1. Có nên mua laptop lai tablet?
Windows 8 tạo cảm hứng cho thế hệ những mẫu laptop lai tablet như Lenovo IdeaPad Yoga và Dell XPS 12. Windows 8 cũng khiến cho màn hình cảm ứng trở nên cực kỳ hấp dẫn, nhưng đồng thời cũng tăng đáng kể giá thành thiết bị. Chính vì thế, khi cân nhắc mua một thiết bị laptop lai tablet, đừng quên đánh giá kỹ nhu cầu của bạn. Nếu bạn là một doanh nhân thường xuyên phải thuyết trình trước khách hàng, một chiếc laptop lai tablet với màn hình cảm ứng sẽ là lựa chọn hợp lý. Dùng tablet và điều khiển cảm ứng sẽ dễ dàng hơn nhiều việc dùng chuột hay touchpad (bàn di chuột) nhỏ bé.
Tuy nhiên, bạn cũng cần chắc chắn là thiết bị lai đó phải đáp ứng được những nhu cầu sử dụng cơ bản. Ví dụ, laptop lai tablet Sony Duo 11 cung cấp trải nghiệm tablet khá tốt, nhưng lại đi kèm bàn phím hơi nhỏ, điều này sẽ gây khó chịu cho những người phải soạn thảo nhiều.
2. Vi xử lý
Ultrabook và các dòng laptop siêu di động thường sử dụng CPU điện áp cực thấp (ultra-low-voltage - ULV). Chúng là những loại CPU tiết kiệm điện nhất, giúp laptop ít bị nóng và có thiết kế mỏng hơn. Vi xử lý ULV do Intel sản xuất thường có chữ cái “u” trong tên gọi, ví dụ như Core i5 3317u. Khi dùng laptop sử dụng loại chip này, bạn thường phải hi sinh hiệu suất CPU vì tốc độ xung nhịp của chip ULV không đặc biệt cao, những loại chip ULV được bán hiện nay cũng chỉ có 2 nhân xử lý.
CPU của laptop đa chức năng thường có hiệu suất cao hơn, nhưng chúng yêu cầu hệ thống làm mát hiệu quả. Hệ thống làm mát này sẽ khiến máy nặng hơn. Những laptop thuộc hàng cao cấp có thể có vi xử lý lên tới 4 nhân.
Một loại vi xử lý nữa là vi xử lý tăng tốc (APU) do AMD sản xuất. Những loại CPU này có bộ xử lý đồ họa tích hợp mạnh mẽ hơn các loại vi xử lý tương đương của Intel. Vì thế, những tác vụ chuyên về đồ họa sẽ hoạt động tốt hơn trên chip APU, mặc dù hiệu suất CPU tiêu chuẩn của chúng thường thấp hơn. Laptop trang bị CPU của Intel có thể dùng bộ xử lý đồ họa (GPU) rời của Nvidia hoặc AMD để tăng hiệu suất đồ họa, điều này có thể khiến thiết bị nặng hơn và giảm thời gian sử dụng pin.
3. Bộ nhớ
Hầu hết các loại laptop hiện nay đều có ít nhất RAM 4 GB. Windows 8 tiết kiệm bộ nhớ hơn các phiên bản Windows trước, vì thế trong nhiều trường hợp, 4 GB là đủ cho các tác vụ văn phòng thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên phải lập nhiều bảng tính lớn hoặc chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số dung lượng cao, bạn có thể cần nhiều hơn 4 GB. Hiện nay, hầu hết các loại ultrabook đều bị giới hạn ở RAM cố định 4 GB và không cho phép người dùng mua thêm RAM hoặc nâng cấp hệ thống.
4. Màn hình
Hai yếu tố chính cần xem xét khi chọn màn hình laptop là công nghệ màn hình và độ phân giải.
Công nghệ màn hình LCD vẫn tương đối ổn định trong vài năm qua. Mặc dù màn hình cảm ứng điện dung đang trở nên phổ biến hơn, về cơ bản, màn hình LCD vẫn tiếp tục sử dụng 1 trong 3 công nghệ sau: Màn hình TN; màn hình IPS; màn hình MVA hoặc PVA.
Màn hình TN vẫn là loại phổ biến nhất, chủ yếu vì chúng có giá thành rẻ. Hầu hết các loại laptop giá rẻ đều dùng màn hình TN. Màn hình LCD loại này có thời gian phản hồi nhanh và tiết kiệm điện, nhưng độ sâu của màu sắc không cao, độ chính xác màu sắc thấp nên không phù hợp cho việc chỉnh sửa ảnh hoặc chỉnh sửa video. Màn hình TN có góc nhìn hẹp.
So với màn hình TN, màu sắc trên màn hình IPS có chiều sâu hơn, độ chính xác màu sắc tốt hơn, góc nhìn cũng rộng hơn. Cho tới gần đây, thời gian phản hồi của màn hình IPS còn chậm, mặc dù những biến thể mới của màn hình IPS đã cải thiện thời gian phản hồi. Màn hình IPS ngày càng phổ biến trên laptop cao cấp.
Màn hình MVA hoặc PVA, mặc dù ít phổ biến hơn, vẫn được dùng trông một số loại laptop. Chúng đem lại chất lượng khá cân bằng giữa độ chính xác màu sắc và thời gian phản hồi, nhưng không nổi bật ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Yếu tố thứ hai cần cân nhắc là độ phân giải màn hình. Với laptop chạy Windows, độ phân giải cao không phải lúc nào cũng tốt. Độ phân giải cao tầm 1920x1080 pixel trên một màn hình LCD 11 inch thường khiến cỡ chữ trên văn bản trở nên nhỏ và khó đọc. Tất nhiên, bạn có thể tăng cỡ văn bản, nhưng như vậy sẽ phải phóng to các cửa sổ. Điều này gây chật màn hình và phủ nhận những ích lợi của độ phân giải cao.
Ngược lại, một màn hình LCD 17 inch mà chỉ có độ phân giải 1366x768 pixel sẽ làm lộ rõ từng pixel, điều này đặc biệt gây khó chịu khi bạn xem video trên laptop.
5. Ổ đĩa cứng
Ngày nay, ổ SSD ngày càng được sử dụng phổ biến. Ổ SSD giảm đáng kể thời gian khởi động và cải thiện khả năng phản hồi của hệ thống vì chúng tải ứng dụng và dữ liệu nhanh hơn. Nếu nhà sản xuất cung cấp ổ SSD như một lựa chọn nâng cấp, bạn có thể bỏ qua tốc độ vi xử lý để chọn ổ SSD. Tuy nhiên, ổ SSD thường đi kèm với những mẫu máy có giá bán đắt hơn.
Nếu chọn ổ SSD, lưu ý là kích cỡ tối thiểu phù hợp cho hầu hết người dùng là 128 GB. Nếu có đủ tiền, 256 GB sẽ tốt hơn, vì riêng hệ điều hành Windows đã tiêu tốn từ 20-30 GB không gian ổ đĩa.
Nếu bạn thường xuyên chụp ảnh hoặc quay phim với định dạng RAW, các file dữ liệu có thể nhanh chóng ngốn rất nhiều không gian ổ đĩa. Trong trường hợp đó, bạn có thể sẽ muốn dùng ổ HDD truyền thống hơn. Các loại laptop hiện đại dùng chip của Intel thường tăng hiệu suất ổ cứng bằng cách bổ sung một ổ SSD nhỏ - thường từ 16 GB tới 32 GB.