Cảnh sát môi trường bức xúc vì chưa xử hình sự thực phẩm độc hại

“Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục bắt quả tang các thực phẩm như cá, phở, nước ngọt có tồn dư hóa chất độc hại… nhưng chỉ xử phạt hành chính ở mức độ nhẹ.

Chỉ khi nào Bộ Y tế đưa danh mục các hóa chất này vào danh mục chất cấm thì chúng tôi sẽ xử lý hình sự được ngay”.

Đó là khẳng định của Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tại buổi họp giao ban với Chính phủ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) ngày 26/4.

Theo ông Bình, tình hình vi phạm luật về môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là vi phạm về ATVSTP đối với các mặt hàng thiết yếu gây bức xúc cho người dân.

Chưa có vụ vi phạm nào về VSATTP bị xử lí hình sự

Đơn cử như những vụ sử dụng formol vào trong bánh phở, đường hóa học Cyclamate trong nước ngọt hay nguy hiểm hơn là phân urê thường được các ngư dân đánh bắt xa bờ bỏ vào cá để giữ cá tươi lâu. Urê không màu, không mùi cho nên bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là cá ướp, đâu là cá tươi ngon. Đến khi lên bờ, hải sản lại một lần nữa bị các đầu nậu tráng qua một lớp urê khác là vô tư bán để cả ngày chúng vẫn tươi ngon như vừa mới vớt từ dưới biển lên…

Mặc dù, tất cả các vụ việc kể trên lực lượng cảnh sát môi trường đã gặp các lực lượng thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp và viện kiểm sát nhưng kết quả cuối cùng là không xử lí hình sự được vì luật không cho phép. Bởi theo Điều 244 Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm quy định VSATTP, để xử lý hình sự được người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thì điều kiện là phải có hậu quả thiệt hại cho tính mạng hoặc thiêt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Điều này là rất bất cập bởi những loại chất độc hại này không gây tử vong ngay được mà nó sẽ ngấm dần dần vào cơ thể gọi là ngộ độc mãn tính và phải ít nhất 10 năm mới dẫn tới ung thư và tử vong. Đây cũng là một tội ác cần được xử lý nghiêm ngặt. Song với luật như hiện nay thì dù hành vi mua bán, chế biến thực phẩm, mất vệ sinh, vi pham quy định về ATTP số lượng lớn, quy mô tính chất chuyên nghiệp, thực phẩm được xác định có khả năng gây nguy hại lớn cho con người khi sử dụng cũng không có bị cáo nào bị xử lý hình sự”, ông Bình bức xúc.

Tuy nhiên, một điều bất cập nữa là những chất cấm trên dù Bộ NN&PTNT đã cấm cho sử dụng trong chăn nuôi, còn Bộ Y tế vẫn chưa đưa vào danh mục hạn chế sử dụng. “Nếu trong thời gian tới, Bộ Y tế làm quyết liệt vấn đề này thì chúng tôi không cần theo Điều 244 mà chỉ cần dự vào Điều 155 của Bộ Luật hình sự là có thể đưa một số vụ ra xử lý hình sự ngay được”, ông Bình khẳng định.

Tương tự, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, TP cũng đang rất lung túng trong xử lý việc kinh doanh các hóa chất độc hại tại chợ Kim Biên vì còn rất nhiều “đụng chạm” giữa các cơ quan chức năng. Vì vậy, TP kiến nghị, các bộ, ngành phải có quyết định những người kinh doanh hóa chất công nghiệp phải có bằng cấp và trình độ chuyên môn mới được phép kinh doanh bày bán những hóa chất này. Phải quản lý ngay từ đầu vào rồi mới tính đến đầu ra.

Đại diện lực lượng quản lý thị trường cũng cho rằng, lực lượng nào đã bắt được các vụ vi phạm về VSATTP thì phải để cho lực lượng đó chủ trì xử lý. Còn những lực lượng khác chỉ nên cử chuyên gia đến để góp ý xử lý sao cho hiệu quả nhất. Chứ không thể đồng loạt ra quân vì như vậy sẽ rất chồng chéo và mất thời gian.

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận, chậm nhất là đến tháng 6 Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Công an phải trình Chính phủ một Thông tư liên tịch hướng dẫn về ATVSTP. Trong đó, đặc biệt chú yế đến vấn đề thanh kiểm tra và xử lý