Chelsea-Barca: Vết đòn thù trọng tài

Guardiola xòe rộng 5 ngón tay khi ông đáp trả những lời chỉ trích, cho rằng Barcelona lọt vào bán kết nhờ sự trợ giúp của trọng tài. Ông tỏ ra ngắn gọn: “Đã 5 lần rồi. Ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi chỉ nói trên sân”.

Sự ô nhục Stamford Brige

Barcelona là đội duy nhất trong kỷ nguyên Champions League lọt vào bán kết trong 5 mùa bóng liên tiếp. Kể cả thời kỳ xa xưa của Cúp C1 châu Âu, cũng chỉ có một đội khác lọt vào bán kết 5 lần liên tiếp. Đấy dĩ nhiên là Real Madrid, đội đã thống trị Cúp C1 trong giai đoạn 1956-1960. Và Real của huyền thoại Di Stefano cũng chỉ dừng lại ở con số 5. Guardiola không nói thẳng, nhưng ngụ ý của ông lại quá rõ ràng: bạn không thể vào bán kết Champions League 5 lần liên tiếp nhờ sự giúp đỡ của trọng tài!

Thật ra, Chelsea cũng không nhất thiết phải quá sợ hãi hình ảnh xòe 5 ngón tay của Guardiola. Thành công trong bóng đá đến từ hiện tại, từ những diễn tiến cụ thể trên sân, và trong khá nhiều trường hợp là từ những diễn tiến thật sự bất ngờ, những tình huống trớ trêu đậm kịch tính, hơn là từ những thành tích cũ huy hoàng. Cần nhớ, khái niệm Chelsea bây giờ gần như mặc nhiên được hiểu là Chelsea trong kỷ nguyên Roman Abramovich. Mà kể từ khi Abramovich tiếp quản Chelsea, đội này cũng đã góp mặt ở vòng bán kết Champions League 6 lần. Barcelona không hơn Chelsea, trong thống kê này!

Trọng tài điều khiển các trận Chelsea – Barcelona sắp tới sẽ cho cả thế giới thấy rõ thế nào là cách điều khiển trận đấu công bằng?

Nhìn chung, Chelsea - Barcelona là một cặp đấu chứa đựng không ít cảm xúc, có khá nhiều điều để nhớ. Và dù cứ phải chôn vùi những chuyện đã qua, thôi không bàn việc trọng tài tặng cho AC Milan quả phạt đền mang tính quyết định ở trận tứ kết lượt về, thì trọng tài vẫn cứ là đề tài chính mỗi khi Chelsea và Barcelona gặp nhau.

Hồi HLV Jose Mourinho dẫn dắt Chelsea, ông đã chỉ trích quá đúng (hà cớ gì trọng tài lại nói chuyện riêng với “phe Barcelona” trong giờ giải lao của một trận đấu quan trọng), đến nỗi trọng tài danh tiếng Anders Frisk không sao thoát được vết thương tâm lý, đành tuyên bố giải nghệ. Hồi năm 2009, kẻ hèn nhát khoác áo trọng tài Tom Henning Ovrebo không dám chỉ tay vào chấm phạt đền, dù khi ấy Chelsea phải được hưởng 2, 3 hoặc 4 quả phạt đền (tùy quan điểm riêng của mỗi khán giả, nhưng 2 là ít nhất) trong trận bán kết lượt về với Barcelona trên sân nhà. May mắn “thoát chết” liên tục, Barcelona gỡ hòa 1-1 vào đúng phút chót, vừa đủ để loại Chelsea bằng luật bàn thắng trên sân đối phương.

Nếu không được “kẻ cắp” Ovrebo giúp đỡ một cách kỳ lạ như thế, chắc chắn Barcelona không thể có “cú ăn 3”, huống hồ là cú “ăn 6” mà cả thế giới ca tụng. Trong tình huống giả định ấy, cũng chưa chắc Guardiola còn tồn tại đến tận bây giờ trên ghế HLV trưởng Barcelona. Dù đã chia tay Chelsea từ lâu, Mourinho vẫn gọi sự cố trọng tài ở trận Chelsea – Barcelona hồi năm 2009 là “scandal Stamford Bridge”, và nói thêm rằng ông sẽ cảm thấy nhục nhã nếu vô địch Champions League như cái cách mà Barcelona đã làm hồi năm 2009.

Chờ đợi thần công lý lên tiếng

Chelsea sẽ có cơ hội đòi lại công lý khi tái ngộ Barcelona ở vòng bán kết Champions League mùa này? Tất nhiên rồi. Nhưng cũng có thể nói, đây là cơ hội quan trọng hơn đối với Barcelona, đối với bất cứ trọng tài nào được chỉ định điều hành, và đối với cả những bộ phận “anti-Chelsea”.

Barcelona đang có cơ hội quá tốt để chứng tỏ: họ không vào bán kết Champions League 5 lần liên tiếp nhờ trọng tài, cũng chẳng cần trọng tài giúp đỡ để vào chung kết. Họ sẽ chỉ “nói trên sân”, như lời Guardiola. Trọng tài điều khiển các trận Chelsea – Barcelona sắp tới sẽ cho cả thế giới thấy rõ thế nào là cách điều khiển trận đấu công bằng.

Ông ta sẽ được so sánh để thấy phương pháp trọng tài của mình không ngốc nghếch như nhân vật Bjorn Kuipers trong trận Barcelona – Milan vừa qua, càng không hèn hạ như Ovrebo năm nào. Và các cổ động viên “anti-Chelsea” sẽ có cơ hội hả hê, sẽ dạy cho đội bóng mà họ không ưa về cách chấp nhận thất bại!

Xin nhắc lại: tất cả đều chỉ đang ở mức độ “cơ hội” mà thôi. Chelsea của Roberto Di Matteo bây giờ có vẻ giống với Chelsea của Mourinho hơn là Chelsea của Andre Villas-Boas. Dù có thừa nhận hay không, Guardiola vẫn phải tự hiểu: suốt 3 năm nay, không có sự việc nào khác làm ông cảm thấy xấu hổ hơn chuyến làm khách gần đây nhất tại Stamford Bridge, trận hòa 1-1 hồi năm 2009.

Kể cả khi bị Inter Milan của Mourinho loại khỏi Champions League ở mùa bóng 2009-2010, chắc Guardiola cũng không cảm nhận thất bại một cách rõ ràng như lúc “được giúp để hòa” Chelsea.

Chelsea là đội bị đánh giá thấp nhất trong số 4 đội lọt vào bán kết. Ai cũng biết vậy. Nhưng đấy lại là thuận lợi lớn của HLV Di Matteo. Bản thân ông chỉ được chứ chẳng mất gì khi phải tranh vé dự trận chung kết Champions League với Barcelona. Cơ hội của Di Matteo là lớn hay nhỏ? Tùy bạn!

Lịch sử đối đầu trực tiếp (Chỉ tính trên đấu trường C1/Champions League)

Vòng bán kết Champions League 2008/2009:

Barcelona – Chelsea: 0-0.

Chelsea – Barcelona: 1-1.

Chung cuộc hòa 1-1. Barcelona vào chung kết và đoạt chức vô địch.

Vòng bảng Champions League 2006/2007:

Chelsea – Barcelona: 1-0.

Barcelona – Chelsea: 2-2.

Chelsea và Barcelona đều vượt qua vòng bảng.

Vòng 1/8 Champions League 2005/2006:

Chelsea – Barcelona: 1-2.

Barcelona – Chelsea: 1-1.

Chung cuộc Barcelona thắng 3-2 và thẳng tiến đến ngôi vô địch.

Vòng 1/8 Champions League 2004/05:

Barcelona – Chelsea: 2-1.

Chelsea – Barcelona: 4-2.

Chung cuộc Chelsea thắng 5-4. Chelsea vào đến bán kết.

Vòng tứ kết Champions League 1999/2000:

Chelsea – Barcelona: 3-1.

Barcelona – Chelsea: 5-1.

Chung cuộc Barcelona thắng 6-4. Barcelona vào bán kết.

Tống kết

Trong kỷ nguyên Roman Abramovich, Barcelona chưa bao giờ thắng được Chelsea với cách biệt nhiều hơn 1 bàn (thậm chí thắng cũng đã là khó rồi). Trong 6 lần gặp nhau gần đây nhất, đôi bên hòa đến 4 trận. Trong 3 lần vô địch Champions League gần đây, đã có đến 2 lần Barcelona vượt qua Chelsea trên đường tiến đến thành công.

Bạn có biết

Chỉ tính trong kỷ nguyên Champions League (bắt đầu từ mùa bóng 1992-1993) thì Barcelona là đội kiếm được điểm số nhiều nhất trên đấu trường này: 258 điểm sau 181 trận đấu. Cần lưu ý: Barcelona không phải là đội thi đấu nhiều nhất ở Champions League. Họ chỉ góp mặt trong 16 mùa bóng. M.U tham dự Champions League đến 18 mùa và đã thi đấu 186 trận nhưng chỉ kiếm được 250 điểm (đấy cũng là đội có số điểm cao thứ hai, chỉ sau mỗi Barcelona). Chelsea được xếp thứ 9 trong “bảng xếp hạng tổng quát” của Champions League suốt từ mùa bóng 1992-1993 đến nay, được 145 điểm trong 110 trận.