Trung tuần tháng 3, người phụ nữ 28 tuổi với vết thương hằn sâu trên gương mặt mang theo đơn chống án đến TAND Hà Nội. Chị này yêu cầu HĐXX xử nghiêm hung thủ gây ra vụ việc.
Theo cáo buộc, tối một ngày cuối tháng 6/2014, lấy lý do vợ có quan hệ ngoài luồng với người khác, trước quán cà phê ở phố Trích Sài (đường ven hồ Tây, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Xuân Danh (36 tuổi) cầm chai axít hắt vào vợ là là chị Hằng (28 tuổi). Nạn nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng ở vùng mặt, cổ, ngực, bụng và tay chân.
Tại phiên xử, Danh bao biện khi gây án tinh thần đã bị kích động do phát hiện tin nhắn lạ trong điện thoại của vợ, còn chai axit mang theo chỉ nhằm đe dọa. Tuy nhiên, lời lẽ này của bị cáo không được tòa cấp phúc thẩm chấp nhận và tuyên y án 12 năm tù.
Kết thúc phiên xử, nạn nhân với khuôn mặt biến dạng do axít để lại cho rằng bản án trên không tương xứng với nỗi đau chị phải trải qua những tháng ngày đau khổ.
Cũng là nạn nhân của vụ tạt axít, câu nói thảng thốt của chị Vân (25 tuổi, ở Kiên Giang) trong phiên tòa xét xử cuối tháng 3 khiến nhiều người dự khán cảm thấy nhói lòng.
"Bị cáo không giết tôi nhưng lại hủy hoại cả cuộc đời tôi. Giá như lúc đó bị cáo đâm một dao để tôi chết đi có lẽ tôi sẽ không đau đớn, khổ sở như bây giờ...", Vân nói.
Chỉ vì bị từ chối tình cảm, Dũng không ngần ngại cầm ca axít tạt vào người tình. Không may, axít văng trúng em gái nạn nhân và 5 người khác. Vân bị thương tật 44%, 6 người còn lại cũng bị bỏng.
Liên quan đến vụ án, Dũng bị tuyên 26 năm tù về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.
Đề cập đến các vụ tạt axít, độc giả Quang Liêm bức xúc:
"Hành động tạt axít quá tàn bạo, để lại nỗi đau cho người khác. Pháp luật cần phải khẳng định đây là trọng tội, phạt thật nặng mới có thể răn đe những kẻ khác". Trong khi đó, một số độc giả khác thì cho rằng cần thay đổi khung hình phạt đối với hành vi này. Cụ thể, có thể nâng mức tử hình vì hậu quả như là tội Giết người.
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội), việc sử dụng axít để phạm tội chỉ được xem là hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm. Các điều luật không có quy định cứng rằng tạt axít là hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, dã man.
Khung hình phạt theo quy định mức cao nhất với tội Cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật hình sự là tù chung thân, không có mức tử hình.
Luật sư phân tích thêm, tạt axít chỉ bị khép vào hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, dã man khi người phạm tội chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, mà coi thường pháp luật.
Một người chỉ bị kết tội khi hành vi của người đó thỏa mãn toàn bộ các dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm của ít nhất một tội quy định trong Bộ luật hình sự. Có thể thấy, việc kết luận hành vi tạt axít phạm tội nào (Giết người hay Cố ý gây thương tích) còn phải dựa vào mục đích của người phạm tội.
Ông Giáp nói, nếu người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho nạn nhân (tạt axít có độ nhẹ, không tạt vào chỗ hiểm) thì sẽ là tội Cố ý gây thương tích. Ngược lại, nếu như người phạm tội tạt loại axít có độ mạnh (axit sunfuric) hoặc với liều lượng lớn và cố tình tạt vào chỗ hiểm (mắt, mồm, họng …) thì có thể sẽ bị kết tội Giết người.
Việc nạn nhân không chết trong trường hợp này không phải là yếu tố quyết định trong vấn đề định tội danh. Quy kết hành vi tạt axít vào tội Cố ý gây thương tích có thỏa đáng hay không là phụ thuộc vào các yếu tố nói trên, tự bản thân hành vi tạt axít chưa thể đủ để kết luận đó là tội gì.
Còn luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng người thực hiện hành vi tạt axít thường nhằm mục đích gây thương tích hoặc cố gây tật suốt đời cho nạn nhân, do đó họ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Trên thực tế, hầu như không có nạn nhân nào bị tạt axít sau đó chết vì hành vi này.
Theo quan điểm của ông Thanh, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt axít gây ra, cần phải có một mức xử phạt mạnh mẽ, quyết liệt hơn hiện nay. Nếu như không thể quy kết đây là hành vi giết người thì nên quy định một tội danh riêng đối với hành vi này với chế tài đặc biệt nghiêm khắc.
Ngoài ra, pháp luật cũng phải có quy định cụ thể, rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ đối với việc mua bán axít. Ai được phép mua, bán dung dịch nguy hiểm này?. Đây không phải là loại dung dịch phổ biến dùng trong đời sống xã hội, người nào không chứng minh được việc sử dụng vì mục đích chính đáng thì không được phép mua.
"Nếu ai vi phạm, nhất thiết phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới hạn chế được những hậu quả đáng tiếc xảy ra", luật sư Thanh nhấn mạnh.
Hiện trường vụ tạt axít tại Hải Phòng. Ảnh: Công lý.
So sánh với hành vi phóng hỏa đốt nhà dù không gây hậu quả chết người nhưng người phạm tội vẫn bị quy kết vào tội Giết người, theo các luật sư điều này là phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.
Luật sư Giáp phân tích, nếu trong vụ phóng hỏa đốt nhà, người phạm tội biết chắc trong nhà có người và mục đích là thiêu chết nạn nhân thì việc nạn nhân thoát chết nằm ngoài mong muốn của người phạm tội. Người này vẫn phạm tội Giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Mặt khác, nếu như ban đầu mục đích tạt axít là muốn gây thương tật cho nạn nhân, không muốn làm nạn nhân chết và quả thực nạn nhân không chết thì vẫn có thể chỉ là tội Cố ý gây thương tích. Nạn nhân bị di chứng nặng nề để lại có thể chỉ là yếu tố, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội Cố ý gây thương tích.