Sáng 19/3, có mặt tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, nơi công trình đập chính chặn dòng Sông Tranh của Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế, xây dựng rất kiên cố bằng bê tông cốt thép liên hoàn khổng lồ, dày gần 50m theo kiểu bậc thang. Chiều dài toàn bộ đập lên đến hàng trăm mét. Gồm năm cửa xả tràn ở giữa, cao trình mực nước dâng là 175m, song trên thân đập, xuất hiện nhiều khe nước chảy xối xả.
Dân làng Bắc Trà My sống gần Thủy điện Sông Tranh 2 hoang mang, lo lắng
Thủy điện Sông Tranh 2 chính thức đi vào vận hành phát điện vào ngày 19/12/2010. Tuy nhiên, đến nay đập chính chặn dòng của Thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện 4 vết nứt có mức độ khác nhau làm cho nước phía trong lòng hồ chảy ra xối xả khiến người dân và chính quyền địa phương hoang mang, lo lắng như đang sống dưới miệng tử thần.
Để tiếp cận được các vết nứt này, chúng tôi phải mạo hiểm leo trèo qua nhiều con đường nhỏ hẹp, dốc cao thẳng đứng. Và phải mất nhiều thời gian, đi từng bước rất nhẹ trên các bậc thang của đập thủy điện cách mặt đất cả trăm mét chiều cao mới tiếp cận được các vết nứt nằm ngay giữa đập chính, vết nứt này có chiều dài thẳng đứng gần 30m, bề rộng của vết nứt khoảng 3cm. Nước trong lòng hồ thủy điện theo vết nứt tuôn ra xối xả và cứ vậy theo các bậc thang xuống vùng hạ lưu của Sông Tranh.
Vết nứt ngay giữa thân đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 có chiều dài gần 30m cùng với hiện tượng nước chảy xối xả
Ngay sau khi xảy ra 4 vết nứt của đập chính, tại các vị trí đã xuất hiện các công nhân dùng khoan máy, kéo hàng trăm mét dây điện lên để khắc phục sự cố. Nhưng vẫn không khống chế được dòng nước từ phía lòng hồ chảy ra xối xả ở các vết nứt này.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường của các vết nứt, ông Võ Đình Duật, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty Phú Bắc (TP.HCM) đang khắc phục các vết nứt cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng rò rỉ nước là do các tấm bố của hành lang thu thấm nước trong lòng bờ đập bị xê dịch nên nước bị rò rỉ ra ngoài. Trước tình trạng trên chúng tôi tiến hành đục để tạo nên các khe hở, sau đó đút ống nhựa (loại phi 18) vào các khe hở để bơm hóa chất vào bên trong nhằm xử lý tình trạng xê dịch các tấm bố. Chúng tôi đã tiến hành làm trong hai ngày qua, theo dự kiến công việc trên sẽ hoàn thành trong hai ngày tới. Khi khắc phục xong, nước sẽ không còn rò rỉ ra nữa”.
Trong khi đó ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết: “Trước mắt, Chi cục sẽ dùng máy quay phim quay lại các vết nứt của đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 để về làm báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam có hướng chỉ đạo tiếp theo”.
“Phải có một thời gian dài để nghiên cứu chứ không thể đưa ra kết quả ngày một ngày hai được. Phải dùng đến các biện pháp như siêu âm, sóng âm...kiểm tra mới biết được những vết nứt đó do đâu và nguyên nhân vì sao thì mới có biện pháp để xử lý triệt để được. Còn tôi thấy các công nhân đang dùng vải, bạt ni lon, bao xi măng trộn với keo độn vào trám lại thì đó là biện pháp tạm thời, chứ không đảm bảo an toàn” - ông Tuấn nói.
Đoàn công tác của Chi cục Thủy lợi Quảng Nam kiểm tra hiện trường các vết nứt trên thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2
Trước sự việc, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Hôm nay, UBND huyện đã có văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam để báo cáo tình hình ban đầu, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ các vết nứt này để ổn định tâm lý cho người dân địa phương yên tâm.
Nếu như sự cố xảy ra, khả năng 40.000 nhân khẩu của huyện Bắc Trà My sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, hàng nghìn hộ dân ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn có dòng Sông Tranh 2 chảy qua đổ ra sông Thu Bồn cũng bị ảnh hưởng nữa”.
“Nếu các vết nứt của đập chính chặn dòng Thủy điện Sông Tranh 2 không nằm trong sự cho phép về mặt kỹ thuật của công trình thì phải nhanh chóng kiểm tra, xem xét lại 3 công đoạn quan trọng nhất của công trình, gồm hồ sơ thiết kế công trình; công tác thi công xây dựng và chất lượng công trình có đảm bảo không. Thủy điện Sông Tranh 2 có cao trình nước dâng là 175m với dung lượng chứa 700 triệu m3 nước. Nếu có sự cố xảy ra khó lường hết hậu quả. Chính vì vậy, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc”.
Trước đó, việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 gây bức xúc khiến 18 hộ dân xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My kiện UBND huyện này và EVN ra tòa. “Từ khi công trình Thủy điện Sông Tranh khởi công xây dựng đến lúc phát điện, các công việc liên quan đến thủy điện này đã chiếm hết 40% công việc hành chính của UBND huyện Bắc Trà My từ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, khiếu nại của người dân....toàn bộ kinh phí để giải quyết việc hành chính đều phải do huyện tự bỏ tiền ra làm”, ông Tuấn cho biết.
Trong thông báo gửi các cơ quan truyền thông của Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 3, chủ đầu tư công trình Thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua đập được Ban Quản lý xác định là khoảng 30 lít/giây nên không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đập.
Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý dự án Thuỷ điện 3, thì tổng lượng thấm của đập (30 lít/giây) đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu cơ cở, cơ quan thiết kế đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.
Ban quản lý dự án cũng thông báo, hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. Đó là 3 trong 30 các khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình. Các khe nhiệt này xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu.
Ông Hải cho biết thêm, đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4 và Ban Quản lý Dự án đang tiếp tục xử lý thấm của đập để làm giảm tổng lượng thấm nêu trên để chất lượng công trình tốt hơn.