Gọi hồn, áp vong là môt trong những hiện tượng mà khoa học chưa có lời giải cuối cùng. Đằng sau câu chuyện bi hài xoay quanh vấn đề này không đơn thuần chỉ là khát khao giao lưu giữa thế giới người sống và người chết. Bên cạnh những bí ẩn nằm ngoài khoa học thì phần lớn vẫn chỉ là những chiêu trò do “đồng cô”, “bóng cậu” tạo nên. Bức màn pháp thuật ngày càng trở nên mờ ảo hơn qua những lời đồn thổi mà chính những nạn nhân của nó vô tình bồi đắp vào.
Những “diễn viên” kì tài
Đang băn khoăn về tính xác thực của đồng cốt thì tôi nhận được điện thoại của một người bạn lâu năm không gặp. Khi nghe tôi chia sẻ về vấn đề này, anh cười lớn rồi bảo sẽ bố trí cho tôi đi gặp một thầy “xịn” vào ngày hôm sau.
Đúng hẹn, anh bạn đưa tôi chạy lòng vòng quanh Hà Nội rồi thẳng hướng Gia Lâm. Rẽ đường sang Ngọc Thụy, chúng tôi vào một ngôi nhà nhỏ nằm mép bờ sông. Anh bạn thông báo với tôi là đã đến nơi bức màn bí mật đồng cốt sẽ được giải mã. Nhà “thầy” có vẻ hơi khác với những nơi đã xem qua. Gọi một hồi chúng tôi mới thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi chạy ra. Quần ông vẫn ống thấp ống cao vì đang làm vườn. Hóa ra đây là ông chú mà bạn tôi giới thiệu.
Ông tên H. Tôi được biết trước kia người đàn ông này đã kinh qua “nghề” làm “thầy” đồng cốt. Chính vì thế, việc gọi hồn, nhập vong, ông nắm trong lòng bàn tay. Ông H là người cuối cùng trong gia đình làm nghề nhưng sau cũng phải “giải nghệ”. Thấy tôi bày tỏ ý nguyện tìm hiểu về chuyện tâm linh, ông có vẻ lưỡng lự. “Chú bỏ nghề lâu rồi, giờ chẳng nhớ nữa”, người đàn ông này lắc đầu từ chối. Được bạn tôi nói giúp mấy câu, cuối cùng ông cũng bằng lòng tiết lộ cho tôi những bí quyết về nghề. Tuy nhiên, tôi phải cam đoan không được chụp hình.
Ông H cho biết: “Phần nhiều cũng chỉ là trò lừa bịp”. Nói rồi ông bảo tôi ghi tên tuổi, quê quán, năm sinh của mình ra một tờ giấy. Nhìn vào tờ giấy, ông bắt đầu phân tích cho chúng tôi: Từ những thông tin cơ bản như thế này đã cung cấp rất nhiều điều về khách cho các “thầy”. Ví dụ, khách là người xứ Thanh, “thầy” có kinh nghiệm lâu năm sẽ nghĩ ngay đến đền Sòng - nơi thiêng nhất của miền đất Thanh Hóa.
Người ở Nam Định thì có đền Trần, Bắc Giang- Bắc Ninh thì có đền Bà Chúa Kho…Thế nào khi có người nhà mất đi, các thầy cô đều quy cho người ấy sẽ về các khu đền mà mọi người đều biết. Điều này có tác dụng “phủ đầu” lên tâm lý tín ngưỡng của những người còn sống rằng người thân của họ đã vượt qua được cõi âm để được đi theo hầu những bậc thần thánh. Chí ít người thân dưới âm cũng có chức tước, địa vị. Về sau, những người này chắc chắn sẽ có thể hỗ trợ con cháu trong nhà.
Người đàn ông này nói tiếp, những người “thầy” thường dự đoán được trong dòng họ mỗi người, từ ba đến năm đời chắc chắn cũng sẽ có một vài người chết trẻ. Đặc biệt nếu tính thời gian đời ông, đời cụ trước kia thì tỉ lệ chết trẻ thường cao hơn so với bây giờ do điều kiện sống khó khăn, bệnh tật. Thậm chí, những hài nhi chết trong bụng mẹ cũng có thể được tính là bà cô, ông cậu. Những người chết trẻ đặc biệt linh thiêng.
Theo quan niệm của dân gian, những bà cô, ông cậu tuy trẻ tuổi nhưng lại có uy quyền có thể cất nhắc được mọi chuyện trong họ, bao gồm những người âm đi theo phù con cháu nào. Là bình thường nếu như trong những lần đầu tiên đi cầu hồn, các gia đình thường được gặp các bà cô, ông cậu. Vốn có chút thành tâm khi đi làm lễ, lập tức người đi cầu hồn sẽ tìm ra ngay “vong” mà mình đang được gặp là ai. Những người đi làm lễ cầu hồn thì không ai rảnh rỗi tới mức bỏ tiền, bỏ thời gian ra chỉ để “thử”” các “cô”, “cậu”. Tâm lý có phần sợ hãi từ lúc ban đầu, cộng thêm “thầy” cô nói trúng quá thành ra nhất nhất tin theo.
Nói đến đây, tôi mới hiểu ra vì sao các “cô” mà tôi đã gặp lại có thể biết gia đình “nạn nhân” có người chết trẻ. Thì ra cũng chỉ là đoán mò. Thấy tôi đăm chiêu suy nghĩ, ông H nói tiếp: Những người làm “thầy, cô” thường rất hiểu tâm lý của những người đến xem. Các “cô” hành nghề lâu năm thường khá tinh vi tới từng cử chỉ. Giả sử gọi gồn một cụ ông người Thái Bình, cô cậu thường phải lên giọng sao cho đúng với âm điệu của vùng đấy. Kể cả chỉ một âm tiết để định vị như “l” và “n”.
Đàn ông thì thường thích uống rượu, người già đứng ngồi cũng không được thẳng, ngay ngắn như người trẻ. Người nhà chỉ cần thấy những tín hiệu đặc trưng đó thì không tự phản ứng được. Nếu có sai thì cô cậu sẽ lách theo hướng khác. Xuống dưới này cuộc sống thay đổi, tự nhiên “mắc chứng” đó.
Loạn thông tin đổ cho mất “lộc Thánh”
Nghe ông H nói, tôi mới đem chuyện của mình ra kể. Rằng hôm trước, khi tôi đến xem, cô có chỉ vào mặt tôi và quát mấy tội như: Đi suốt năm suốt tháng không quan tâm tới gia đình cha mẹ. Tôi ăn diện đỏm dáng nhưng lười chăm chút nhà cửa, hay chuyện thầy bảo em trai tôi là con cầu tự.
Nếu không có bà cô tổ xin hộ cho thì không thể nào có được, ông chú mới cười khà mà phán: “Cháu xem, cháu chẳng tinh chút nào. Bây giờ bình thường mỗi nhà chỉ có hai đến ba đứa con. Đứa nào cũng quý như vàng. Sinh ít nên nhà nào cũng nơm nớp lo, phải đi cầu hết đền này tới đền kia để có đứa con trai chống gậy. Đó chẳng phải là cầu tự là gì. Trừ khi trường hợp gia đình có đông con thì thầy cũng không phán được. Thứ hai, nhìn vào công việc của cháu cũng biết được phải đi nhiều. Càng quen biết với nhiều đối tượng người thì lại càng phải đi. Đi nhiều đương nhiên trễ nải chuyện nhà cửa, gia đình. Thanh niên các cháu không hay để ý tới việc dành dụm, chắt bóp mà chi tiêu cho bản thân mình nhiều. Những điều ấy ai cũng biết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đang rất thành tâm như vậy thì không ai kịp nghĩ ra".
Làm nghề đồng cốt tưởng chỉ là cho vong mượn thân xác của mình để nói chuyện với người nhà. Thực chất, các “cô” cũng phải không ngừng quan sát và suy luận. Những người mới bắt đầu làm nghề, thường khách ít nhưng càng về sau thì càng đông. Đến một lúc nào đó, khi khách đến đông sẽ tới giai đoạn các “cô”, “thầy” không còn kiểm soát được các thông tin của mình nữa. Họ lại “định hướng” dư luận như: “Thánh không cho ăn lộc nữa”.
Mỗi ngày họ phải nghe rất nhiều câu chuyện từ các vùng miền nên sẽ thu nạp được cho mình thêm những kinh nghiệm để ứng phó với các đối tượng khác nhau. Thời gian từ lúc ít khách đến lúc đông khách cũng phải kéo dài tới một vài năm. Chính khoảng thời gian này các thầy cô sẽ tự nâng cao “tay nghề” của bản thân. Cái chính vẫn là đánh vào tâm lý của người xem rồi từ đó vừa hỏi, vừa dò la, vừa dọa nạt. Những người đến xem khi bị át vía, nghe thấy những nguy cơ có thể dẫn đến cho bản thân và gia đình thì đương nhiên sợ hãi, nhất nhất nghe theo.
Kiểu gì cũng “xoay” được tiền
Theo “thầy đồng” từng giải nghệ này, đa phần cha mẹ đến gọi hồn tổ tiên đều đến xin cho con cái thường chỉ để cầu chuyện tình duyên, sự nghiệp, thăng tiến. “Thầy” sẽ dựa theo yêu cầu của người nhà mà phán. Nhìn những đặc điểm trên người của người đến xem như phục sức, cách ăn nói, điệu bộ để biết người đó thuộc hạng người nào trong xã hội mà tùy cơ ứng biến. “Công thức” chung của “thầy”, “cô”, “cậu” trong những trường hợp này thường là những vướng mắc có thể giải quyết được qua làm lễ, cúng tế, giải hạn…Tuy nhiên, nếu muốn thành công thì phải đúng “thầy”, “cô”, “cậu” đó mới hoa giải được. Thông thường, sau khi làm lễ, tâm lý của người đến xem sẽ được giải phóng. Nếu “cô”, “cậu” nói sai thì họ lại bẻ sang hướng “vong” giận dỗi vì gia chủ cúng tế không chu đáo, lễ lạc chưa thể hiện thành tâm…Còn nếu trúng, chính miệng những người đi xem này sẽ giới thiệu thêm cho người khác. Một bà mẹ có đứa con gái đến tuổi lấy chồng đã lâu mà chưa thấy thành sẽ lo sốt vó đi tìm thầy bà cúng bái. Đến khi gặp thầy thường sẽ được phán có tiền duyên. Vì có tiền duyên nên phải đi cắt. Cắt tiền duyên xong được một thời gian, thấy con cái lấy được vợ, chồng thì mừng. Còn trường hợp không lập được gia đình thì bảo thầy cắt chưa tiệt ngọn. Đương nhiên từ miệng người này tới người kia, sự thật cũng đã sai khác đi rất nhiều làm cho sự linh càng trở nên dày dặn.