Đằng sau câu chuyện buồn là bi kịch của người đàn bà cả đời đi bán vé số, nhặt ve chai nhưng vướng phải ông chồng tối ngày say xỉn, nhậu nhẹt bê tha.
Đâm chết chồng trước cổng chùa
Ngày 12/9, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, cơ quan này đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Thị Nghiền (63 tuổi, ngụ tại phường 5, TP.Vũng Tàu) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trước đó, tại cổng chùa Thích Ca Phật Đài, bà Nghiền đã dùng dao đâm chồng mình là ông Bùi Văn Dâng (63 tuổi) khiến ông này thiệt mạng.
Người đàn bà giết chồng cũng bị bắt ngay sau đó. Tại cơ quan công an, bà Nghiền thành thật khai nhận: Bà và ông Dâng đều là người làm nghề đi bán vé số dạo. Vì cuộc sống nghèo khó, để có thêm thu nhập, thỉnh thoảng bà Nghiền cũng đi nhặt ve chai bán. Trong khi người vợ lam lũ kiếm tiền trang trải cuộc sống thì ông Dâng lại suốt ngày say xỉn, không lo lắng, đoái hoài gì tới gia đình. Có người chồng bê tha như vậy nhưng vì con cái, và bổn phận làm vợ nên bao nhiêu năm nay, bà Nghiền vẫn nhẫn nhịn chịu đựng, không một lời oán than.
Như thường lệ, ngày 10/9, sau khi nhặt được một ít ve chai, bà Nghiền về đứng trước cổng chùa Thích Ca Phật Đài và tiếp tục công việc bán vé số dạo. Khi bà đang chăm chú đứng bán thì ông Dâng từ đâu đi tới chửi bới vợ, người nồng nặc mùi rượu. Biết chồng mình đã say nên bà Nghiền không để ý mà vẫn im lặng tiếp tục công việc bán vé số. Thấy trên tay vợ mình đang cầm một bịch ve chai. Người chồng đang lên cơn thèm rượu nghĩ ngay rằng có thể đem bán được một món tiền uống rượu. Nghĩ là làm, người chồng bê tha bắt vợ mình phải đưa để mình đem đi bán.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc.
Đến lúc này, dường như không còn sức chịu đựng nữa nên bà Nghiền lớn tiếng cãi lại chồng mình. Cuộc khẩu chiến nổ ra trước cổng chùa yên tĩnh. Sẵn hơi men trong người, ông Dâng nghĩ là vợ mình hỗn láo nên bực tức đuổi đánh. Đến khi bắt được bà Nghiền, ông Dâng túm tóc đánh tiếp. Lúc này, mọi uất ức bao năm bị chồng đánh đập vô cớ như dồn lại trong con người bà Nghiền. Trong tâm trạng đó, người vợ khốn khổ rút con dao trong người đâm chồng mình 3 nhát liền.
Khi bà Nghiền vừa rút dao ra, ông Dâng gục ngay xuống tại chỗ, trên người máu be bét. Thấy vậy, những người dân sống ở gần cổng chùa ngay lập tức đưa ông Dâng đến bệnh viện gần đó cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Trước khi lên xe về trại tạm giam, trên người bà Nghiền chỉ có bộ đồ rách rưới: “Chiều hôm qua ông ấy đánh tôi, giật rách hết cúc. Mấy bộ quần áo của tôi cũng bị ông ấy đốt hết. Giờ tôi không còn bộ nào khác nữa nên phải mặc bộ này đi bán mấy ngày hôm nay rồi. Có qua xin con gái, nhưng người nó nhỏ nên tôi mặc không vừa”, bà vừa khóc vừa kể với cán bộ công an.
Đoạn kết bi thảm của hai con người khốn khổ
Ngày 12/9, chúng tôi có mặt tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp xúc với bà Nghiền nhằm tìm hiểu thêm về sự việc. Theo lời kể của bà Nghiền, bà và ông Dâng cùng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Tiền Giang. Duyên số đưa đẩy, năm 1976, sau một thời gian quen biết hai người nên duyên vợ chồng. Mặc dù nói là vợ chồng, nhưng chỉ là trên danh nghĩa chứ không có hôn thú cũng không cưới hỏi gì.
“Ngày đó, hai bên gia đình đều nghèo lắm. Chúng tôi ưng thì lặng lẽ về sống với nhau chứ chẳng có đám cuới hay đăng ký kết hôn gì cả”, bà Nghiền buồn bã nói. Thế rồi, dù cuộc sống nghèo khố, 4 đứa con lần lượt ra đời. Cũng chỉ vì gia đình nghèo, ít đất đai nên cả hai vợ chồng phải đi cày thuê, cuốc mướn cho người khác kiếm sống qua ngày. Tuy vậy, vì con cái đông nên cái ăn vẫn không đủ, hai vợ chồng bà Nghiền, ông Dâng mỗi khi mùa gặt đến còn phải tranh thủ đi mót thóc rơi vãi ngoài đồng để có thêm bơ gạo cho con ăn.
“Trước đây, người ta gặt bằng tay, đến mùa vợ chồng con cái kéo nhau đi mót lúa thì cũng tạm đủ 2 bữa ăn mỗi ngày. Nhưng sau này, có máy gặt nên gia đình chúng tôi không còn mót được thóc nữa. Cuộc sống gia đình vì thế mà thường xuyên đói kém. Sống ở quê không kiếm đủ ăn, hai vợ chồng bàn tính tha phương để cầu thực”, bà Nghiền kể. Đến năm 2000, cả gia đình bà Nghiền quyết định khăn gói đưa nhau lên thành phố Vũng Tàu kiếm sống. Ở đây, những ngày đầu không có tiền bạc nên hai vợ chồng ai thuê gì thì làm đó.
Dù cuộc sống ở nơi đất khách quê người cũng cơ cực không kém gì ở quê, nhưng vẫn còn có đồng ra đồng vào, con cái không phải lo thiếu ăn. Rồi dần dần, cuộc sống của gia đình cũng ổn định. Hai vợ chồng thấy nhiều người không học hành đàng hoàng, đi bán vé số cũng kiếm sống được nên quyết định theo nghề này, đồng thời tranh thủ lượm thêm ve chai bán. Nhờ chăm chỉ làm lụng, những ngày đói rách của gia đình bà Nghiền cũng qua đi. Tính tình của người vợ lại khéo vun vén nên cũng để dành chút đỉnh.
Nhưng cũng kể từ đây, tính nết người chồng bắt đầu thay đổi. Từ chỗ chịu khó đi làm thì bây giờ ông Dâng thường hay tụ tập nhậu nhẹt suốt ngày. Lúc đầu thì vài ngày một lần, nhưng lâu dần ngày nào ông cũng uống. Không những vậy, mỗi lần nhậu về, ông đều tìm lý do để gây gổ với mọi người trong nhà. Nhiều năm liền như vậy, những đứa con sống cùng cũng bỏ ra ngoài ở. Đứa thì trở về quê ở Tiền Giang, đứa thì ở Vũng Tàu, nhưng cũng tìm cách ra ở riêng chứ không sống cùng cha mẹ mình nữa.
Người đàn bà tội nghiệp tâm sự, nhiều lần bà đã khuyên chồng bỏ rượu tu chí làm ăn, nhưng ông Dưng đều không nghe. Đáp lại lời khuyên của vợ người chồng ngày càng nát rượu hơn. Theo lời người vợ, trước đây ông Dâng là người chăm chỉ, thương vợ thương con. Nhưng kể từ ngày nghiện rượu thì ông làm một ngày, nghỉ 3 ngày. Gia đình ngày càng trở nên khó khăn, vì số tiền hai người kiếm được bao nhiêu, ông Dâng đều lấy đi nhậu hết. Để có thêm thu nhập, ngoài việc đi bán vé số ban ngày, đến đêm về, bà Nghiền còn phải đi lượm lặt ve chai bán thêm.
Thấy vợ mình đi sớm về khuya, dù đã sắp tuổi thất thập nhưng ông Dâng vẫn nghi ngờ vợ mình có người đàn ông khác, rồi càng ngày càng đánh đập bà Nghiền nhiều hơn trước. Những người hàng xóm của bà Nghiền kể rằng, có lẽ vì bị chồng đánh đập, hành hạ một thời gian dài nên tâm trí bà không còn ổn định, có dấu hiệu tâm thần. Có khi họ bắt gặp bà Nghiền một mình đi trên đường lẩm bẩm gì đó mà không ai hiểu chuyện gì. “Bà ấy là người có tội vì hại chết chồng, nhưng cuộc đời bà ấy nhiều bất hạnh quá”, một người dân sống gần cổng chùa tiếc nuối.
Trao đổi với phóng viên, một điều tra viên phòng PC45 - Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, bà Nghiền chỉ học hết lớp 1 nên không biết viết. Bản thân bà lại bị lãng tai nên việc lấy lời khai rất vất vả. “Cũng vì không được học hành đàng hoàng nên lúc bị bắt, chúng tôi hỏi có mời luật sư không thì bà ấy nói không biết luật sư là gì, làm nghề gì”, vị điều tra viên này cho biết thêm.
Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra và làm rõ.