Đến xã Phiêng Luông (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), chúng tôi được nghe nhiều người bàn tán về cái chết của một người đàn ông 42 tuổi ở thôn Cụm Nhùng. Thấy bảo rằng, gã tự tử vì giận vợ… bỏ đi về nhà ngoại, không chịu về?! Một tuần trước khi gã lấy dao tự cắt cổ kết liễu cuộc đời mình, gã đã uống thuốc trừ cỏ, nhưng không chết. Những tưởng nghe tin gã tự tử như vậy, vợ sẽ mủi lòng mà quay về với bố con gã, nhưng cô vợ vẫn “mất mặt”. Rồi không biết… tức khí lên thế nào, gã lấy con dao tự cắt đứt cổ mình. Lúc ấy gã không kêu đau mà chỉ lảm nhảm vài câu tiếng Mông, đại ý rằng, gã muốn giải thoát!
Người ta bảo, gia đình gã là một chuỗi bi kịch và cái chết của người đàn ông đó chính là sự giải thoát cho tất cả những đau khổ triền miên ấy. Giải thoát không chỉ cho vợ con gã, mà trên tất cả chính là giải thoát cho bản thân người đàn ông ấy.
Tò mò về câu chuyện của gia đình người Mông ở xứ đá tai mèo này, tôi lặn lội lên nhờ chị Ly Thị Vừ (Chủ tịch hội Phụ nữ xã Phiêng Luông) dẫn đường và làm phiên dịch. Chúng tôi tìm đến nhà chị Ly Thị Sử - vợ của người đàn ông nói trên vào lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Căn nhà nhỏ nằm chênh vênh trên ngọn đồi và xen giữa những hốc đá tai mèo lạnh lẽo. Dù đã xế chiều, chị Sử và các con vẫn lầm lũi ngoài nương rẫy. Đi làm, chị phải địu đứa con mới 1 tuổi sau lưng và dắt theo đứa nhỏ 4 tuổi nữa lẽo đẽo bên cạnh. Đợi gần 1 giờ đồng hồ chị và các con mới dắt díu nhau từ nương rẫy về. Chưa kịp mở cửa mời khách vào nhà, đứa nhỏ trên lưng chị khóc ngằn ngặt đòi bú, còn đứa lớn thì níu váy mẹ đòi ăn cơm.
Ngôi nhà chị Sử lọt thỏm giữa những hốc đá tai mèo
Vào nhà, chị tất tưởi tìm ghế mời khách ngồi. Chị vừa kịp ngồi xuống, đứa nhỏ đã vội kéo áo mẹ lên đòi bú. Ngậm được một lát, có lẽ vì nhay đi nhay lại chẳng có giọt sữa nào, nó gằn ra khóc. Chị luống cuống kéo ngực bên kia cho con. Thằng nhỏ vồ vập rúc vào ngực mẹ rồi lại khóc. Bực dọc, chị quát đứa lớn, bắt nó ôm đứa nhỏ đi chỗ khác chơi…
Mới 38 tuổi, nhưng chị Sử đen đúa, khuôn mặt hằn in những vết nhăn, tóc đã lốm đốm bạc. Chân tay chằng chịt những vết sẹo. Chị cho biết, đó là những dấu vết bạo hành của người chồng để lại.
Hỏi về cái chết của chồng chị là Thào Pà Dính (SN 1974), người phụ nữ này bình thản nói, chẳng có một chút tiếc thương. Thậm chí, chị nói, gã chết đi, chị mới được sống!?
Với người phụ nữ này, cái chết của chồng chính là sự giải thoát cho tất cả bi kịch
Từng câu nói của chị toát lên sự lạnh lùng, vô cảm mỗi khi nhắc đến người chồng quá cố. Mới nghe, tôi cứ trách, dù thế nào họ cũng từng “tay ấp, má kề” , cũng từng có với nhau đến 6 mặt con. Nhưng khi nghe hết chuyện rồi mới hay, đằng sau sự lạnh lùng, tàn nhẫn ấy là câu chuyện dài về chuỗi bi kịch trong cuộc sống gia đình. Chị ấy đáng thương hơn đáng trách!
Cam chịu bạo hành gần 20 năm
Theo lời kể thì chị Sử lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến nay đã có 6 đứa con. Bao năm qua, chị sống với người được gọi là chồng, có lẽ còn khổ, nhục hơn trong ngục tù. Gần 20 năm, chồng đã hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tất cả chuỗi bi kịch gia đình chị đều bắt nguồn từ những chén rượu. Ngày đầu lấy nhau, Thào Pà Dính cũng thương vợ, chiều vợ lắm. Đi đâu, Dính cũng mang vợ đi theo. Những công việc nặng nhọc trong gia đình, Dính đều xắn tay vào giúp đỡ. Rồi không hiểu sao, sau khi có với nhau 2 mặt con, Dính lại thích uống rượu. Lúc đầu Dính chửi vợ con thậm tệ, ghen tuông bóng gió. Tỉnh rượu gã nói gã chẳng nhớ gì, nghe vợ kể lại, gã lại rối rít xin lỗi.
Đã có lúc chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát...
Những tưởng sẽ chỉ dừng lại đó nhưng Dính ngày càng uống rượu nhiều hơn. Gã triền miên trong những cơn say. Rồi không chỉ chửi mắng vợ con, Dính bắt đầu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Gã bỏ mặc công việc gia đình, để vợ một mình xoay sở. Những đứa con tiếp theo cứ sòn sòn ra đời trong bạo hành và nước mắt.
Cứ có chén rượu trong người là Dính lại “nổi hứng” thích đánh vợ. Chẳng cần lý do gì, bất kể ngày hay đêm, cứ nhìn thấy vợ là Dính đánh!
Không ít lần gã đánh vợ đến mức chị phải nằm bất động suốt 2 tuần liền. Ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ đến các con. Nhiều lần đi uống rượu đêm về, gã lôi vợ ra đánh. Chị phải ôm hai đứa con nhỏ lên rừng ngủ để trốn. Có lần gã đổ cả hũ rượu lên đầu vợ rồi cứ thế vừa đấm, vừa đá, vừa chửi vợ. Nhiều lần lần gã túm tóc chị, kề dao vào cổ vợ dọa cắt…
Chị mang bầu, Dính cũng chẳng tha. Gã tát vợ đến mức mặt chị sưng húp, tím đen. Gần như ngày nào chị cũng “được” gã “tặng” cho một trận đòn. Gã đấm, đạp, túm tóc, cào cấu, chửi rủa…
Theo lời Sử thì lúc đầu, chị còn khóc. Lâu dần, có lẽ vì đã quá quen đòn hay vì chẳng còn nước mắt để khóc nên sau này, dù bị hành hạ tàn bạo thế nào chị cũng… dửng dưng. Với những đứa con, Dính cũng là một hung thần đáng sợ. Chúng thà dãi nắng, dầm mưa ngoài nương rẫy với mẹ, thà theo mẹ lên rừng để ngủ, thà nhịn đói, nhịn khát… còn hơn phải ở trong nhà với bố.
“Đã có lúc muốn ăn lá ngón mà chết quách đi. Nhưng chết rồi, chúng nó (những đứa con – PV) sẽ thế nào? Chúng còn quá nhỏ. Tôi đành phải cố sống để đợi đến khi chúng lớn hơn mới dám nghĩ đến đời mình…”, chị Sử nói.
Những đứa con của Dính thà nhịn đói, ngủ rừng còn hơn ở với bố
Ý định của người phụ nữ này là đợi tới khi các con lớn hơn, chị sẽ tự giải thoát cho chính mình bằng cái chết. Nhưng ý định ấy cứ tạm gác lại mãi bởi hết đứa này ra đời, lại đến đứa kia. Và cũng bởi, đã không ít lần, trong giây phút tỉnh rượu, Dính ôm vợ thủ thỉ nói đừng giận và gã hứa sẽ bỏ rượu. Dính khóc, gã tự trách mình tại sao lại không thể bỏ được rượu và dừng việc đánh vợ con… Nghe những lời chồng nói, chị lại thương Dính hơn bao giờ hết và nhẫn nhục chờ ngày chồng thực hiện lời hứa.
Nhưng cứ uống rượu vào thì Dính lại trở thành một con người khác, vô cùng tệ bạc. Lần cuối cùng trong cuộc đời phải chịu trận đòn “thừa sống, thiếu chết” của Dính, chị đã quyết định dứt áo ra đi để quên lời hứa của chồng. Chị ôm theo đứa nhỏ nhất trốn đi. Vài ngày đầu, vẫn trong cơn say, gã vẫn nghĩ rằng, vợ trốn trên rừng như những lần trước. Thế nhưng, lần này đợi mãi gã cũng chẳng thấy vợ con về. Gã đi tìm vợ. Chẳng ai biết và nói cho gã hay vợ gã đi đâu. Gã điên tiết uống rượu và lùng sục vợ khắp nơi.
Gần nửa tháng không thấy vợ về, Dính bắt đầu hoang mang, lo sợ. Rồi không ai hiểu vì sao, Dính uống nguyên lọ thuốc trừ cỏ. May thay, gã đã nôn ra hết được. Gã nằm bẹp trên giường 1 tuần, không rượu và nghĩ ngợi. Có lúc, đứa con lớn trong nhà còn nhìn thấy bố khóc. Rồi đúng 1 tuần sau, gã lấy dao tự kết thúc cuộc đời mình.
Ông Vàng Mí Lử đang kể lại giây phút cuối cùng của Thào Pà Dính
Là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của Dính, ông Vàng Mí Lử, Phó Trưởng Công an xã Phiêng Luông kể: “Hôm đó là ngày 1/5, tôi nhận được sự phân công xuống nhà Dính để điều tra xem vì sao Dính uống thuốc trừ cỏ tự tử. Trong khi đang hỏi chuyện đứa con lớn của Dính ở ngoài sân, tôi bỗng nghe tiếng đứa con thứ 4 từ trong nhà ra nói bố đang tự tử. Tôi vội vàng chạy vào trong nhà xem thì thấy Dính nằm thoi thóp trong vũng máu, cổ họng đã gần như đứt lìa, máu lênh láng khắp giường. Tôi vội vàng đưa Dính đi cấp cứu nhưng không kịp. Trước khi chết, Dính có thều thào nói xin lỗi vợ và chết để giải thoát”
Còn chị Ly Thị Vừ, Chủ tịch hội Phụ nữ xã cũng cho biết, đã không ít lần đại diện UBND xã Phiêng Luông, họ hàng và bà con trong bản đến khuyên Dính không uống rượu và đánh vợ nữa nhưng gã vẫn "chứng nào tật ấy".
“Nếu không có rượu thì Dính cũng hiền lành, chất phát. Chính rượu đã biến Dính trở thành một người chồng, người cha tệ bạc đến vậy. Đến khi Dính nhận ra cái sai của mình thì đã quá muộn”, chị Vừ buồn bã nói.