Bằng chứng là mới đây, CLB XSKT.LĐ bị giải tán một cách chóng vánh. Cho dù trước đó, đội bóng này âm thầm xây dựng lực lượng và nghe đâu còn có ý đồ thăng hạng V-League. Việc liên quan đến miếng cơm manh áo của hơn ba chục con người (cầu thủ, BHL…) như thế nhưng được tiến hành một cách âm thầm lặng lẽ. Đến khi cầu thủ sinh nghi CLB giải tán, đề xuất HLV trưởng bỏ tập để hỏi cho ra lẽ thì mọi thứ chính thức đã rồi.
Hỏi chuyện những cầu thủ đội bóng này, có cảm giác họ rất chua xót cho phận mình: “Tụi em vừa chớp mắt xong là thấy thất nghiệp rồi anh ạ”. Các thành viên CLB biết tin đội sẽ giải tán chỉ một vài ngày trước hạn bốc thăm mùa giải hôm 13/12. Họ thậm chí chưa nhận được văn bản thông báo chính thức mà chỉ qua tuyên bố của lãnh đạo. Để an ủi cho những người lao động bị đối xử rất phũ phàng, CLB đề xuất giải quyết một tháng lương gọi là trợ cấp thất nghiệp.
Với cầu thủ XSKT.LĐ, khi phải đón nhận “cái chết bất ngờ”, họ trở tay không kịp. Những đội bóng khác hầu như đã ổn định lực lượng, đã thế, mặt bằng trình độ chung ở XSKT.LĐ cũng chỉ mức trung bình ở giải hạng nhất, không phải là đối tượng để nhiều CLB khác ngắm nghía. Thêm đội ngũ của XSKT.LĐ tính sơ, con số cầu thủ bỗng chốc thất nghiệp cũng hơn 200 người. Rất nhiều cầu thủ đang chung tâm trạng lo sợ khi mùa giải đến gần mà vẫn không chống dung thân, đồng nghĩa với viễn cảnh thất nghiệp cận kề. Nhưng còn sống, còn hy vọng.
Người thất nghiệp trong bóng đá tỷ lệ nghịch với nhu cầu của CLB. Ngay như K.KG cũng nhờ hoàn cảnh thời cuộc như thế, CLB có tiếng con nhà nghèo này bỗng dưng là mảnh đất lành để hàng loạt cầu thủ đến tìm cơ hội cho mình. K.KG còn được tiếng chịu chơi ở mùa giải này khi ký mới hợp đồng với 17 nội binh và số tiền lót tay cho mỗi người bình quân cũng 500-600 triệu/mùa. Như thế đã là quá tốt vì với những cầu thủ bây giờ “chỉ mong được đá và nhận lương bằng 1/2 so với trước kia đã mừng lắm rồi chứ không cần tiền lót tay nữa”. Lực lượng lao động chính trong bóng đá cũng đã ý thức được mình đang ở đâu giữa thời cuộc.
Với họ, khi đã dấn thân vào nghiệp quần đùi áo số, không mấy ai có nghề tay trái. Thất nghiệp đi liền với nguy cơ gia đình, vợ con cũng lao đao theo. Đi nhiều sân bóng “phủi” ở TP.HCM, không hiếm cầu thủ đang thất nghiệp phải chọn cách đá phong trào để duy trì thể lực, chờ cơ hội. Cũng không ít đôi chân đã quá mỏi mệt, quyết định hy sinh cả đam mê của mình để toàn tâm toàn trí cho “miếng cơm manh áo”.
Đến thời điểm này, quả bóng mang tên bi kịch có thể đã ngừng lăn với các CLB nhưng hành trình trốn tránh bi kịch cuộc đời vẫn chưa dừng lại với nhiều cầu thủ. Một chuyên gia bóng đá Việt Nam đã chia sẻ, bộ phận thất nghiệp kia là một bi kịch của nền bóng đá khi chúng ta cất công đào tạo họ để rồi lâm vào tình cảnh như thế. Ở bất cứ xã hội nào, đào thải là quy luật và con người nào cũng phải quen với nó. Nhưng khi “bong bóng” bóng đá Việt chính thức vỡ tan, vẫn có gì đó chua xót với người lao động. Họ suy cho cùng là những nạn nhân của thời cuộc.