Dù sở hữu vườn đào thế số lượng lên tới hơn 100 gốc, trị giá cả tỷ đồng nhưng cây đào được ông Nguyễn Nhân Đạo (tổ 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) trân trọng, giữ gìn hơn cả lại là gốc đào cổ Nhật Tân mua về cách đây 40 năm.
Cây đào có dáng tự nhiên hình chữ S khiến nhiều người liên tưởng tới hình bản đồ tổ quốc hoặc hình rồng bay, thân xù xì, các cành vươn lên tạo tán đẹp mắt. Theo anh Nguyễn Văn Hùng (Tứ Liên, Hà Nội), một người chơi cây lâu năm, vì nghe danh tiếng mà anh tìm tới vườn đào ông Đạo để ngắm gốc đào đẹp. Cây này là vốn là đào giống của Nhật Tân được trồng trong nhiều năm thành đào cổ. Dựa vào thế cây, gốc cây có thể thấy, đây là một trong những cây đào hiếm và vô giá của đất đào Nhật Tân hiện nay.
Ngắm chậu đào cổ đặt ngay gần cổng vườn, nơi vẫn ngồi làm việc mỗi ngày, ông Đạo cho biết, cách đây chục năm, ông đã cho thuê chậu đào này với giá 35 triệu đồng. Nhưng sau đó, vì tiếc và sợ người thuê không chăm sóc cây cẩn thận, những năm gần đây, ông giữ lại cây để chăm sóc tới giờ. Nhiều khách hàng tìm tới thuyết phục ông cho thuê để chơi mấy ngày Tết với giá "không cần mặc cả" nhưng ông Đạo đều từ chối. "Gốc cổ này với tôi giờ là hàng vô giá. Hơn nữa chính vì gốc đào tuổi đã cao nên tôi tự nhủ mình cần phải giữ lại trân trọng chứ không dám vì tiền mà nỡ để cây đi", ông tâm sự.
Ngồi dưới tán đào, ông chủ vườn chậm rãi kể lại câu chuyện giúp ông có duyên tìm được cây đào quý. Theo đó, 40 năm trước, con đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) khi ấy là đường đê, một bên là hàng xà cừ lâu năm, một bên là hàng phượng vĩ. Trong buổi sáng phóng xe trên đê, anh nông dân làng đào tình cờ gặp chủ vườn cùng làng đang chăm sóc gốc đào giống dáng chữ S rất đẹp. Mon men lại gần bắt chuyện, anh Đạo nhận ra đây sẽ là gốc đào quý, có giá trị.
"Đào giống là cây đào người dân chuyên để chặt cành đem bán, giữ lại gốc năm này qua năm khác. Gốc đào được giữ lại lâu dần sẽ hóa cổ. Ngay khi ấy tôi đã thấy gốc đào này có thế đẹp, vỏ xù xì, thân mốc, nhìn mê lắm!", ông chia sẻ.
Lòng mê cây nhưng ngoài mặt, ông Đạo tỏ vẻ bình tĩnh, từ từ bắt thân với chủ vườn rồi hỏi giá mua cây. Tuy nhiên, cũng là dân trồng đào "gia truyền", chủ vườn đủ sức định giá hàng nhà, chỉ bằng lòng bán cây cho đồng hương với giá không dưới 1, 5 triệu đồng. "1,5 triệu từ những năm 70 là cả gia tài đấy. Về người nhà bảo tôi hâm. Ừ, thì tôi hâm", ông Đạo cười sảng khoái khi nhớ lại. Theo chủ vườn, những người sành đào cổ thường trọng cây ở độ tuổi, thế cây và linh khí toát ra từ cây.
Hoa, lá cũng có nhưng chỉ cần ít và chất. Ảnh: Diệp Sa.
Tuy nhiên, ngay Tết năm ấy, anh nông dân "hâm" này đã cho khách thuê gốc đào nọ với mức ngang giá mua về. Chục năm trước, ông Đạo vẫn cho thuê gốc đào dáng uốn hình tổ quốc với giá 35 triệu đồng.
Trong suốt nhiều năm được nuôi dưỡng, chăm chút, cây đào già đã đem tới cho ông Nguyễn Nhân Đạo không ít lợi nhuận. Nay từ chối nhiều mối hỏi thuê cây giá cao, ông Đạo không tiếc. "Cây cũng như người. Tới khi cao tuổi, dù được nuôi dưỡng tốt đến mấy cũng chỉ hấp thụ được phần nào dinh dưỡng chứ không thể dẻo dai mãi được. Chính vì lẽ đó, vì quý cây mà tôi chỉ muốn giữ nó lại bên mình", ông tâm sự.
Chỉ cho người viết xem từng vảy xù từ gốc lên tới ngọn cây, thế uốn chữ S tự nhiên và cả một vài bông đào thắm hiếm hoi rộ nở, ông Đạo không giấu được niềm tự hào: "Nếu bạn thích loại cây hoa lá sai cành thì bạn không phải là dân chơi đào cổ. Người sành đào cổ thích nhất ở cây là cái thế, cái linh khí toát ra từ cây. Hoa, lá có, nhưng chỉ cần ít và chất, như những đốm thắm nổi bật trên bức tranh thủy mạc ấy".
"Kết" cây đào cổ, lại nghe chủ vườn kể chuyện về cây, anh Lê Xuân Thọ (Ba Đình, Hà Nội), một khách tới chơi vườn ngỏ ý xin ông được thuê cây trong đúng 3 ngày Tết với giá 50 triệu đồng, bằng chậu đào Nhật Tân ghép gốc đào rừng cổ ngay bên cạnh chuẩn bị xuất vườn. Đáp lại vị khách bằng nụ cười sảng khoái, mời khách nhấp ly rượu đào, ông Đạo trả lời: "Anh muốn ngắm cây thì 3 ngày Tết cứ qua vườn này, tôi trực vườn, tiếp khách thông cả Tết. Cây này giờ không để cho thuê, càng không để bán, chỉ để ngắm thôi", ông Đạo chia sẻ.