Cách đối phó với bệnh phù mạch đường hô hấp trên do thuốc

Tỷ lệ bị chứng phù mạch ở đường hô hấp trên không cao. Song chúng lại gây ra những biểu hiện rất khó chịu

Thậm chí đã có trường hợp phải cấp cứu suy hô hấp và cũng có nạn nhân tử vong.

Phù mạch do thuốc điều trị

Phù mạch đường hô hấp là tình trạng sưng nề và tăng tiết dịch ở đường hô hấp do mạch máu bị giãn thụ động quá mức. Mạch máu thì giãn, dịch tiết nhiều, đường thở không giãn ra được làm người bệnh nghẹt thở. Phù mạch ít khi xảy ra ở đường hô hấp nhưng một khi đã xảy ra thì rất hệ trọng vì nó khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở vô cùng, có thể dẫn đến suy hô hấp.

Trong các thuốc gây phù mạch, người ta hay cảnh giác nhất với thuốc hạ huyết áp dòng ức chế men chuyển. Bởi lẽ trong các thuốc gây ra biến chứng này thì ức chế men chuyển là thuốc hay gây ra hơn. Tuy đây không phải là tác dụng phụ hay gặp của loại thuốc này song nó lại là biến chứng nguy hiểm. Thuốc hạ huyết áp dòng ức chế men chuyển có thể dễ dàng kiểm soát huyết áp cho người bệnh song nếu không cẩn thận, người bệnh có thể bị khó thở do tác dụng phụ này.

Tỷ lệ bị chứng phù mạch ở đường hô hấp trên không cao, chỉ vào khoảng 0,1-0,2% khi dùng thuốc hạ huyết áp loại ức chế men chuyển. So với biến chứng khác có thể không nhiều bằng, nhưng với số lượng người sử dụng thuốc hạ áp dòng ức chế men chuyển vô cùng lớn, người ta ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 - 500.000 người mắc phải. Con số đó quả không nhỏ chút nào. Thậm chí đã có trường hợp phải cấp cứu suy hô hấp vì biến chứng này và cũng có nạn nhân tử vong.

Cơ chế gây phù mạch của thuốc hạ huyết áp này lại nằm ở cơ chế tác dụng chính của thuốc. Thuốc có tác dụng chính là ức chế men chuyển. Một mặt thuốc tác động vào các men chuyển hoạt hóa angiotensin ở bộ máy cận tiểu cầu thận. Nhưng mặt khác, chúng lại tác động lên những men chuyển khác nằm trên đường hô hấp. Một trong các men đó là kininase II, là một enzym chịu trách nhiệm phân hủy một chất trung gian hóa học là bradykinin. Khi kininase bị ức chế, bradykinin trở nên tăng cao trong máu.

Như một phản ứng tất yếu, bradykinin gây giãn mạch trên toàn bộ đường hô hấp trên, bởi nó vốn là một chất hóa học gây giãn mạch mạnh. Hậu quả xảy ra là: mao mạch giãn rộng, máu bị ứ trệ, tăng tính thấm làm tăng thoát dịch ngoại bào, tăng phù nề đường thở, tăng tiết dịch nhầy. Cộng gộp lại dẫn đến một kết quả cuối cùng là phù mạch đường hô hấp trên.

Biến chứng này càng dễ xảy ra hơn với người bị thiếu hụt enzym carboxypeptidase-N and aminopeptidase-P bẩm sinh. Đây cũng là một enzym có chức năng phân hủy chất hóa học nội sinh bradykinin. Nên nếu những người này có chỉ định dùng thuốc, nếu biến chứng xảy ra thì họ là người bị rất nặng.

Đối phó thế nào?

Đặc điểm của hiện tượng phù mạch do thuốc hạ áp dòng ức chế men chuyển là không phụ thuộc liều. Tức không phải là dùng thuốc với liều nhỏ thì không lo sợ mắc phải biến chứng này. Nếu bạn là người nhạy cảm với thuốc và dễ bị tác dụng phụ bởi thuốc thì bạn sẽ là người mắc phải dù bạn chỉ dùng thuốc với liều duy trì. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn với điều trị. Chúng ta phải cẩn thận và theo dõi sức khỏe người bệnh ngay cả khi chúng ta dùng liều nhỏ nhất. Đừng chủ quan bỏ qua các trường hợp chỉ dùng liều thấp.

Mặt khác, biến chứng phù mạch của thuốc hạ huyết áp dòng ức chế men chuyển không phải xảy ra ngay tức thì. Có người khởi phát triệu chứng ngay khi mới chỉ dùng được 4 tuần. Nhưng cũng có người khởi phát muộn hơn. Căn cứ vào đó, chúng ta cần hết sức thận trọng, không nên nghĩ rằng dùng thuốc liều tấn công mà người bệnh không sao, sang giai đoạn duy trì dùng liều tối thiểu chắc chẳng có rắc rối gì. Thực tế, chúng ta có thể bỏ sót biến chứng của thuốc trên những bệnh nhân phát triển tác dụng phụ muộn.

Vì thuốc có tác dụng phụ gây phù mạch, nên ngay khi dùng bạn cảm thấy khó thở, nghẹt thở, tiếng thở khò khè và dường như có dịch cần dừng thuốc ngay lập tức và liên lạc với bác sĩ hoặc tái khám. Dừng thuốc sẽ có tác dụng cắt cơn phù mạch không cho nặng thêm và tiến tới hết dứt điểm trong 3-5 ngày tiếp theo. Thông báo cho bác sĩ để đánh giá lại tình hình và có những hướng dẫn cụ thể như có thể phải thay thuốc, chuyển thuốc, kết hợp thuốc là các tình huống có thể tính đến. Song điều đó hoàn toàn do bác sĩ cân nhắc. Chớ thấy khó thở mà tự ý bỏ thuốc luôn vì có thể tránh được nguy cơ cho hệ hô hấp nhưng lại không giải quyết được bệnh gốc, bệnh tăng huyết áp.

Trong quá trình dùng thuốc ức chế men chuyển, bạn không nên dùng chung với các thuốc làm co thắt cơ phế quản, không dùng chung với các thuốc long đờm, các thuốc ức chế ho trung ương. Vì nó có thể làm che đậy triệu chứng sớm hoặc làm nặng thêm biến chứng, tác dụng phụ mà thuốc gây ra.

Điều cuối cùng, nếu là người có tiền sử hen thì bạn cần tránh những yếu tố gây hen khởi phát trong thời gian dùng thuốc. Vì không biết lúc nào là tác dụng phụ có thể xảy ra song nếu nó xảy ra, phù mạch gây chít hẹp đường thở lại cộng với hen thì coi như người bệnh rất khó chữa. Và nếu bạn là người hay bị dị ứng thuốc thì hãy coi chừng với nhóm thuốc này. Vì rất có thể đến một lúc nào đó bạn sẽ bị dị ứng thuốc kiểu như thế này và phù mạch ở đường hô hấp xảy ra với bạn.