Ngay cả những khán giả bình thường của F1 cũng đều biết tầm quan trọng của chiếc xe có ảnh hưởng như thế nào tới thành công, nhưng các số liệu thống kê còn có thể chứng minh được nhiều hơn thế.
Kiến thức cá nhân...
Nico Rosberg đã bị giới chuyên môn loại khỏi danh sách ứng viên vào lúc bắt đầu mùa giải năm nay, bởi anh đã không giành được một chiến thắng nào trong suốt 6 năm tham gia F1, nhưng lý do thực tế là bởi anh chưa bao giờ có một chiếc xe đủ mạnh để thực hiện điều đó. Rosberg không phải là trường hợp hy hữu. Jenson Button cũng đã phải chờ đúng 6 năm để được lần đầu tiên nếm trải hương vị chiến thắng và nhiều tay đua khác từng phải chờ lâu hơn thế.
Áp lực tăng lên đáng kể sau khi Rosberg hoàn toàn trắng tay trong 2 chặng đua đầu tiên và hoàn toàn bị đánh bại trong cả 2 cuộc đua phân hạng bởi đồng đội Michael Schumacher - người mà anh từng lấn át trong 2 mùa giải trước.
Một chiếc xe đủ mạnh có thể trở thành “bệ phóng” cho Rosberg thể hiện tài năng.
Đây là một trường hợp khá thú vị và là minh chứng rõ nét cho vai trò của lốp, thời tiết và chiếc xe. Trước khi chiến thắng ở Thượng Hải, Rosberg vẫn đang gặp khó khăn với lốp xe. Anh “đốt” các bộ lốp của mình một cách nhanh chóng ở Melbourne, trong khi không thể đẩy chúng lên nhiệt độ hợp lý ở Malaysia.
Tuy nhiên, cho dù người ta có thể cho rằng Rosberg không phải là tay đua nhanh nhất thì anh lại luôn có một sự hiểu biết sâu sắc về cách thiết lập chiếc xe. Trước khi giành danh hiệu vô địch GP2 năm 2005, anh đã từng được trường Đại học Imperial London cấp học bổng để theo học ngành Kỹ thuật Hàng không. Khi gia nhập Williams vào năm 2006, anh đã đạt điểm số cao nhất so với bất kỳ tay đua của Williams nào trong lịch sử ở kỳ thi năng khiếu kỹ thuật bắt buộc. Điều đó cho thấy anh có các kiến thức nền tảng rất tốt về kỹ thuật nói chung và vật lý học nói riêng - các ưu điểm cực lớn đối với một tay đua F1, bởi chính họ sẽ phải đưa ra ý kiến quyết định về việc nên điều chỉnh chiếc xe ra sao trong từng chặng đua.
... chuyển thành năng lực chiếc xe
Khoảng biến thiên nhiệt độ của lốp Pirelli trong mùa giải năm nay là tương đối hẹp, nhưng các loại lốp lại được tinh chỉnh rất tinh tế theo từng điều kiện nhiệt độ khác nhau để tạo ra khác biệt lớn. Ở Melbourne, đường đua ướt trong các đợt chạy thử đã khiến các đội đua bị lạc lối khi trời hoàn toàn khô ráo trong cuộc đua chính thức, trong khi tại Malaysia mọi chuyện diễn ra ngược lại: khô khi luyện tập và mưa như trút trong cuộc đua.
Nói cách khác, Rosberg chưa thành công trong 2 chặng đầu mùa là vì thời tiết không thuận lợi để anh “biên dịch” được phản ứng của lốp thành thiết lập hợp lý cho chiếc xe. Thế nhưng, đến Thượng Hải, nhiệt độ ổn định trong cả 3 ngày cuối tuần đã cho phép Mercedes và Rosberg tìm thấy “điểm rơi phong độ” cho chiếc xe trước khi bước vào cuộc đua phân hạng. Lần đầu tiên trong sự nghiệp F1 của mình, Rosberg có một chiếc xe đủ khả năng chiến thắng và anh đã không để đội đua phải thất vọng.
Được hỏi sau khi giành chiến thắng đầu tay rằng điều gì tạo nên sự khác biệt, Rosberg đã khẳng định đó chính là cách thiết lập chiếc xe và điều kiện thời tiết ổn định.
Câu hỏi vào lúc này là liệu Mercedes có thể duy trì được phong độ cao như thế trong các cuộc đua sắp tới? Tốc độ của họ ở Thượng Hải cho thấy những vấn đề trước đó không phải là vấn đề nền tảng với chiếc xe mà là vấn đề với thiết lập và lốp. Giả thuyết đó sẽ sớm được kiểm chứng tại Bahrain vào cuối tuần này, nơi nhiệt độ sẽ cao gấp đôi so với Thượng Hải, và lốp xe sẽ phải chịu áp lực cực lớn. Chiến thắng có thể sẽ không phải là điều dễ dàng, nhưng một cú podium nữa có nghĩa là Rosberg sẽ trở thành một ứng viên thật sự trong năm nay. Một chiếc xe tốt sẽ tạo ra sự khác biệt.