Trong tháng 11/2014, cơ quan y tế tại Đức và Hà Lan đã thông báo ghi nhận hai ổ dịch cúm A/H5N8 tại hai trang trại gia cầm. Các nước khu vực châu Âu lo ngại virus này sẽ lây lan.
Bộ Y tế cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy vius cúm A/H5N8 tại châu Âu có cấu trúc gen tương tự như virus phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 1/2014. Virus này bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virus bao gồm cả virus cúm gia cầm A/H5N1 hiện vẫn đang lưu hành ở Châu Á.
Virus cúm A/H5N8 gây tỷ lệ tử vong cao ở gà, đặc biệt là gà tây, tuy nhiên tỷ lệ thấp hơn ở vịt khoảng 20%. Chủng virus cúm A/H5N8 được ghi nhận rải rác trên các đàn gia cầm và chim hoang dại từ năm 2010.
Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC), đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào ở người, tuy nhiên chủng virus này có thể lây truyền từ gia cầm sang người.
Người có nguy cao nhiễm chủng virus này là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh.
“Virus cúm A/H5N8 là một chủng cúm mới nguy hiểm trên gia cầm và có thể lây lan người”, Bộ Y tế cho biết.
Theo Bộ Y tế, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người, tuy nhiên người sau khi phơi nhiễm cần được theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
Bộ Y tế cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát tình hình diễn biến dịch cúm A/H5N8 trên gia cầm và ở người để có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ. Nếu người dân phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương
Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.