Đợt phát hành trái phiếu quốc tế mà Việt Nam đang tiến hành đã nhận được lực cầu lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
Hôm qua (6/11), Việt Nam chào bán 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm. Trang Finance Asia cho biết, theo một số nguồn tin, đã có 450 tài khoản đặt mua số trái phiếu này, với tổng mức cầu là 10,6 tỷ USD, tức lớn gấp 10,6 lần so với lượng phát hành.
Lợi suất của số trái phiếu chào bán trên là 4,8%.
Đây là lần phát hành trái phiếu quốc tế thứ ba từ trước đến nay của Việt Nam, đồng thời là lần phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt Nam 5 năm trở lại đây. Đợt phát hành này diễn ra vài ngày sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch nâng định hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “B+” lên “BB-”, ba bậc dưới hạng đầu tư.
Trao đổi với tờ Financial Times, một nhà ngân hàng nói, đợt phát hành trái phiếu quốc tế này của Việt Nam có thể thu hút sự chú ý lớn của các nhà đầu tư từ các thị trường mới nổi bởi nợ mới của Việt Nam là hiếm, mức lãi suất hấp dẫn, và sự cải thiện trong mức độ ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Lợi suất của số trái phiếu quốc tế của Việt Nam đáo hạn vào tháng 1/2020 hiện đã giảm xuống mức khoảng 4% trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu tìm kiếm mức lợi suất cao hơn khi lãi suất khắp thế giới ở mức thấp kỷ lục. Đây là lô trái phiếu mà Việt Nam phát hành vào năm 2010.
“Các nhà đầu tư hứng thú với các đợt phát hành trái phiếu bằng USD. Cuộc tìm kiếm lợi tức vẫn đang diễn ra. Việt Nam đã mấy năm không phát hành trái phiếu quốc tế. Tình hình vĩ mô ở Việt Nam đã ổn định. Tất cả những yếu tố này sẽ làm lợi cho đợt phát hành của Việt Nam”, nhà quản lý quỹ Rajeev De Mello thuộc công ty đấu tư trái phiếu Schroder Investment Management có trụ sở ở Singapore nhận xét trên Bloomberg.
Trong tuyên bố nâng định hạng tín nhiệm cho Việt Nam mới đây, Fitch đã đề cập tới sự ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế khởi sắc, và cán cân tài chính quốc tế tốt lên.
Theo dự báo của Chính phủ, GDP Việt Nam sẽ tăng 5,8% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng cho năm tới là 6,2%. Lạm phát năm nay có thể giảm xuống dưới 5% từ mức hơn 18% vào năm 2011. Chỉ số VN-Index đã tăng 18% từ đầu năm.
Tuy vậy, theo tờ Financial Times, kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với một số thách thức, bao gồm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và mức tiêu dùng nội địa thấp. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam được dự báo có thể lên tới gần 40% GDP vào cuối năm nay.
Các tổ chức tư vấn bảo lãnh phát hành cho đợt phát hành trái phiếu này của Việt Nam là Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered. Các ngân hàng BNP Paribas, Daiwa và Mizuho là đồng bảo lãnh phát hành.