Cảnh báo: Không lạm dụng cây lô hội để làm đẹp

Cây lô hội là loại cây dùng làm mỹ phẩm được rất nhiều chị em tin tưởng, ưu ái. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng lô hội, sẽ gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sắc đẹp.

Theo Từ điển Bách khoa, cây lô hội còn gọi là lưỡi hổ hay nha đam (tên khoa học là Aloe vera hay Aloe barbadensis). Người ta thường bóc vỏ lấy cùi lá, ép lấy nước. Nước ép này còn rất hữu ích trong việc nhuận tràng, ngăn chặn sự hấp thu chất béo khi bạn nạp thức ăn vào mỗi ngày.

Ngoài ra, nước ép này còn có tác dụng kích thích sự tổng hợp các collagen và sợi elastin, giúp ngăn chặn sự hủy hoại của da khi bị lão hóa. Trong quá trình chăm sóc da, chất gel này có tác dụng se lỗ chân lông, giảm mụn một cách hiệu quả…

Cho đến ngày nay, lô hội vẫn được chị em phụ nữ ưu ái lựa chọn như là một biện pháp làm đẹp davà giảm cân hữu hiệu. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng lô hội, sẽ gây những tác hại không ngờ tới sức khỏe và sắc đẹp.

Cây lô hội.

Gây dị ứng da khi sử dụng vỏ lá lô hội

Do thấy nhiều loại mỹ phẩm sử dụng chiết xuất từ lô hội, nên một số người đã tự cắt lá cây này ép lấy nước để bôi lên da vì cho rằng nó “nguyên chất” nên rất tốt, không ngờ làn da họ lại bị phồng đỏ

Báo Đất Việt cho biết, nguyên nhân của những trường hợp trên là do họ đã làm sai cách, họ dùng cả lá cây lô hội không lột lớp vỏ ngoài. Họ không biết rằng, tác dụng làm đẹp da chỉ có ở nước ép cùi lá cây lô hội mà không hề có ở vỏ lá.

Theo đó, nước ép cùi lô hội có tác dụng làm mềm da, chống viêm và kháng khuẩn. Ngược lại, nước ép toàn lá lại có thêm chất nhựa nên không dùng làm đẹp được, thậm chí có thể gây dị ứng, mẩn đỏ da.

Nguy hiểm từ lớp nhựa 

Nhiều người không hề biết rằng, nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hóa sẽ làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất.

Chất độc trong nha đam này tuy không làm chết người nhưng có thể làm người tiêu hóa một lượng lớn nha đam bị co thắt bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bên cạnh đó nó còn bài tiết qua nước tiểu làm cho nước tiểu có màu hồng như máu.

Không tốt cho người cao tuổi và trẻ nhỏ

Theo thông tin đưa trên báo Tuổi trẻ, gần đây, một số thầy thuốc cũng đã cảnh báo về việc lạm dụng nước lô hội để giải khát.

Lô hội là vị thuốc không tốt cho người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

Theo lương y Dương Thành Phát (TP HCM): “Nhiều loại thảo dược cũng có tác dụng phụ; những tác dụng phụ này có thể không biểu hiện ngay mà tiềm ẩn lâu dài”.

Theo đó, ông cho biết từng gặp một người cao tuổi bị rối loạn nhịp tim sau 1 tuần uống nước Lô hội với mục đích nhuận tràng đã dẫn đến bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch. Nhiều gia đình mua nước giải khát lô hội để sẵn trong tủ lạnh, nếu trẻ dùng nó để uống thay nước lọc thì rất tai hại, nhất là với những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.

Không tốt cho người bệnh tim

Trong lô hội có những thành phần khác nhau tuỳ theo loài cây, nơi trồng và cách làm. Ngoài ra, nó còn có phản ứng tương tác với một số chất khác. Người bệnh tim tránh dùng nó vì có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Đông y xếp Lô hội vào loại thuốc tẩy xổ và trục thuỷ, dùng nhiều sẽ làm tổn thương tân dịch và chính khí.

Gây xung huyết cơ bụng, ngộ độc

Theo thông tin trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Lô hội là một vị thuốc bổ (liều nhỏ 0,05 – 0,1g) giúp tiêu hoá vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột.

Tuy nhiên, nếu dùng với liều cao, nó là một vị thuốc tẩy mạnh nhưng tác dụng chậm, gây xung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già.  Thêm vào đó, nhựa khô của lô hội dùng liều cao có thể gây ngộ độc. Đặc biệt, những vị thuốc này cũng không tốt cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Dùng nhiều lô hội dễ gây ngộ độc, xung huyết cơ bụng. Ảnh minh họa.

Lưu ý:

Khi phụ nữ sử dụng các loại kem từ lô hội cần chú ý do tính chất tẩy sạch và làm bong tróc các biểu bì sừng và tái tạo tế bào mới, nên khi lớp da non tiếp xúc các tia bức xạ ngoài trời sẽ rất dễ gây nám da.

Khi ăn lô hội bạn cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch nha đam để tránh ngộ độc. Liều dùng lá tươi mỗi ngày từ 5 - 10g, ăn chung với yaourt, nấu với đậu xanh... Nếu dùng lâu dài thì bạn nên dùng với liều lượng thấp.