Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) vừa được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan, trao đổi với phóng viên sáng nay 5/11, một chuyên gia tư pháp cho biết cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn với tội danh “Giết người” năm 2003, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới một vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân và sau đó phải bồi thường, xin lỗi.
8 công dân ấy bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6/2001 đến tháng 7/2003.
Trong đó, ông Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) là người bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên. Sau đó, Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.
Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.
Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và sau đó được kết luận là do bị bệnh. Trong các phiên xét xử công khai, 7 bị can còn lại đều nhất loạt tố cáo rằng họ bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.
Tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7/2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại nơi cư trú (quận Ba Đình, Hà Nội) và sau đó lần lượt với những công dân khác.
Tại buổi công khai xin lỗi ông Thịnh ngày 23/7/2008, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Vũ Mạnh Thắng khẳng định việc khởi tố oan sai là do sơ suất của cơ quan thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thiếu sót này đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất với ông Thịnh.
Trước khi xảy ra vụ việc, ông Dương Phúc Thịnh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, cuộc sống gia đình sung túc. Sau hơn 1.000 ngày bị khởi tố oan, ông trở về gia đình với hai bàn tay trắng và nỗi ám ảnh trong những ngày bị giam giữ. Tuy vậy suốt một thời gian dài VKSND tỉnh Bắc Giang “cò kè bớt một thêm hai” khi tính toán các khoản bồi thường cho ông Thịnh và các công dân khác.
Trao đổi với phóng viên, sáng nay 5/11, một chuyên gia tư pháp nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với tội danh “Giết người” và truy tố oan cho 8 công dân trong vụ “trộm cắp cổ vật” diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ 2001-2003.
“Điều đó cho thấy năng lực của các cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian này có vấn đề và cần thiết phải xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể” - vị này cho biết.