Chuẩn bị điều chỉnh giá viện phí mới

Ngày 17-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp báo về nhiệm vụ năm 2012, giới thiệu những thành tựu y học nổi bật và các hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Một trong nội dung báo chí quan tâm và được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dành thời gian trao đổi là việc sẽ điều chỉnh giá viện phí mới trong năm 2012 với hơn 400 dịch vụ y tế trong tổng số gần 4.000 dịch vụ kỹ thuật y tế hiện hành.

Người dân không bị tính thêm

Vấn đề đặt ra là khi thực hiện điều chỉnh giá trên 400 dịch vụ y tế khám chữa bệnh, thì liệu ngành y tế có bảo đảm tăng chất lượng khám chữa bệnh (KCB), đồng thời bảo đảm người bệnh không phải trả thêm các khoản tiền khác? Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, cấu thành giá dịch vụ KCB gồm 7 yếu tố. “Trong giai đoạn này, chúng tôi mới chỉ điều chỉnh 3 yếu tố chính, trực tiếp gồm: truyền thuốc, truyền máu, vật tư tiêu hao; chi phí về điện nước, vệ sinh; một phần chi phí về khấu hao thiết bị. Các yếu tố khác như tiền lương, khấu hao về hạ tầng, khấu hao về các thiết bị y tế trực tiếp... thì vẫn chưa tính tới”.

Bà khẳng định: “Nếu viện phí đã tính đúng, tính đủ thì bệnh viện không thể tính thêm. Vì nếu tính thêm thì Bảo hiểm xã hội không thanh toán. Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường thanh tra về công tác KCB; xã hội, người bệnh sẽ cùng giám sát việc này”.

Theo dẫn giải của Bộ trưởng Bộ Y tế, trước đây, một ống xông nước tiểu cho nam chẳng hạn, chỉ tính giá 12.000 đồng, trong khi đó mua ống xông đã hết 10.000 đồng chưa kể các khâu khác. Đây là mức giá rất bất hợp lý, vì vậy để phục vụ việc KCB, bác sĩ phải kê để người dân mua thêm các thứ khác. Hay phẫu thuật amidan chẳng hạn, hiện chỉ được thanh toán 40.000 đồng, trong khi đó thực tế chi phí đã hơn 300.000 đồng.

“Giờ nếu tăng giá lên thì người bệnh không phải mua thêm nữa. Viện phí phải bắt buộc điều chỉnh, vì nếu không tăng thì các bệnh viện không thể bảo đảm nguồn chi. Khi BHYT không thể bảo đảm chất lượng điều trị thì người dân chạy sang khám theo yêu cầu, mà khám theo yêu cầu hiện nay cũng đã quá tải”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải.

Lần điều chỉnh này với hơn 400 dịch vụ y tế chỉ mới chiếm 12%-13% tổng số dịch vụ y tế. “Sẽ có nhiều giai đoạn để điều chỉnh hết gần 4.000 loại dịch vụ. Lộ trình điều chỉnh sẽ phải tính toán để bảo đảm sự chịu đựng của quỹ BHYT và người dân, sức chịu đựng của nền kinh tế. Lần điều chỉnh trong năm 2012 mới chỉ nhằm bảo đảm giảm bớt một phần khó khăn của bệnh viện”, Bộ trưởng thông báo.

Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, điều chỉnh viện phí lần này bộ sẽ có sự khống chế. Theo đó, nếu nằm ghép 2 bệnh nhân thì giá giường, giá khám chỉ được tính 50%, nằm 3 thì chỉ tính 30%. Ngoài ra, việc tăng viện phí sẽ đi kèm với việc đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân và thêm các chính sách hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khám chữa bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ đề nghị Nhà nước hỗ trợ phần cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT của người nghèo bị bệnh hiểm nghèo chạy thận nhân tạo, mổ tim. Bộ Y tế đã trình Chính phủ, Quốc hội, hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo. Đối với đối tượng nông dân, dân diêm, học sinh nghèo được hỗ trợ 30% - 50% chi phí tham gia BHYT.

Liên quan đến vấn đề BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay năm 2012 sẽ đẩy mạnh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, phấn đấu tăng diện bao phủ BHYT lên 67% và đáp ứng sự hài lòng của người dân trong KCB bằng BHYT. “Năm 2012 sẽ hỗ trợ cận nghèo 70%. Cải cách chế độ BHYT hưởng bảo hiểm bắt buộc theo mức tối thiểu đối với tất cả các đối tượng theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ BHYT”, bà Tiến cho biết.

Riêng về Quỹ BHYT, Bộ trưởng thông báo hiện nay vẫn còn kết dư và cũng có cơ sở để bảo đảm quỹ ổn định. Cụ thể, riêng đối với cận nghèo, trước đây Nhà nước chỉ hỗ trợ 50%, tới đây sẽ tăng thêm 70% chi phí mua thẻ BHYT, như vậy nguồn thu của quỹ sẽ tăng lên vì số người cận nghèo tham gia BHYT hiện nay ngày càng tăng.