Vấn dề đạo nhạc nóng lên trong thị trường VPop thời gian qua bởi những "nghi án" do khán giả chỉ ra đối với những nghệ sĩ trẻ. Ngoài hành vi đạo thơ thành lời ca khúc trắng trợn của ca/nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Phước, các cá nhân còn lại được khán giả chỉ ra những điểm tương đồng trong nhịp beat của bài hát.
Những ngày gần đây, dư luận lại trở nên nóng hơn khi "nghi án" nam ca sĩ trẻ đầy triển vọng Sơn Tùng M-TP dình nghi án đạo nhạc Nhật Bản. Trước đó, Mr.T cũng bị khán giả chỉ trích khi đạo nhạc Hàn Quốc trong bài Butterfly.
Phóng viên chúng tôi xin trích dẫn những chia sẻ của các nhạc sĩ trên trang cá nhân của họ xung quanh vấn nạn đạo nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong
Mình chưa từng nói về vấn đề đạo nhạc, nhưng mọi người nói nhiều quá, mình cũng muốn chia sẻ, ngắn gọn thôi. Lấy cái gì đó của người khác mà không hỏi ý: gọi là lấy cắp (trừ khi cái đó đã thành tài sản chung của nhân loại). Hoặc gọi là lấy trộm. Hoặc nặng hơn là ăn cướp. Có từ ngắn gọn gọi là "đạo chích". "Đạo chích" xong để trong nhà xài riêng 1 mình mình, hoặc cùng xài với vài kẻ đạo chích khác (đồng môn, hay underground gì gì đó) thì không ai biết. Nhưng đạo chích xong đem thu lợi, đem bán, kinh doanh, khuyến mãi, đánh bóng... Thì gọi là vi phạm bản quyền. Đó là lý giải chữ "Đạo".
Cái gì nghe được mà có sự thay đổi cao độ nhịp độ trường độ theo theo quy luật (hoặc cái gì mà chỉ đọc nhưng có thể tưởng tượng và hát hoặc đàn) thì gọi là nhạc. Như vậy giai điệu, ca từ, nhạc nền dưới dạng audio (dù là intro hay 1 mẫu nhỏ), văn bản nốt nhạc, đều gọi là "Nhạc".
Vậy nếu bạn lấy nhạc của người khác mà không hỏi xin dù nó có là 1 đoạn nhạc (từ lóng còn gọi là beat) thì hành động đó gọi là "đạo nhạc". Ví dụ: bạn đạo beat xong tạo giai điệu (melody), và mọi người bảo bạn là đạo melody. Lúc đó bạn hãy nói cho họ biết là không phải vậy. Bạn không hề đạo melody. Còn nếu họ bảo rằng bạn đạo nhạc thì... Đúng vậy rồi còn gì.
Chưa kể: nếu sau khi "đạo nhạc" bạn còn thu lợi (dù cái lợi nhỏ đến vài ngàn đồng / 1cd), như vậy gọi là vi phạm luật bản quyền. Nền âm nhạc nào vi phạm luật bản quyền nhiều là nền âm nhạc lạc hậu. Vậy bạn có muốn sống trong một nền âm nhạc văn minh không? Hãy suy nghĩ và chọn lựa!
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh
Thế nào là đạo nhạc? Linh muốn chỉ để các bạn không phải thắc mắc nữa. Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hoà thanh và hoà âm. Một nhạc sĩ khi hoà âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hoà âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hoà âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không.
Bên nước ngoài, một ca khúc thường được nhiều nhạc sĩ sang tác chung, người nghĩ ra hoà thanh, nghĩ ra giai điệu, viết lời, người hoà âm đều là những cá nhân đóng góp vào sự thành công của ca khúc và đều được hưởng lợi nhuận với mức % khác nhau khi ca khúc thu được lợi nhuận.
Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật.
Điều mà ít người biết. Đó là ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại. Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác, và luôn để rõ ràng tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng. Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết là điều đáng làm, mà ngược lại, là điều đáng tránh.
Nhạc sĩ Hoài Sa
Nhạc sĩ Hoài Sa cũng có chia sẻ trên báo Lao động, số phát hành 126 về vấn đề "đạo nhạc": "Cứ nói ranh giới giữa học hỏi và "đạo" nhạc là mong manh, nhưng thực ra chẳng hề mong manh đâu, vì nó có sẵn trong ý định ban đầu của người đó rồi. Rõ ràng đến thế, trắng trợn đến thế là cùng, còn mong manh gì nữa! Học hỏi là học hỏi, ăn cắp là ăn cắp, đâu thể “đánh lận con đen” dễ dàng thế được!
Thế nhưng thị trường tự nó đã có phân khúc, ai ở chiếu nào thì ngồi chiếu nấy, không phải tiếng vỗ tay nào cũng giống nhau. Phản ứng tích cực nhất, theo tôi, là hãy làm tốt phần việc của mình để góp phần giúp cho bức tranh chung sáng sủa thêm được chút nào hay chút ấy. Đừng vì thấy người ta nổi tiếng dễ dàng trong khi mình nhọc lòng sáng tạo mà nản! Cùng lắm chỉ là hơi ngán ngẩm mà thôi, như kiểu khi ra đường nhìn thấy mấy người phóng nhanh vượt ẩu vậy. Còn thì đừng mong “thời thế thay đổi”, chừng nào luật bản quyền còn chưa đủ sức răn đe và dân trí nghe nhạc còn thấp như ở ta”.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương
"Cái tiện của các em bây giờ là có mạng mẽo nhưng nó làm hư các em hơn, có bấm được piano hay chơi ghitar gì đâu mà sáng tác. Thấy bài gì hay hay nghe có vẻ ăn là đưa cho bạn nào biết làm nhạc " làm hộ tớ giống giống bài này" rồi viết lên đó hoặc nếu tìm được beat luôn thì tốt quá, đỡ lục tốn. Tuy nó không bê nguyên si nhưng cái tuyến giai điệu thì sẽ phải chạy theo vì ảnh hưởng rồi . Viết nhạc cực khó, không đơn giản như các em nghĩ đâu. Nếu có ý lấy câu dạo của bài nào nổi tiếng vào bản phối của mình phải xin phép đàng hoàng ( nghe i love rock & roll và everybody get up của Five nhé).
Trước đấy nữ nhạc sĩ "Em sẽ là giấc mơ" cũng chia sẻ với báo chí, truyền thông: "Theo tôi biết là từ 11 nốt liền nhau mà giống thì mới được cho là "đạo" nhạc, nhưng quy định này cũng chưa rõ ràng trong luật bản quyền tác giả. Nhưng như tôi nói ở phần trên, việc lấy nguyên nhạc nền và hoà thanh thì Việt Nam là làm nhiều, bây giờ luật chưa quy định vấn đề này, nhưng tôi tin cũng sẽ sớm có luật về bản phối".