Hành vi chụp ảnh lén này đã bị bang Massachusetts (Mỹ) cấm bằng một luật có hiệu lực từ ngày 7/3/2014.
Đạo luật cũ với khái niệm “đánh đố”
Trong những năm gần đây, từ “upskirt” trở nên thông dụng, dùng để chỉ hành vi rình chụp các bộ phận riêng tư bằng cách đặt máy ảnh từ dưới váy phụ nữ. Những kẻ chụp lén có thể “chớp” ảnh khi phần riêng tư vô tình bị lộ ra khi người mặc váy cử động hay do một sự cố bất ngờ nào đó làm váy bị tốc lên ngoài ý muốn. Hiện nay, với các loại điện thoại di động tân tiến có kèm máy ảnh, những kẻ chụp lén không chỉ rình chờ những lúc hớ hênh của người mặc váy, mà còn có thể bố trí máy ảnh ở vị trí thuận lợi để chụp ảnh “nóng” đúng như mong muốn. Những ảnh “upskirt” sau đó được phổ biến trên mạng, chia sẻ với những kẻ có cùng sở thích bệnh hoạn. Đây là một vấn đề gây bức xúc về mặt đạo đức. Nhưng xử phạt thế nào để ngăn chặn vẫn còn là một chuyện gây tranh cãi trong xã hội.
Mỹ có Luật ngăn lén ghi hình năm 2004 phạt những ai cố ý chụp hình ảnh vùng riêng tư của một cá nhân mà không có sự đồng ý của đối tượng bị chụp ảnh, khi người chụp biết đối tượng “mong muốn có sự riêng tư”. Khi xảy ra một vụ cụ thể tại một bang, các bên liên quan giải thích luật khác nhau, hay tranh cãi nhất là giải thích thế nào là “mong muốn có sự riêng tư”. Không thống nhất về cách giải thích luật dẫn tới tình trạng phán quyết của tòa án cấp trên ngược lại phán quyết của tòa cấp dưới, gây bức xúc cho người dân. Điều này đã khiến cơ quan lập pháp của các bang ban hành luật cụ thể để xử lý, ví dụ như trường hợp của bang Oklahoma.
Năm 2006 một người đàn ông ở bang Oklahoma được tha bổng trong trường hợp như thế. Anh ta đặt máy ảnh bên dưới váy của một thiếu nữ 16 tuổi đang mua sắm tại một cửa hàng để chụp ảnh đồ lót của cô. Tòa cho rằng cô gái “không thể mong muốn có được sự riêng tư trong bối cảnh một nơi công cộng tấp nập người ra kẻ vào”.
Kết luận của tòa bang Oklahoma bị dư luận phản đối kịch liệt. Sau đó, dân biểu Pam Peterson đề xuất một dự luật cấm chụp các vùng riêng tư của một người tại nơi công cộng. Dự luật được cơ quan lập pháp bang Oklahoma thông qua và có hiệu lực thi hành năm 2008.
Phán quyết gây phẫn nộ
Bang Massachusetts vừa hành động tương tự như bang Oklahoma khi xét xử vụ Michael Robertson. Anh ta bị bắt năm 2010 vì bị bắt quả tang dùng điện thoại di động chụp lén trên xe điện ngầm Boston. Anh ta bị buộc hai tội chụp ảnh khỏa thân hay khỏa thân một phần của một người mà không có sự ưng thuận của người ấy. Với tội danh như thế, anh ta có thể bị kêu án tù hơn hai năm nếu tòa xét thấy có tội.
Vụ việc được đưa tới các tòa cao hơn sau khi tòa sơ thẩm phán quyết Robertson phạm tội. Luật sư của Robertson bào chữa bằng các lập luận sau. Thứ nhất, vị luật sư này nói: “Một ai đó mặc y phục nhưng để lộ một phần cơ thể một cách vô tình hay cố ý thì người ấy không thể mong muốn có được sự riêng tư”; Thứ hai, Robertson có quyền tự do chụp ảnh phần bên dưới váy phụ nữ theo Tu chính án Hiến pháp thứ nhất của Mỹ; Thứ ba, không thể áp dụng luật peeping Tom (là từ chỉ kẻ nhòm lén người khỏa thân hay đang làm các động tác riêng tư) trong trường hợp của Richardson.
Luật peeping Tom để bảo vệ người bị chụp ảnh lén trong phòng tắm, phòng thử quần áo… nhưng không áp dụng cho những người mặc quần áo ở tại nơi công cộng. Robertson chỉ chụp ảnh những gì đang bày ra trước mắt của anh ta thôi và những người phụ nữ bị anh ta chụp ảnh đều mặc quần áo, phần riêng tư được đồ lót che kín. Công tố viên không đồng ý với luật sư bào chữa với lý do hành khách đi tàu điện mong muốn không bị chụp phần riêng tư của cơ thể bên dưới váy và điều này có thể hiểu được.
Tuy nhiên ngày 5/3/2014, Tòa tối cao bang Massachusetts vẫn phán Robertson không phạm pháp. Phán quyết của tòa tối cao gây ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng
Luật ra đời nhanh như chớp để xoa dịu công chúng
Phán quyết của tòa tối cao bang Massachusetts gặp phản ứng mạnh, đặc biệt từ các đại biểu hai viện quốc hội bang. Quan điểm của đa số các vị này cho rằng việc chụp lén dưới váy của Roberson là hành động quấy rối tình dục, bị coi như là hành động sự tấn công người khác và họ nhất trí cần phải có ngay một luật trừng phạt hành động đó để “phụ nữ và trẻ em có thể đến những nơi công cộng mà không cảm thấy rằng mình không được pháp luật bảo vệ”.
Ngày 6/3/2014, một dự luật về chụp ảnh lén dưới váy phụ nữ nơi công cộng được quốc hội bang thông qua. Chỉ một ngày sau, Thống đốc bang Deval Patrick đã ký ban hành luật. Luật có hiệu lực ngay lập tức.
Luật mới buộc tội phạm hình sự hành vi chụp ảnh, quay video hay theo dõi bằng thiết bị điện tử các bộ phận riêng tư hay bộ phận sinh dục của người khác ở dưới hay gần quanh y phục của người ấy. Nếu vi phạm có thể bị phạt tù tối đa 2 năm rưỡi và phạt tiền đến 5000 USD (khoảng hơn 100 triệu VNĐ). Nếu đối tượng bị chụp lén là trẻ em, kẻ vi phạm bị tù từ 2 năm rưỡi đến 5 năm kèm khoản tiền phạt như nêu trên.
Chẳng những làm luật nhanh mà cơ quan lập pháp bang Massachusetts còn hứa sẽ xem đi xem lại luật này và sửa đổi, bổ sung khi cần để luật không lạc hậu với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ người dân. Hành động chớp nhoáng của cơ quan lập pháp và Thống đốc bang Massachusetts rất được sự tán thưởng của người dân vì đã giúp họ giải tỏa phần nào nỗi ám ảnh bị chụp lén. Tuy nhiên nhiều người vẫn “hậm hực” vì luật ra đời trễ nên Robertson không phải vào tù.
Quy định của một số nước với hành vi chụp lén dưới váy phụ nữ: Úc: Tất cả các bang đều cấm chụp hình dưới váy phụ nữ ở nơi công cộng, nếu không được sự đồng ý của đối tượng. Ấn Độ: Luật Kỹ thuật thông tin quy định: “Bất cứ ai cố ý chụp ảnh, phát hành hay chuyển hình ảnh phần riêng tư của cơ thể một người mà không có sự đồng ý của người ấy sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hay bị phạt tối đa 200 ngàn rupees (hơn 68 triệu VNĐ) hoặc cả hai”. New Zealand: Chụp ảnh lén các phần riêng tư của một người trong bất cứ bối cảnh nào (nơi công cộng hay nơi riêng tư) trong đó đối tượng mong muốn có sự riêng tư, bị xem là bất hợp pháp. Sở hữu hay phân phối các ảnh đó cũng trái luật. Anh: Không có luật cụ thể cấm chụp ảnh lén từ dưới váy nhưng hành động này có thể bị xử phạt theo Luật về các tội phạm tình dục 2003 hay tội công xúc tu sỉ. Singapore: Năm 2013, Be Keng Hoon, một kỹ sư, bị kêu án 9 tháng tù sau khi giấu máy ảnh trong dây buộc giày để chụp lén hơn 200 tấm ảnh từ dưới váy phụ nữ trong 10 tháng từ tháng 10/2011 – 8/2012. Hoon bị buộc 264 tội xâm phạm sự riêng tư của phụ nữ. Phần Lan: Năm 2010, một ông cụ bị tịch thu máy ảnh và bị phạt số tiền tương đương thu nhập 12 ngày. Ông cụ đã chụp lén vài tấm ảnh từ dưới váy tại một trung tâm mua sắm. |