Theo đó, tại những khu vực đông nữ công nhân, học sinh, sinh viên nữ đi lại bằng xe buýt, Transerco nghiên cứu thí điểm một số tuyến phục vụ riêng đối tượng này vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng quấy rối trên xe buýt.
Lý do để nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ dựa vào kết quả khảo sát 2.046 người của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP. Hà Nội và TP.HCM, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối trên xe buýt.
Nghiên cứu đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt.
Ngay sau đó, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu Hà Nội điều tra, khảo sát các địa điểm, tuyến xe buýt thường xuyên xảy ra quấy rối với phụ nữ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Triều - Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết, theo số liệu cập nhật trong 8 tháng gần đây (từ 1/4 đến 31/11), đường dây nóng của Transerco nhận được 43.012 cuộc gọi phản ánh của khách hàng chỉ có 5 vụ hành khách phản ánh liên quan đến quấy rối (chiếm tỷ trọng 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và chiếm tỷ trọng bằng 0,01% trong tổng cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng).
Như vậy, cứ 10.000 lượt khách hàng phản ánh thì mới có một khách phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục.
Ông Triều đưa ra cách nhìn nhận, môi trường trên xe buýt là phức tạp, giống như một xã hội thu nhỏ. Đặc biệt, vào giờ cao điểm tình trạng quá tải rất kinh khủng nên vô hình chung tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng móc túi, quảng cáo, dán tờ rơi thậm chí là quấy rối tình dục…
Để đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi xe buýt, trong đó có việc hạn chế tối đa các hành vi quấy rối tình dục, Transerco đã và đang nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tạo dựng được môi trường tốt nhất cho hành khách.
Cụ thể, Transerco đã lập Phòng Chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và giải quyết thông tin khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ trên xe buýt, trong đó có việc phản ánh quấy rối thông qua tổng đài, hoạt động từ 5-23h hàng ngày (từ giờ mở bến đến giờ đóng bến).
Các kênh thông tin khác cũng được triển khai như điện thoại đường dây nóng, website, hòm thư khách hàng, điện thoại đường dây nóng của Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội (được dán trên thành xe buýt)…
Ông Triều cũng nói rõ, trong trường hợp bị quấy rối khi đi xe buýt mà hành khách phản ánh thì trong quy trình làm việc, Transerco có trách nhiệm can thiệp, nhắc nhở người bị tố cáo có hanh vi quấy rối.
Nếu hành khách đó còn có vấn đề ‘nọ kia’ thì có thể bị từ chối phục vụ.
Trong thời gian tới, Transerco sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ công nhân viên nói chung, đặc biệt là đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ của Tổng công ty về việc phòng chống ngăn ngừa tình trạng quấy rối tình dục; nghiên cứu và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền về công tác phòng, chống quấy rối trên xe buýt...