Cái chết của người đàn bà cùng sở thích say bí tỉ với chồng

Đôi vợ chồng hờ “rổ rá cạp lại” ngày ngày chìm trong men rượu. Và, cái kết đáng buồn: Vợ mất mạng, chồng vướng vào vòng lao lý cũng bởi rượu mà ra.

Thế nhưng, một bộ phận người dân nhận thức thấp cho rằng cái chết đau lòng của người vợ là do… “ma ám”  bởi trước đó, cũng tại chính địa điểm mà người vợ này tử nạn, một người hàng xóm cũng trượt chân ngã chết bất ngờ…

Chồng nát, vợ say

Mặc dù sự việc A Khê (SN 1976, ở thôn 2, xã Đắk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đánh chết người vợ hờ của mình diễn ra đã lâu, nhưng những người dân thôn 2 vẫn còn xôn xao bàn tán. Bởi nơi đây vốn là một thôn nhỏ yên bình, ít khi xảy ra chuyện động trời như vậy.

Ảnh minh họa.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong cơn say, không làm chủ được bản thân nên A Khê đã đánh trọng thương người vợ hờ của mình là Y Bôn. (SN 1979). Sau nhiều ngày được điều trị tích cực tại bệnh viện, do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong vào ngày 9/1/2015. Đáng nói là cả nạn nhân và hung thủ đều nghiện rượu nặng.

Theo người dân địa phương, tối ngày 4/1/2015, nhiều người  nhìn thấy Y Bôn mang 3 túi rượu về rồi 2 vợ chồng ngồi uống. Đến khoảng 23h, A Khê chửi mắng rồi đánh Y Bôn khiến chị này phải chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn.

“Chạy sang nhà tôi nhưng có vẻ Y Bôn cũng đã ngà ngà say, nó còn lục sục khắp nhà xem có rượu không để mang ra uống tiếp. Nhưng may là nhà tôi không có nên một lát sau nó lại đi về nhà. Mặc dù đã khá khuya nhưng có người nhìn thấy Y Bôn tiếp tục đi mua 3 túi rượu nữa về để hai vợ chồng tiếp tục nhậu.
Nói là nhậu vậy thôi chứ ai chẳng biết là vợ chồng tụi nó cơm còn không ăn đủ lấy đâu ra tiền mua đồ nhậu, toàn uống rượu suông thôi. Vì quen với việc hai vợ chồng nhà Y Bôn uống rượu như thay cơm rồi nên mọi người không quan tâm lắm”, ông A Liu (SN 1970, hàng xóm A Khê) cho biết.

Sau khi Y Bôn chết, đối tượng A Khê đã bị cơ quan Công an bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Tại cơ quan điều tra, A Khê khai nhận là do hôm đó hai vợ chồng uống say nên Y Bôn không cẩn thận ngã từ bậc thềm nhà xuống sân.

Sau đó giữa hai người tiếp tục xảy ra mâu thuẫn nên A Khê trong lúc say đã dùng gậy đánh nhiều cái vào người và đầu Y Bôn. Hung thủ cũng cho rằng những hành động như vậy đều là do trong lúc say không làm chủ được bản thân, chứ nếu tỉnh chắc chắn sẽ không như vậy.

Một điều nữa về cặp vợ chồng hờ này khiến chúng tôi không khỏi giật mình, đó là dù không có ruộng nhưng họ chẳng chịu khó làm ăn để chăm lo cuộc sống. Trái lại cả hai vợ chồng cứ đi làm thuê được đồng nào lại rủ nhau mua rượu về uống. Với họ, uống rượu có thể thay cho bữa cơm hàng ngày. Một ngày người dân trong thôn không nhìn thấy hai vợ chồng A Khê không uống rượu thì mới là chuyện lạ.

Những ngày không có ai mướn, hai vợ chồng lại rủ nhau lên rẫy, nhưng không phải tìm việc mà để chặt những buồng chuối của nguời dân, sau đó mang ra quán để đổi lấy rượu uống. Nhìn cảnh tượng như vậy, ai nấy đều lắc đầu, cũng chẳng buồn góp ý làm gì vì biết nhà này “Được cả ông lẫn bà” sẽ chẳng ai nói được gì cả.

Bà A H’Lia (SN 1943, hàng xóm A Khê) cho biết: “Thuê vợ chồng A Khê làm có một mảnh ruộng nhỏ xíu mà tụi nó làm mãi không xong, lại còn xin ứng tiền trước để mua rượu uống nữa. Rồi nhiều lần A Khê còn nói dối mọi người để vay tiền, nói là đi làm chứ thật ra lại mang về rồi vợ chồng mua rượu uống với nhau .Từ đó hàng xóm cũng không mấy ai muốn cho họ mượn tiền nữa”.

Mặc dù là phụ nữ nhưng theo những người hàng xóm, Y Bôn thậm chí còn nghiện rượu hơn cả chồng  mình. Bản thân A Khê rất ít đi mua rượu hay đổi rượu mà người ta thường thấy Y Bôn là người chủ động mang chuối, sắn đi đổi lấy rượu về uống. Nhiều người cho rằng, Y Bôn uống rượu còn nhiều hơn, giỏi hơn chồng  mình. Mỗi lần như vậy cả hai lại say, rồi lại cãi vã. Cuộc sống cứ như vậy trôi qua từ năm này sang năm khác.

Bậc thềm giết người

Đứng từ xa nhìn ngôi nhà lụp sụp của vợ chồng A Khê, chúng tôi phần nào cảm nhận được hoàn cảnh éo le của họ. Thế nhưng, đến khi tận mắt bước chân vào căn nhà vẫn khiến mọi người không khỏi giật mình. Trước mắt chúng tôi là một không gian trống rỗng với toàn củi khô. Cố gắng đưa mắt tìm kỹ một lượt nhưng cũng không thấy lấy một cái bát, cái ghế, chứ đừng nói có một cái giường, để nhận ra đây là một căn nhà mà mới đó còn có hai người sinh sống.

Thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ trước những gì được chứng kiến, bà A H’Lia lên tiếng: “Vợ chồng thằng A Khê sống như thế này nhiều năm rồi, ở đây không còn lạ gì cả. Tụi nó sống theo cái kiểu tạm bợ ăn đâu nằm đấy, cứ say là lăn ra nền ngủ, cứ như vậy nên có cần gì đâu. Ngay cả một cái bát ăn cơm còn chẳng có, ấy thế mà hễ có tiền là lại rủ nhau uống rượu, bảo sao cuộc sống khá lên được”.

Có lẽ do nhận thức của người dân nơi đây nên thay vì tin rằng nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do rượu, một số người trong thôn cho rằng ngôi nhà, mà cụ thể là bậc thềm của gia đình A Khê “ma ám”. Và có một thế lực siêu nhiên nào đó đã kéo ngã Y Bôn từ trên thềm xuống sân gây ra cái chết của nạn nhân.

Sở dĩ có câu chuyện trên là trước đó khoảng gần 2 năm, một người phụ nữ hàng xóm của A Khê trong lúc sang chơi cũng đã ngã từ trên bậc thềm xuống sân và tử vong sau đó 2 ngày. Rồi khi cái chết tương tự của Y Bôn xảy ra thì người ta càng tin rằng cái bậc thềm đó bị “ma ám”. Và hồn ma đó phải kéo được một hồn ma khác thay mình mới có cơ hội được siêu thoát đi đầu thai kiếp mới.

Không tin vào lý luận có phần hoang tưởng của một số người dân, chúng tôi đã tìm đến nhà người phụ nữ xấu số trước đó đã chết do ngã từ bậc thềm nhà A Khê. Qua gia đình chúng tôi được biết, hôm đó người này có sang nhà A Khê để uống rượu, đến khi say không cẩn thận mới ngã xuống sân. Mà dưới bậc thềm trước đó có nhiều viên đá to lởm chởm, chị này không may đập đầu vào đó, gây chấn thương sọ não, nên đã tử vong, chứ hoàn toàn không có chuyện bậc thềm bị “ma ám” gì ở đây cả.

Tận cùng bi đát

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi về ở với nhau, cả A Khê và Y Bôn đều đã từng lỡ dở trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Vợ của A Khê đã chết trước đó nhiều năm vì căn bệnh đau tim. Họ có với nhau 4 người con, cô con gái lớn sau khi lập gia đình vì thấy hoàn cảnh khó khăn, sợ bố không nuôi nổi các em nên đã đưa các em đi với mình về sống bên nhà chồng. Từ đó A Khê sống lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ dột nát.

Hoàn cảnh của Y Bôn cũng chẳng sáng sủa hơn gì so với người chồng hờ, khi chồng chị này là một người nghiện rượu, ngày say lúc nào cũng nhiều hơn ngày tỉnh. Mỗi lần như thế, Y Bôn đều bị chồng cũ lôi ra đánh đập.

Trong một lần bị chồng hành hạ, Y Bôn đã báo cáo sự việc lên Công an xã Đắk Kôi để nhờ can thiệp. Nào ngờ, khi công an xã chưa xuống đến nơi, người chồng ở nhà nghe tin nên đã thắt cổ tự tử.

Chồng chết để lại cho Y Bôn hai đứa con nhỏ, nhưng hoàn cảnh khó khăn không có ruộng nương nên chị đã đem hai đứa con của mình cho người khác nuôi.

Do nhà Y Bôn ở thôn 1, cách nhà A Khê không xa nên hai người đã từng nghe về hoàn cảnh éo le của nhau. Cách đây hơn 2 năm, họ quyết định dọn về sống với nhau như vợ chồng trong ngôi nhà của A Khê ở thôn 2.

Ông A Hùng – công an viên thôn 2 cho biết: “Họ cãi nhau suốt nhưng chưa từng xảy ra đánh nhau bao giờ nên hàng xóm vì thế cũng quen dần. Chính vì thế mà tối hôm xảy ra sự việc, mọi người cũng nghe thấy tiếng cãi cọ bên nhà A Khê nhưng không ai sang can thiệp vì nghĩ họ lời qua tiếng lại với nhau một chút như mọi khi. Có ngờ đâu sự việc lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy”.

Nói về lời đồn Y Bôn chết là do “ma ám”, ông A Hùng cho biết: “Không có ma ám gì ở đây cả, cái chết của người phụ nữ trước đó và của Y Bôn là do trùng lặp ngẫu nhiên. Thực chất nguyên nhân sâu xa về cái chết của Y Bôn là do rượu mà ra”.

Câu chuyện “rổ rá cạp lại” của A Khê và Y Bôn, người dân trong thôn ai cũng tỏ ra luyến tiếc. Chỉ vì rượu, một lần nữa họ đánh mất đi cuộc sống của chính mình. Thậm chí, hậu quả lần này còn đau lòng hơn gấp bội khi người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý.