Nhưng giọt nước mắt của Na cũng chất chứa bao uất hận vì người chồng cô hết mực yêu thương đang tâm gieo rắc mầm bệnh chết người cho chính vợ của mình.
Tưởng gặp “hoàng tử”
Ba năm trước, Na chân ướt chân ráo cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học tìm đến về một công ty tư nhân xin việc. Hơn một tuần sau khi nộp hồ sơ, đích thân Phùng Khải, Giám đốc Công ty gọi cô đến phòng làm việc để phỏng vấn. Buổi phỏng vấn diễn ra chừng ba mươi phút thì hai phần ba thời gian này là để vị Giám đốc trẻ tuổi hỏi về những tâm tư, nguyện vọng của Na. Rồi hỏi cô có người yêu chưa, chỗ ăn ở thế nào, đại loại là những câu hỏi chẳng liên quan gì đến chuyên môn của một cử nhân ngành mỹ thuật. Đặc biệt, ánh mắt của vị Giám đốc nhìn cô như thôi miên. Kết thúc buổi phỏng vấn, anh nở nụ cười thân thiện: “Từ tuần sau, em có thể đến đây làm việc”.
Sau buổi gặp gỡ ấy, mỗi lần nghĩ đến ánh mắt và nụ cười của Giám đốc Công ty, trái tim Na như loạn nhịp. Và quả như niềm mong ước của Na, sau hơn một tháng vào làm việc, Phùng Khải thường xuyên mời Na đi chơi, lúc thì xem phim, khi khác lại cà phê…
Một ngày, anh ta bất ngờ ngỏ lời cầu hôn với Na và tất nhiên cô không từ bỏ cơ hội đã đợi chờ từ bấy lâu nay. Na thấy mình như nàng Lọ Lem đã tìm được “hoàng tử” của đời mình. Không may mắn sao được khi cô chỉ là một cô gái tay trắng từ tỉnh lẻ ra thành phố tìm việc, nhà cửa không, phương tiện đi lại cũng chẳng có. Nhưng làm vợ Khải, cô sẽ có tất cả, thậm chí cô còn có thể chu cấp cho cha mẹ già và các em còn đang tuổi ăn học.
Vài tháng sau ngày cưới, Na có bầu, từ đó cô nghỉ hẳn ở nhà để dưỡng thai. Sắp đến ngày sinh, cô vào viện làm thủ tục và xét nghiệm máu. Khi cầm tờ xét nghiệm trên tay, người Na bủn rủn như muốn khuỵu xuống vì thấy dòng chữ “dương tính với HIV” đập vào mắt cô.
Thấy vợ đi khám thai về mặt mày thất thần, Khải đã phần nào đoán biết nguyên nhân nhưng anh ta vờ như không để ý. Phải mất nửa tháng sau, Na lấy hết can đảm nói sự thật với chồng, cô không ngớt lời thề thốt rằng từ trước tới nay Khải là người đàn ông duy nhất của đời cô, cô chưa từng quan hệ với bất cứ người đàn ông nào khác.
Nhưng trái với vẻ cuống quýt và lo lắng của Na, thái độ của anh ta bình thản đến kỳ lạ. Đợi cho vợ bớt xúc động, chồng Na điềm tĩnh thông báo cho vợ biết một sự thật động trời là đã bị nhiễm HIV từ lâu. Việc này cha mẹ và họ hàng của anh ta đều biết, chỉ có Na là không biết gì.
Nhẫn tâm chia cắt tình mẫu tử
Na định tìm đến cái chết bởi trước sau gì thì bản án tử hình cũng đang treo lơ lửng trên đầu. Nhưng nghĩ đến đứa con đang còn nằm trong bụng, Na đành phó mặc số phận để chờ ngày sinh nở.
Còn chồng Na, anh ta chẳng ngại ngần nói toạc trước mặt Na rằng, thực ra việc lấy vợ là do cha mẹ anh ta thúc giục, bởi anh ta là con trai duy nhất trong nhà, cần sinh con để lấy người nối dõi. Rằng, Na cũng đừng ảo tưởng rằng mình có giá. Nếu không mang căn bệnh thế kỷ thì chẳng đời nào anh ta chịu lấy một cô gái quê mùa như cô.
Dù lây căn bệnh HIV từ chồng nhưng Na lại có nhiều thứ, được ăn sung mặc sướng, được ở nhà cao cửa rộng, đi một bước cũng có xe đưa đón. Hàng tháng, Na còn được chồng cho hàng chục triệu để chu cấp cho gia đình… Như vậy, tính ra thì Na chẳng thiệt thòi gì cả, cái gì cũng có cái giá của nó, chẳng ai cho không nhau cái gì bao giờ. Những lời nói cay nghiệt thốt ra từ miệng của người đàn ông được gọi là chồng khiến Na như chết lặng.
Rồi cũng đến ngày Na sinh con. Đó là một bé trai nặng gần 4 kg, thật may đứa bé không nhiễm căn bệnh từ cha mẹ nó. Nhưng cũng vậy mà Na bị chồng cách ly khỏi con. Anh ta cho rằng, nếu cho con ở gần Na, cô sẽ lây HIV cho con. Bởi vậy, Na đã không còn được ôm con trong vòng tay của mình nữa. Chồng Na đã thuê hai người giúp việc đến nhà chỉ để chăm sóc con trai của mình.
Vậy, Na phải làm gì để chồng cô không thể chia cắt tình mẫu tử của mẹ con cô? Với hành vi chia cắt tình mẫu tử và cố tình lây nhiễm HIV cho vợ thì chồng Na có bị pháp luật xử lý?
Luật gia Minh Anh (Bộ Tư pháp) cho biết như sau: Tôi thật sự cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của chị hiện nay. Mong chị hãy cố gắng giữ sức khỏe và vượt qua cú sốc lớn này.
Về việc chồng chị ngăn cấm không cho chị chăm con vì sợ con sẽ lây HIV từ mẹ, đây là một suy nghĩ sai lầm. Bởi nếu cẩn thận và biết cách chăm sóc thì việc một người mẹ có HIV chung sống cùng con cũng như chăm sóc con hàng ngày không thể lây bệnh cho con được. Để cải thiện tình hình, chị có thể nhờ anh em, bạn bè hoặc cha mẹ của chồng tác động đến chồng của chị. Trường hợp anh ấy vẫn không thay đổi thì chị cần báo với chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ để họ can thiệp kịp thời.
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em”.
Đối với hành vi cố tình lây nhiễm HIV cho vợ, chồng của chị có thể bị xem xét xử lý với các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự. Điều 117 của Bộ luật này quy định về “Tội lây truyền HIV cho người khác” như sau:“Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: Đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
Ngoài ra, Điều 118 quy định về “Tội cố ý truyền HIV cho người khác” cũng nêu rõ: “Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; lợi dụng nghề nghiệp.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”./.