Chủ sử dụng lao động bắt đầu "tẩy chay" lao động Việt Nam

Lòng tin và sự ưa thích chọn lao động Việt Nam (LĐVN) làm việc của các ông chủ Hàn Quốc đang bị giảm sút do tỉ lệ LĐVN chuyển việc không chính đáng và bỏ trốn cư trú bất hợp pháp gia tăng.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho biết: Nếu VN không có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên thì Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tiếp nhận LĐ mới.

LĐVN chen chân để dự thi tiếng Hàn năm 2012.

LĐVN đang thu hẹp thị trường

Phó Giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước Lương Đức Long cho biết: Theo cam kết của VN với Hàn Quốc, từ nay đến 31.12.2012 phải giảm tỉ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống 27% (bằng tỉ lệ của các nước khác).

Trước đó, cuối năm 2011, với nỗ lực của Bộ LĐTBXH và các địa phương, tỉ lệ LĐVN cư trú bất hợp pháp đã giảm xuống (từ 50% xuống còn 48%) nên Hàn Quốc đã mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 17 và 18.12. Tuy nhiên, gần đây, tỉ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có dấu hiệu tăng lên khoảng 2%.

Đáng báo động là một số chủ sử dụng LĐ trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp đã chuyển sang lựa chọn LĐ của một số quốc gia khác, thậm chí Hiệp hội những Người trồng rau cần ở Hàn Quốc đã bàn và cùng thống nhất "tẩy chay" LĐVN.

Ồng Long cũng cho biết, số lượng LĐVN sẽ hết hạn hợp đồng thời gian tới sẽ tăng, dự kiến mỗi năm có khoảng gần 10.000 người. Vì vậy, đến cuối năm nay, nếu VN không giảm được tỉ lệ này, nguy cơ Hàn Quốc sẽ dừng tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn và không tiếp nhận LĐ mới sẽ xảy ra.

Tại sao LĐ bỏ trốn?

Ghi nhận của PV Việc làm tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên và Hải Dương, lý do phổ biến khiến LĐ và người nhà LĐ "bao biện" là trước khi đi đã phải nộp rất nhiều tiền cho "cò".

Qua tuyên truyền của Bộ LĐTBXH mới biết mình bị "lừa", nhưng ở thời điểm con được xuất cảnh, ông Cao Văn Thịnh (thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Bắc Giang) không những vui vẻ đưa 5.000USD, thậm chí còn cảm ơn "cò" đã giúp con mình. Việc các gia đình có con đi lao động ở Hàn Quốc phải nộp cho "cò" từ 100-200 triệu đồng không hiếm, trong khi chi phí thực tế do Nhà nước thực hiện chỉ 630USD.

Anh Trần Duy Đoàn (thị trấn Cao - Phù Cừ - Hưng Yên) vừa hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn 3 tháng nay cho biết: "Thời điểm tôi đi (2006) qua chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng do không biết, đã phải mất cho "cò" gần 8.000USD. Tôi về nước đúng hạn, nhưng nhiều LĐ không nghĩ vậy. Họ trốn ở lại thêm 1 -2 năm để kiếm thêm, bù khoản tiền lớn đã mất.

Một lý do khác là sức hấp dẫn về thu nhập - đang khoảng 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng về VN rất khó xin việc - do xuất phát điểm của chúng tôi là LĐPT - mà các DN VN rất "chuộng" bằng cấp, chưa kể thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng.

Một vị lãnh đạo xã của huyện Phù Cừ (Hưng Yên) trần tình: Thời điểm cao nhất xã tôi có đến 300 LĐ làm việc ở Hàn Quốc. Chi phí đi cao nên LĐ trốn là đúng thôi. Nói đâu xa, con bà chị dâu tôi đây, làm việc ở Hàn Quốc đến năm nay là năm thứ chín rồi.

Nó bỏ trốn, ở lại được lâu thế là vì sao? Vì được ông chủ Hàn Quốc giữ lại, trả thu nhập gấp 1,5 lần hợp đồng. Một tháng làm việc của nó ở Hàn Quốc gấp 8 lần ở VN làm lụng vất vả.

Vì vậy, để giải quyết LĐ bỏ trốn chỉ VN vào cuộc chưa đủ, phía Hàn Quốc cũng cần mạnh tay hơn trong việc để các ông chủ dung túng cho LĐ và cần tăng cường kiểm tra, truy bắt LĐ bất hợp pháp.