Trong số đó, Thành có tình cảm sâu đậm với Trần Thị Hoàn (SN 1996). Mối tình “chị em” đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía cha mẹ của Thành. Để tỏ rõ sự quyết tâm, chàng trai trẻ bất ngờ tuyên bố: “Sẽ cho cô ấy chửa trước, xem còn ngăn cản nữa không”. Không ngờ, câu nói tưởng như đùa ấy đã thành sự thật. Cha mẹ Thành đành tổ chức đám cưới cho con trai, bất chấp sự phản đối của chính quyền và những ánh mắt nghi ngại của bà con lối xóm.
Cô dâu chú rể trong ngày cưới.
Gia đình bị đẩy vào thế “đã rồi”
Những ngày qua, chuyện cậu bé 15 tuổi “buộc” gia đình phải làm đám cưới cho mình với cô gái 18 tuổi đã khiến người dân huyện Tiên Du, Bắc Ninh không ngớt xôn xao, lắc đầu ngao ngán.
Người thương thì cảm thấy lo lắng cho tương lai của đôi vợ chồng trẻ. Họ bảo: “Nếu cô dâu trẻ và chú rể già còn đỡ. Đằng này, chú rể lại đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì liệu có lo nổi việc làm chồng, làm cha?” Người gay gắt hơn lại chỉ trích: “Do cha mẹ không quan tâm đến con cái nên mới để cậu bé rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như vậy”. Nặng nề hơn, nhiều người còn yêu cầu pháp luật phải vào cuộc xử lý…
Chú rể Nông Văn Thành (SN 1999) là con út trong gia đình có 2 anh em trai. Cha mẹ Thành (ông Nông Văn Hùng, SN 1971 và bà Nguyễn Thị Hiền, SN 1973) làm nghề buôn bán nhỏ. Cha mẹ chú rể nhí thừa nhận do áp lực công việc nên họ ít có thời gian chăm sóc, dạy bảo con học hành. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, Thành chỉ học hết lớp 8 thì bỏ ngang.
“Gần đây, tôi ít thấy Thành la cà nên đã cả mừng. Lúc bấy giờ, tôi còn nói với chồng: “Chắc Thành đã lớn, biết nghĩ thương cha mẹ nên ở nhà”. Vợ chồng tôi cũng dự định cho nó đi học nghề để tương lai đỡ vất vả. Nhưng ý định chưa kịp thực hiện, tôi đã thấy nó dẫn một cô gái trẻ về nhà ra mắt.
Hôm đó, trước mặt bố mẹ, nó dõng dạc tuyên bố: “Đây là Mai, người yêu con”. Lúc đó, tôi cũng bất ngờ nhưng không tỏ thái độ phản đối. Tôi vẫn nghĩ bọn trẻ ra ngoài xã hội thì có bạn gái là… chuyện bình thường. Biết đâu, bạn bè khuyên bảo nhau lại dễ hơn bố mẹ. Vậy mà đầu tháng 5 vừa qua, nó về nhà rồi bất ngờ xin phép chúng tôi làm đám cưới”, bà Hiền kể.
Nghe con thông báo tin “sét đánh”, vợ chồng bà Hiền kịch liệt phản đối. Lúc đó, người mẹ còn ngọt nhạt khuyên Thành nên nghĩ lại và hứa sẽ tổ chức đám cưới khi Thành ngoài 20 tuổi. Nhưng đáp lại, cậu lại một mực khẳng định: “Nếu không cho cưới thì cứ để có chửa trước, xem còn ngăn cản nữa không”. Sau lời tuyên bố ấy, Thành bỏ nhà đi liền mấy tháng.
Cũng theo bà Hiền, con dâu của bà lớn hơn Thành 3 tuổi. Trước đó, Mai làm ở tiệm gội đầu cho người dì ruột tại thị trấn Lim. Thành và Mai quen nhau rồi quyết tâm đẩy mối quan hệ của mình thành “ván đã đóng thuyền” để ép cha mẹ phải cho cưới.
“Tôi tưởng thằng Thành nói đùa, ai ngờ nó bỏ đi thật. 3 tháng sau đó, Thành dẫn Mai về rồi bảo: “Mẹ! Mai đã có thai. Con phải có trách nhiệm với cô ấy. Giờ bố mẹ không đồng ý cho chúng con cưới nhau thì chúng con cũng sẽ bỏ đi nơi khác để sống và chăm sóc cho đứa con sắp ra đời".
Nghe con nói vậy, cha mẹ nào lại không xót xa, không thương con. Lại còn đứa trẻ sắp ra đời nữa, liệu hai đứa có biết đường chăm sóc không? Nghĩ cũng ngại với hàng xóm lắm nhưng vợ chồng tôi đành phải mang lễ sang nhà gái hỏi vợ cho con”, bà Hiền bộc bạch.
Gia đình cô dâu những ngày này vẫn cửa đóng then cài.
Gia đình cô dâu những ngày này vẫn cửa đóng then cài.
“Khai man” tuổi với bố mẹ vợ
Khi nhà trai sang đặt vấn đề tổ chức đám cưới cho Thành và Mai, phía nhà gái mới vỡ lẽ chàng rể tương lai mới 15 tuổi. Theo bà Hằng (một người bác của cô dâu), khi quen Mai, Thành cũng đến nhà chơi thường xuyên. Nhưng trước mặt nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai, cậu bé nói dối đã 20 tuổi.
“Hơn nữa, thằng bé nhìn mặt cũng già, ăn nói chững chạc nên gia đình tôi không nghĩ nó mới chỉ 15 tuổi. Về phía gia đình nhà gái, tổ chức đám cưới là chuyện bình thường vì cháu tôi đã đủ tuổi kết hôn. Nhưng còn phía nhà trai thì hơi khó, thằng bé còn nhỏ quá, không biết nó sẽ làm gì để nuôi vợ và đứa con sắp chào đời nữa. Thế nên lúc đầu, bên nhà tôi phản đối kịch liệt lắm. Nhưng bọn trẻ quyết tâm xin cưới và con bé đã có thai nên chúng tôi cũng chẳng thể làm gì khác được”, bà Hằng nói.
Mọi “rào cản” cuối cùng từ phía hai gia đình đã được sắp xếp ổn thỏa. Ngày 8/9, đám cưới của Thành và Mai diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo bà con lối xóm.
Được biết trước khi đám cưới diễn ra, chính quyền địa phương đã đến gia đình khuyên giải, vận động. Bà Hiền cho hay: “Các cấp chính quyền đến khuyên giải cũng có, ngăn cấm cũng có mà tư vấn cũng có… Nghĩ lại, Thành còn quá nhỏ, đến ăn tôi còn phải ép, ngủ tôi còn phải gọi dậy thì làm chồng, làm cha như thế nào. Nhưng Mai đã có thai rồi, chẳng lẽ lại bắt con bé đi bỏ đứa nhỏ. Đứa bé trong bụng không có tội, cái tội chỉ là cha nó chưa đến tuổi kết hôn. Với lại nhỡ không may bỏ con, cháu Mai sau này không sinh con được nữa thì có phải mang tội không. Tôi không làm như thế được nên mới cho bọn trẻ làm đám cưới”.
Trước sự việc, phía cơ quan chức năng đành miễn cưỡng để gia đình tự “xử lý” và chỉ yêu cầu không được dùng nhạc trong lễ cưới, tránh làm ảnh hưởng và cổ súy cho những gia đình khác. Chia sẻ về đám cưới “có một không hai” ở địa phương, chị Nguyễn Thị Xuân, Hội Trưởng Hội phụ nữ nói: “Chúng tôi cũng đã kết hợp với chính quyền đến nhà nhiều lần để khuyên giải và tư vấn cho gia đình. Nhưng thú thực, vụ việc này cũng không biết xử lý ra sao.
Trường hợp cô dâu chưa đến tuổi vị thành niên còn dễ, chứ chú rể chưa đến tuổi vị thành niên và cô dâu đã đủ tuổi kết hôn thì quả là rất khó. Chúng tôi cũng chỉ cố gắng tư vấn để hai cháu chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho cuộc sống gia đình và trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Đồng thời buộc gia đình ông bà Hiền phải cam kết, hỗ trợ, giúp đỡ và định hướng công việc cho chú rể cho đến khi đủ 18 tuổi”.
Cô dâu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với chúng về đám cưới giữa Nông Văn Thành (15 tuổi) và Nguyễn Thị Mai 18 tuổi (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên (Hội luật gia TP. Hà Nội) cho biết: “Trường hợp trên đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể là tội tảo hôn”.
Theo luật sư Nguyên thì tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Nam nữ được phép kết hôn với nhau khi nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên. Nếu một trong hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định hiện hành mà gia đình vẫn tổ chức đám cưới hoặc cho phép sinh sống với nhau như vợ chồng thì đều vi phạm pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp của Thành và Mai, luật sư Nguyên cho hay, trước hết hai người cần phải chấm dứt ngay hành động sống chung với nhau như vợ chồng. Mặt khác, theo quy định tại điều 6, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ban hành ngày 21/11/2001 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, được đưa ra như sau: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn, mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó. Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn. Nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với người tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn.
Ngoài ra, trong cuộc sống chúng ta thường thấy nam đủ tuổi trưởng thành hoặc lớn hơn tuổi quan hệ với nữ dưới tuổi vị thành niên thì sẽ bị xử vào tội giao cấu với trẻ em và người nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho dù nữ dưới tuổi vị thành niên bị ép buộc hay tự nguyện. Với trường hợp của em Thành (là nam 15 tuổi) và em Mai (nữ 18 tuổi) đúng là rất hy hữu. Tuy nhiên luật đã ban hành là chung cho cả nam lẫn nữ chứ không phải riêng gì cho nam. Vì vậy, nếu nữ đủ tuổi vị thành niên mà quan hệ với trẻ em dưới tuổi vị thành niên và bằng chứng là nữ đã mang thai, nếu soi vào luật pháp hiện hành thì hiện đã phạm vào tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115. Theo đó, người đã thành niên giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 1- 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 -10 năm: Phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, có tính chất loạn luân, gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Hay phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội. Nếu xét về mặt luật pháp thì rõ ràng đây là một hoạt động tảo hôn và sẽ bị chế tài bằng các biện pháp theo luật đã định.
Như vậy, trong vấn đề này một lần nữa chúng ta thấy việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về hôn nhân gia đình là điều hết sức cần thiết, để người dân không vấp phải những sai lầm không đáng có, trừ khi họ cố tình vi phạm. Ngoài ra, trong việc hành xử, phải xem xét đến những yếu tố tâm lý và hoàn cảnh gia đình để có những hành xử “thấu tình, đạt lý” để người dân an tâm “sống và làm việc theo pháp luật”.
Luật sư Nguyên cho biết thêm: “Về trường hợp của Mai và Thành, cô dâu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi giao cấu với trẻ em. Nếu cơ quan điều tra chứng minh được trước đám cưới, cô dâu có hành vi dụ dỗ hoặc dùng ảnh hưởng của mình để buộc chú rể thực hiện hành vi giao cấu thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hiếp dâm hoặc cưỡng dâm. Hiện nay, việc cô dâu mang thai thì có thể hoãn truy cứu trách nhiệm hình sự, cho đến khi đứa trẻ sinh ra đủ 3 tuổi. Bên cạnh đó ngoài việc khuyên bảo cô dâu, chú rể chấm dứt quan hệ vợ chồng, các đoàn thể quần chúng hoặc chính quyền địa phương phải lập hồ sơ gửi TAND huyện và ra quyết định: buộc chấm dứt hôn nhân để làm cơ sở xử lý hình sự đối với cha mẹ chú rể, cô dâu về tội tảo hôn trong trường hợp họ vẫn cố tình buộc hai bạn trẻ duy trì hôn nhân trái pháp luật, nếu như đã bị xử phạt hành chính”.