Tính đến ngày 17/1, đã có thêm 5 dân thường thiệt mạng trong ngày biểu tình thứ hai ở Zinder - thủ đô nước Cộng hòa Niger ở Tây Phi, nhằm phản đối ấn phẩm mới của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo tiếp tục in hình nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad, nâng tổng số người chết vì bạo lực lên con số 10.
Cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào những người biểu tình, đa phần là thanh niên khi họ đập phá nhiều cửa hàng ở thủ đô Niamey, một số tòa nhà quán bar, khách sạn và trụ sở công ty Pháp cũng bị thiệt hại nặng nề. Những người biểu tình la to bằng thổ ngữ Hausa: “Charlie là quỷ Satan - hãy để những kẻ ủng hộ Charlie rơi xuống địa ngục”.
Ngoài ra, người biểu tình cũng tấn công một đồn cảnh sát và đốt cháy ít nhất là hai xe hơi cảnh sát. Họ còn tới đập phá nhà ở của các sĩ quan cảnh sát và cả trụ sở đảng cầm quyền của tổng thống Mahamadou Issoufou tại địa phương.
Nguy hiểm hơn là phản ứng với việc tờ báo Pháp Charlie Hebdo tiếp tục in hình châm biếm nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad có nguy cơ biến thành xung đột tôn giáo, khi đám đông người Hồi giáo biểu tình bị kích động quá mức đã đốt cháy 8 nhà thờ Cơ đốc giáo.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Angiers, thủ đô Algeria
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Đại sứ quán Pháp tại Niamey, thủ đô Cộng hòa Niger đã khuyến cáo công dân Pháp cẩn thận và hạn chế ra đường vì làn sóng người biểu tình đang kích động đốt các nhà thờ và ném đá vào cảnh sát.
Tổng thống Niger, ông Mahamadou Issoufou xác nhận, tình hình biểu tình đang hết sức nghiêm trọng và khẳng định sẽ điều tra và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tiến hành các cuộc biểu tình bạo lực này. Tuy nhiên, ông nói rằng mình không ủng hộ việc Charlie Hebdo tiếp tục việc in biếm họa nhà tiên tri Mohammad.
Cuộc biểu tình có vẻ đã tạm lắng trên các con phố ở thủ đô Niamey, song những người biểu tình tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình khác, bất chấp lệnh cấm của chính phủ và lời kêu gọi kiềm chế của các thủ lĩnh Hồi giáo ở Nigeria.
Trong khi đó, một cuộc biểu tình tại Jordan, quy tụ hơn 2.000 người đã diễn ra trong ôn hòa. Những người biểu tình lên án cả hành động tấn công khủng bố vào tòa báo Charlie Hebdo và việc tòa soạn trên lăng mạ nhà tiên tri đáng kính của họ.
Tại Pakistan, nhiều người dân đã đốt hình nộm của ông Francois Hollande nhằm phản đối những phát biểu của vị Tổng thống Pháp
Tại Algeria cuộc xuống đường chống lại tòa soạn Charlie Hebdo của dân địa phương kết thúc, khi cảnh sát ra tay ngăn chặn biểu tình, có xô xát nhưng không có thương vong đáng kể cho cả hai bên.
Tại Sudan hàng ngàn người tụ tập trước cổng đại sứ quán pháp và đòi chính quyền Sudan ngay lập tức trục xuất đại sứ Pháp về nước.
Tại Pakistan, cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông 200 người bên ngoài tòa lãnh sự Pháp ở thành phố Karachi.
Một số nước từng là thuộc địa của Pháp như Mali, Senegal, Mauritania… cũng diễn ra tuần hành hòa bình, phản đối Pháp và tờ Charlie Hebdo sau buổi cầu nguyện ngày thứ sáu - 16/1, bất chấp việc nguyên thủ hoặc quan chức cao cấp các nước này đã từng góp mặt trong cuộc tuần hành hôm 11/1 tại thủ đô Paris nhằm tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố Charlie Hebdo.
Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình chống Charlie Hebdo diễn ra chỉ vài ngày, sau khi hơn 40 lãnh đạo thế giới tham gia tuần hành đoàn kết chống khủng bố tại Paris hôm 11/1, đồng thời với đó là toàn soạn báo Charlie Hebdo tiếp tục cho đăng những hình ảnh bị người Hồi giáo cho là thóa mạ nhà tiên tri của họ.
Theo Reuters, ban biên tập của Charlie Hebdo vừa cho biết, số mới nhất của tờ báo này đã được nâng số lượng phát hành lên tới 7 triệu bản, gấp 160 lần lượng phát hành thông thường. Nhu cầu sở hữu một ấn bản Charlie Hebdo trên toàn thế giới tăng cao sau vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn này hôm 7-1 làm chết 12 người.
Số lượng ấn bản của Charlie Hebdo đã tăng lên con số 7 triệu
Bốn ngày qua, số báo mới phát hành hôm 14/1 - số đầu tiên sau cuộc tấn công khủng bố vào trụ sở chính của tuần san, chỉ hai ngày đầu tiên đã được bán hơn hai triệu bản. Người mua xếp hàng dài tại quầy báo từ sáng sớm, khiến tờ báo trở nên nổi tiếng này bán hết rất nhanh. Vì vậy, Charlie Hebdo đã phải nâng số lượng phát hành.
Trên trang bìa của số báo mới có in biếm họa về nhà tiên tri Mohammed với vẻ mặt buồn, mặc áo trắng, cầm tấm biển “Je suis Charlie” ("Tôi là Charlie") trong tay. Phía trên đầu của ông là dòng chữ: “Tout est pardonne” ("Tất cả sẽ được tha thứ").
Theo ước tính của các phương tiện truyền thông Pháp, việc bán ra hơn 7 triệu bản báo mới đã mang lại cho tuần san ít nhất 10 triệu euro.
Tuy nhiên, việc Charlie Hebdo càng bán được nhiều thì nó cũng đồng nghĩa với việc các cuộc biểu tình, bạo loạn trên thế giới sẽ càng lan rộng và viễn cảnh Pháp tiếp tục bị khủng bố sẽ càng gia tăng, bởi nó sẽ tiếp tục “chọc giận” người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Những hình ảnh và bài viết mới của tờ báo này sẽ càng khiến người Hồi Giáo trên thế giới thêm phẫn nộ, với những hành động bị coi là phỉ báng Nhà tiên tri của họ, đồng thời chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ không bỏ qua cơ hội khủng bố và kích động hận thù, bạo lực.