ra lợi nhuận trung dài hạn cao hơn các kênh dẫn vốn khác.

Hiện tại, lợi nhuận dài hạn đối với đầu tư chứng khoán chỉ khoảng từ 12-17% (ước tính P/E trung bình khoảng 6-8) đang xấp xỉ lãi ngân hàng. Nếu như lãi suất ngân hàng giảm xuống thì sẽ kích thích lượng tiền nhàn rỗi đầu tư vào chứng khoán dài hạn.

Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng lại phải chạy theo lạm phát. Và với mức lạm phát như hiện nay thì việc hạ lãi suất ngân hàng vẫn được NHNN toan tính bởi nếu hạ lãi suất sẽ có thể xảy ra các cú sốc không lường trước nếu nhiều ngân hàng mất thanh khoản và buộc phải đóng cửa.

Hơn thế, để tiếp tục khống chế lạm phát, tăng tính thanh khoản cho ngân hàng và cao hơn nữa là tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ buộc phải thực thi nhiều biện pháp mạnh và phải tuyên chiến với các nhóm lợi ích... Đây là việc có thể không làm được ngay trong ngày một ngày hai.

Bên cạnh đó, lạm phát đang chịu rủi ro từ giá xăng dầu và điện có thể tăng bất cứ lúc nào.

Riêng về TTCK, trong thời điểm khó khăn mới thấy giá trị của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Chỉ thị 08 đã có đề cập mạnh mẽ tới việc bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của họ, nếu như UBCK còn dễ dàng cho các công ty tăng vốn qua các hình thức phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, làm các nhà đầu tư điêu đưng như thời kỳ cách đây 2 năm. Nếu không có một chế tài chặt chẽ quy định các điều kiện doanh nghiệp được phép tăng vốn, thì quyền lợi của nhà đầu tư sẽ sớm lại bị lụi tàn và khi đó TTCK có thể lại rơi vào vóng xoáy khủng hoảng mới.

Một điểm đáng bàn nữa là, hiện tại trong 700 doanh nghiệp đang niêm yết vẫn còn nhiều công ty chưa thể thoát ra khỏi khó khăn do thua lỗ trong các năm trước đó. Nợ nần chồng chất trong khi chưa tiếp cận được với các nguồn mới giá rẻ, các doanh nghiệp này có thể cần nhiều năm để phục hồi sau một thời kỳ phát triển nóng, dàn trải ở mức rủi ro đáng báo động.

Rất có thể, TTCK vẫn sẽ tiếp tục đi lên. Nhưng điều đó không có nghĩa là đầu tư vào mã cổ phiếu nào cũng thắng.