Mới đây tại KCN Quang Minh (Hà Nội), công ty An Việt đã “hô biến” thịt trâu thành thịt bò nhập lưu trữ sẵn kho đông lạnh đến hơn 40 tấn – không ai dám chắc nó không xuất hiện trong bữa ăn của công nhân với thực đơn là “thịt bò nhập”. Và, muốn biến thịt trâu thành thịt bò thì không thể không cần đến sự can thiệp của những gia vị tạo mùi không rõ nguồn gốc.
Lời tự thú của một chủ lò mổ
Thời điểm này tại một số KCN như Bắc Ninh, Bắc Thăng Long (Nội Bài), đặc biệt tại KCN Quang Minh (Hà Nội) - nơi bị cơ quan chức năng phát hiện trong kho lạnh của công ty An Việt có tới 40 tấn thịt trâu được dán nhãn thịt bò nhập- nhiều công nhân lo ngại, từ trước đến nay họ đã bị “lừa” khi thường xuyên gọi món thịt bò xào trong thực đơn suất ăn của mình.
Chị Nguyễn Thanh Bình (38 tuổi, Lào Cai) làm trong phân xưởng may của công ty TNHH T. tại KCN Bắc Ninh cho biết: “Hầu hết công nhân ở đây chỉ dám dùng suất ăn khoảng 15 đến 20.000 đồng/suất, đa phần là cơm, rau và đậu, rất ít thịt. Hôm nào nhận được lương, tôi cải thiện một chút lên 25.000 đồng/suất. Ở bếp ăn trong công ty cũng có món bò xào nhưng được bán khá đắt. Nay, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông đưa tin, có một số lượng lớn thịt trâu đội mác thịt bò được lén đưa vào suất ăn của công nhân nên cũng thấy ái ngại mỗi khi gọi món bò xào”.
Tương tự, anh Nguyễn Lê Tiến, làm ở phân xưởng phun sơn của công ty YAMAHA, KCN Nội Bài phân trần: “Thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, lại phải lo tiền thuê nhà, điện, nước... nên chi phí cho bữa ăn rất hạn chế. Do phải làm ca, kíp nên phần lớn anh em công nhân chọn suất ăn trong bếp ăn cho tiện. Ở đây, nhà bếp cũng thường xuyên thông báolà chế biến các món từ thịt bò. Thực phẩm thì do nhà bếp nhập và chế biến khép kín nên chúng tôi cũng không rõ nguồn gốc ra sao”.
PV tìm đến một đầu mối chuyên cung cấp thịt trâu cho bếp ăn một KCN tại Bắc Ninh, chủ lò mổ có biệt danh Hùng “cọ” cho biết: “Thực ra “công nghệ luyện” thịt trâu, thịt lợn sề sang thịt bò có từ lâu rồi và không chỉ mỗi chủ lò mà ngay bản thân các mối bán hàng đưa thịt vào các bếp ăn KCN hay đem bán ở chợ đều có những “tuyệt chiêu” riêng để đánh lừa giác quan, khẩu vị người dùng.
Tuy nhiên, có một số điểm chung mà các thủ thuật nhằm biến hóa thịt trâu hoặc thịt lợn sề thành thịt bò là khi đã “pha thịt” sau khi giết mổ trâu hoặc lợn là các tảng thịt này phải được lọc kỹ mỡ, không được sót lại bất kỳ tí ti mỡ lợn nào, đặc biệt là thịt trâu phải lóc hết những thớ gân trắng. Khi đã xong công đoạn lọc mỡ chuyển sang giai đoạn làm màu và mùi. Về màu, thịt trâu thường có màu thẫm rất rắn chắc gần giống thịt bò nên chỉ cần được tưới huyết bò lên nữa thì gần như không thể phát hiện ra đâu là thịt trâu, đâu là bò”.
Cũng theo Hùng “cọ” cái khó nhất là tạo mùi thịt bò khi nó là thịt trâu. Để làm điều này những “ảo thuật gia đồ tể” sẽ sử dụng mỡ bò rán lấy nước mỡ thoa một lượt quanh thịt lợn, trâu chết thì thịt sẽ có mùi bò. Tuy nhiên, Hùng “cọ” lưu ý: “Thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng của bò. Còn “đồ giả” sẽ không thể có được hương vị như thế, dù đã tưới mỡ bò lên nhưng nếu tẩm ướp kỹ với những gói gia vị tạo mùi bò của Trung Quốc được bày bán ở các chợ thì không phải lo việc đó nữa. Cùng với đó, nếu là trâu chết, hoặc lợn chết thì vẫn có thể biến thành thịt bò tuy khó làm hơn một chút, điểm mấu chốt là phải mổ càng nhanh, thịt càng thẫm màu, tưới thêm huyết bò vào là giống hệt thịt bò”.
Hùng “cọ” đang pha thịt trâu ngay bên đường
Theo khảo sát của PV thời giá hiện tại, mỗi kg thịt bò trên Thị trường hiện có giá hơn 200.000 đồng, tuy nhiên giá “thịt bò giả” như nói ở trên thì chỉ thường ở mức trên dưới 100.000 đồng. Bản thân, chủ lò mổ trâu Hùng “cọ” phân tích: “Thường, thịt trâu mua hơi khoảng 50.000-60.000 đồng/kg. Thịt lợn sề hơi giá chỉ 44.000 – 45.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi “đánh tầm 2 con trâu hoặc 4 con lợn sề. Tôi lóc, nhặt lấy một số chỗ, bán 110.000 -120.000 đồng/kg là lãi lớn rồi. Đặc biệt, nếu có mối với bếp ăn tại các KCN thì bán được giá thịt bò xịn, đảm bảo không làm gì lãi bằng. Mỗi đợt tuồn tiêu thụ chừng 100kg, tôi có thể lãi 15 - 20 triệu đồng dễ như trở bàn tay”.
Những bữa ăn bị bóc lột
Với công nghệ chế biến thịt trâu thành bò như vậy, những đầu nậu và bếp ăn tại các KCN thu lợi rất lớn. Ngược lại, người công nhân sẽ chịu thiệt không chỉ về tài chính mà bản thân suất ăn đó không đảm bảo về dinh dưỡng cũng như ATVSTP.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Hồng Điệp, Viện Dinh dưỡng quốc gia thì, các loại lợn sề, thịt trâu được dùng để làm thịt bò giả phần lớn là lợn đã hết khả năng sinh đẻ (hoặc trâu chết) được nuôi bằng thức ăn công nghiệp để nhanh chóng tăng cân. Vì vậy, trong thịt lợn vẫn chứa các chất tăng trọng chưa được đào thải hết. Nếu, người dùng ăn phải sẽ có nguy cơ hấp thụ các loại hóa chất này. Cùng với đó, việc tẩm ướp các hóa chất tạo mùi bò không rõ nguồn gốc sẽ làm tăng nguy cơ thực phẩm đó bị nhiễm độc. “Tôi cho rằng, những vụ hàng loạt công nhân tại các KCN bị ngộ độc sau khi dùng suất ăn tại KCN cũng do chính nguồn thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất và làm giả này”, chuyên gia Điệp nói.
Một câu hỏi đặt ra nữa là với số lượng vận chuyển lớn, những ông chủ lò mổ hay cánh thương lái đến “đánh hàng” cũng đều bắt buộc phải có giấy kiểm dịch để vận chuyển. Vậy ai là người cấp giấy kiểm dịch cho thịt bò giả của họ? Điều này, chúng tôi tìm được lời giải từ chính Hùng “cọ”: “Thực ra, để có giấy tờ này cũng phức tạp lắm, nhưng các chủ lò mổ như tôi sẽ lo việc có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch. Làm nghề này lúc nào chẳng phải sắm vài bộ”. Hùng “cọ” không giấu giếm: “Chỉ cần vài chục ngàn mua lại giấy kiểm dịch ở các chợ đầu mối của những hàng bán thịt trâu, bò có dấu kiểm dịch trong ngày là có ngay”.
Tiếp tục làm rõ
Liên quan đến vấn đề thịt trâu đội lốt thịt bò và có hay không việc thịt trâu được hô biến thành thịt bò xuất hiện trong suất ăn tại các KCN, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng đội QLTT số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết: “Hiện nay, việc điều tra làm rõ hành vi vi phạm trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn. Theo kết quả điều tra thể hiện trên hoá đơn GTGT, hoá đơn bán hàng cho thấy, hầu hết từ nhà nhập khẩu đều ghi “thịt trâu không xương” hoặc “thịt trâu nhập khẩu” mà không ghi “thịt bò”. Tuy nhiên, từ đại lý cấp 1 đến đại lý cấp 2 hoặc tới chợ bán lẻ thì “thịt trâu” có gắn mác khác như đã phát hiện sai phạm tại KCN Bắc Thăng Long thời gian qua hay không, còn phải tiếp tục làm rõ”.
Rà soát thị trường xác định nguồn gốc 10.000 tấn thịt trâu gắn mác bò
Liên quan đến những thông tin về vụ nhập khẩu 10.000 tấn thịt trâu gắn mác thịt bò đưa vào thị trường Vịệt Nam tiêu thụ, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (ban 389) cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc điều tra xử lý vụ việc trên lên ban 389. Vì vậy, ban Chỉ đạo 389 sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các địa phương, đặc biệt 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM lên kế hoạch rà soát, kiểm tra thị trường để xác định dấu hiệu của số thịt trâu nêu trên được đưa ra thị trường như thế nào”.