Các thành viên của một nhóm nhạc trong đêm truyền hình trực tiếp đã dùng chiếc khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái vùng Tây Bắc làm thành chiếc khố che thân. Ở đây có câu chuyện lẫn lộn văn hóa tới 2 lần: Thứ nhất, muốn minh họa cho Tây Nguyên thì lại dùng họa tiết dân tộc Thái Tây Bắc và thứ hai là một biểu tượng văn hóa để đội trên đầu thì lại đem ra đóng khố.
Phải gọi là gì nếu không phải là phản văn hóa, là thiếu trầm trọng kiến thức và phông nền văn hóa. Lỗi bởi người mặc, nhưng lỗi lớn hơn thuộc về những người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình.
Đây là câu chuyện điển hình cho không ít hành vi phản văn hóa trong đời sống hiện nay, không phải chỉ riêng trong chuyện ăn mặc. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng lai căng này là vừa thiếu trầm trọng kiến thức và phông nền văn hóa vừa không coi việc ứng xử với văn hóa phải vô cùng cẩn trọng.
Khi tràn lan sư tử đá được trưng bày, thờ cúng ở khắp công sở, di tích, các nhà văn hóa lên tiếng rằng đó là linh vật người Trung Quốc vẫn dùng để canh mộ. Về điều này, cần kiến thức hiểu biết sâu sắc hơn của các nhà nghiên cứu. Nhưng với người bình thường, điều tối giản nhất để cảm nhận là những tượng sư tử đá nhe nanh, giơ vuốt gớm ghiếc ấy hoàn toàn xa lạ với tập tục văn hóa Việt Nam. Nhưng khi người ta mua, cung tiến, trưng bày đã và vốn thường xem nhẹ việc tìm hiểu xem cái đó có ý nghĩa như thế nào? Biểu tượng cho điều gì? Và nên đặt ở đâu?...
Tương tự, trong giới biểu diễn hiện nay, xu hướng ăn mặc hở hang, thậm chí cởi đồ đang mỗi ngày một nảy nở. Và bảo rằng ở nước ngoài người ta còn hở hơn. Nhưng nếu đem hai hình ảnh hở hang ra so sánh, người ta sẽ hiểu vì sao hở hơn vẫn được chấp nhận. Cũng như mỗi nền văn hóa của mỗi quốc gia chấp nhận được sự hở đến mức nào.
Trở lại với câu chuyện chiếc khăn piêu được nhóm F Band trong đêm bán kết Nhân tố bí ẩn đóng khố để biểu diễn chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sỹ Trần Tiến và Nguyễn Cường: Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku. Lẫn lộn nghiêm trọng về những biểu tượng văn hóa – sự xúc phạm ấy khiến nhiều người, đặc biệt là người dân tộc Thái Tây Bắc phẫn nộ là hoàn toàn dễ hiểu. Trong số những sự "phẫn nộ”, rất đáng chú ý là ý kiến của một người phụ nữ dân tộc Thái – chị Tòng Thị Lan đã có những phản ứng gay gắt ngay trên face book cá nhân.
Cùng với nhiều người khác, chị Lan cho rằng cần có một lời xin lỗi đồng bào dân tộc Thái công khai trên sóng truyền hình quốc gia. Mới nhất, trên một trang báo, chị Tòng Thị Lan đã có một bài viết sâu sắc về chiếc khăn piêu mà theo chị đó là kết tinh văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái: "Những hoa văn tinh tế trên khăn piêu được đúc kết từ cuộc sống - lao động - sản xuất - đấu tranh sinh tồn của cả tộc người. Người Thái trân trọng chiếc khăn ấy, phụ nữ Thái đội chiếc khăn piêu lên đầu để che mưa nắng hay mặc váy áo cóm và đội khăn piêu sặc sỡ trong các lễ hội. Con gái Thái từ nhỏ đã được mẹ dạy từng đường kim mũi chỉ để thêu chiếc khăn piêu và khi về nhà chồng chiếc khăn piêu ấy là kỷ vật dành tặng đấng sinh thành nhà trai; hơn thế nữa, với người Thái, chiếc khăn piêu là vật gối đầu cho người chết khi về với gia tiên. Khó có vật dụng nào linh thiêng và thân thuộc với người Thái hơn chiếc khăn piêu”.
Không thể đòi hỏi những chàng trai của nhóm F Band hiểu sâu sắc về chiếc khăn piêu, nhưng kiến thức nền tối thiểu ở đây là không thể dùng văn hóa Tây Bắc minh họa cho văn hóa Tây Nguyên, càng không thể dùng cái khăn đội đầu để đóng khố. Nhóm biểu diễn đã có lời xin lỗi công chúng trên trang cá nhân, nhưng câu chuyện ở đây là trách nhiệm của những người thực hiện chương trình, những người chịu trách nhiệm để chương trình lên sóng đến với hàng triệu khán giả. Nếu cứ tiếp tục tràn lan các chương trình truyền hình trực tiếp được thực hiện một cách thiếu cẩn trọng, những lỗi "chết người” này sẽ còn tiếp tục xuất hiện sau những scandal vô thưởng vô phạt thời gian qua. Bởi vì không thể nói gì khác hơn phát biểu của PGS Ngô Đức Thịnh: "Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa”.
Ban tổ chức đã biện minh rằng bộ trang phục đi thuê và do một đơn vị thứ 3 tư vấn. Sự đổ lỗi này không làm cho lỗi nhẹ đi, nó báo động kinh khủng hơn về phông văn hóa của nhiều người trong chúng ta, thậm chí cả các giám khảo "nổi tiếng” ngồi nhận xét cho đến khi chương trình đã kết thúc. Đáng tiếc là báo chí cũng chỉ khen ngợi tiết mục này mà không hề phát hiện ra một "sự cố văn hóa” cho đến khi những người trong đồng bào Thái lên tiếng trên mạng.
"Mỗi dân tộc có một nền văn hóa, văn hóa là biến đổi và có thể sáng tạo nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận sự xúc phạm. Bất kỳ thực hành văn hóa và vật thể văn hóa nào cũng hàm chứa một ý nghĩa ở đằng sau.” – chị Tòng Thị Lan như đang thay mặt đồng bào của mình để bày tỏ và đòi hỏi những lời giải thích và biện pháp xử lý thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.
Văn hóa là vun trồng, văn hóa không phải tự nhiên mà có. Không phải chỉ một F Band có lỗi, lỗi lớn thuộc về những người sản xuất chương trình. Không phải chỉ nợ đồng bào Thái một lời xin lỗi. Nhân sự cố này, tất cả chúng ta cần xem lại sự cẩn trọng đối với văn hóa. Nếu không, e một ngày nào đó chúng ta sẽ trả giá trong tương lai.