Cánh diều vàng 2012: 'Đấu' phim và vinh danh đạo diễn

Trước thềm tranh giải Cánh diều vàng 2012 vào tháng 3 tới, cùng điểm lại những điểm mới mẻ và thú vị của mùa giải năm nay.

Thông tin chính thức từ nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 sẽ được tổ chức vào tối 17/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.

Lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam là giải thưởng thường niên tôn vinh những sáng tạo điện ảnh trong nước, được trao vào khoảng tháng 3, với dấu mốc đầu tiên là Cánh diều vàng 2002, diễn ra vào tháng 3/2003.

Năm ngoái, Lễ trao giải Cánh diều vàng 2011 diễn ra sớm hơn vào đêm 13/3, với đại thắng của Long Thành cầm giả ca (Cánh diều vàng), Cánh đồng bất tận, Vũ điệu đam mê, Khát vọng Thăng Long (Cánh diều bạc).

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, tính đến ngày 21/2, Cánh diều 2012 đã có 10 phim truyện nhựa, 18 phim truyền hình dài tập (phim dài nhất có 61 tập) và nhiều phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình tham gia tranh giải.

Hình ảnh được ghi lại ở Lễ trao giải Cánh diều vàng 2011.

‘Cuộc chiến’ cam go của đa dạng dòng phim

11 là con số chính thức các phim Việt Nam tranh giải Cánh diều vàng 2012 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Có thể nói, Cánh diều vàng năm nay đa dạng hơn các năm trước với 11 phim dự giải thuộc các dòng phim khác nhau.

Từ dòng phim nghệ thuật, chính thống như: Tâm hồn mẹ, Mùi cỏ cháy; phim thị trường, phim hài như Hotboy nổi loạn, Hello cô ba, Lệ phí tình yêu, Vũ điệu đường cong; phim hành động, võ thuật, xã hội đen như Lệnh xóa sổ, Long ruồi; phim kinh dị Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm cho tới phim thuộc những trào lưu mới (New Currents) của thế giới Đó… hay đây?.

Đây sẽ là cuộc tranh tài gay gắt của nhiều thể loại phim với những ứng viên dáng giá nhất của điện ảnh Việt trong năm qua.

Đáng chú ý là bộ phim Tâm hồn mẹ (Mother’s Soul) của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, từng được chọn để chiếu khai mạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17, tham dự LHP Quốc tế Dubai lần thứ 8 được tổ chức trung tuần tháng 12 vừa qua.

‘Cú hích’ khiến độ phủ sóng của bộ phim này trở nên mạnh mẽ chính là thành công bất ngờ của diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh (vai Thu) khi giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khối Á – Phi, giải thưởng trị giá 8.000 USD. Hoài Linh là diễn viên Việt Nam thứ 2, sau Hồng Ánh (vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng - 2008) từng vinh dự đoạt giải thưởng cao quý này.

Vai Thu của “Tâm hồn mẹ” đã đem về cho diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khối Á – Phi tại LHP quốc tế Dubai.

Cùng với Tâm hồn mẹ, Mùi cỏ cháyHot boy nổi loạn đã từng tham dự tranh giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam 17 hồi tháng 12/2011.

Đặc biệt, bộ phim Đó... hay đây? của nữ đạo diễn Việt kiều Siu Phạm cũng góp mặt tranh giải Cánh diều vàng năm nay. Hồi tháng 8/2011, phim đã được đánh giá cao khi tham gia tranh giải Những trào lưu mới (New Currents) của LHP quốc tế Busan lần thứ 16.

Cảnh trong phim “Đó... hay đây?” của nữ đạo diễn Việt kiều Siu Phạm.

"Hello cô Ba" là phim hài giải trí được lòng công chúng.

Vinh danh hai đạo diễn, NSND gạo cội của làng điện ảnh Việt

Điểm nhấn đặc biệt của Lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 nằm ở chính những điều mà Lễ trao giải các năm trước chưa làm được, đó là việc vinh danh những cá nhân đã có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua.

Hai cây đại thụ’ của nền điện ảnh Việt Nam là đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh được chọn tôn vinh tại Cánh diều vàng năm nay.

Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc (sinh năm 1934), nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam là một trong những tên tuổi nổi tiếng gắn với dòng phim truyện, tư liệu cách mạng nhiều thập kỷ trước.

NSND Bùi Đình Hạc nổi tiếng với dòng phim tư liệu, cách mạng.

Những bộ phim do NSND Bùi Đình Hạc dàn dựng đều là những thước phim tư liệu quý báu ghi lại chân thật về những thời kỳ cách mạng oanh liệt của đất nước cùng tấm gương của các vị anh hùng dân tộc, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể kể đến như: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Sài Gòn tháng 5-1975, Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về quê mẹ, Đường về Tổ quốc...

NSND Đặng Nhật Minh (sinh năm 1938) là “đạo diễn của các giải thưởng”, bởi ông từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.

 
NSND Đặng Nhật Minh là đạo diễn Việt Nam gây nhiều tiếng vang trong làng điện ảnh quốc tế.

NSND Đặng Nhật Minh trở thành ‘cây đinh’ của nền điện ảnh Việt với liên tiếp thành công vẻ vang của bộ phim truyện nhựa Thị xã trong tầm tay, phim tài liệu Nguyễn Trãi, Bao giờ cho đến tháng Mười... tại các kỳ LHP trong và ngoài nước. Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười do ông dàn dựng trở thành phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam vượt biên ra nước ngoài kể từ sau năm 1975, ‘gây sốt’ tại nhiều LHP lớn trên thế giới. Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê... và gần đây nhất là Đừng đốt tiếp tục là dấu ấn lớn của vị đạo diễn tài danh.

Tài năng kỳ lạ của NSND Đặng Nhật Minh, theo như nhiều nhận định là “trong nghệ thuật thứ bảy nước ta tính tới cuối thập niên đầu tiên ở thế kỷ 21, thì chỉ có một thước đo duy nhất là chính Đặng Nhật Minh”. Và tại sao đó không phải lý do để ông trở thành “con cưng” của điện ảnh Việt Nam ngay cả thời điểm hiện tại?